Không ít bậc cha mẹ do căng thẳng trong công việc hay vì lý do nào đó nhưng lại thiếu kiểm soát tâm lý bản thân nên đã vô cớ trút giận lên con trẻ, khiến chúng bị tổn thương. Vì thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống nên trẻ đã giấu những ấm ức trong lòng. Đến khi quá bức xúc trẻ lại bộc phát ra bằng những lời nói, hành vi, cử chỉ bốc đồng làm đau lòng những người đối diện.
Em Hoàng Tuấn – con trai chị Thu Xuân ở Q.Tân Bình (TP.HCM) – mới 8 tuổi mà có tật hay ăn vạ, lại thường biểu hiện thái độ giận dỗi vô cớ. Chơi với bạn một lúc là khóc lóc, đòi đánh bạn chỉ vì thua cuộc. Trước sự thất thường của cậu bé nên không ai dám gần. Băn khoăn về thái độ của đứa con mới tí tuổi đầu mà đã biết “giận cá chém thớt”, chị Thu Xuân bắt đầu nghĩ đến việc phải uốn nắn nhưng thật khó điều chỉnh hành vi đó khi con phản ứng giống hệt chồng chị: Mỗi khi có chuyện buồn bực ở cơ quan là về nhà chồng chị la hét, chửi mắng vợ con, có khi lôi thằng bé ra đánh tới tấp bởi những lý do rất vặt vãnh.
Gặp nhiều áp lực từ công việc đến gia đình, chị Hoài Ngân ở Q.2 thường rất mệt mỏi và căng thẳng, nhiều khi thiếu kiềm chế nên chị đã trút những cơn tức giận “không đâu” xuống cô con gái bé nhỏ. Không ngờ có những lần vô cớ bị mẹ đánh mà bé vẫn nhớ như in, nên khi chị chia tay chồng, con gái nhất quyết không chịu theo mẹ. Bé giận mẹ không muốn tiếp xúc, nói chuyện.
Tại sao đã từng là “nạn nhân” với biết bao ấm ức trong lòng khi bị cha mẹ trút giận vô cớ, thế nhưng trong cuộc sống trẻ lại bắt chước và hành xử giống cha mẹ? Con cái hay nhìn vào tấm gương cha mẹ để học hỏi và bắt chước. Đó là do cơ chế lây lan và bù trừ cho những tổn thương tình cảm ở bản thân – ban đầu trẻ phản ứng để giải tỏa những bực bội, oan ức…, nhưng lâu dần sẽ hình thành ở trẻ những thói quen, những nét tính cách thô lỗ cộc cằn, dễ gây hấn, đánh bạn. Với thói quen cư xử nóng tính, thiếu kiềm chế, trẻ sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè và những người xung quanh.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ xử lý hài hòa trong các mối quan hệ và thực hiện tốt vai trò giáo dục cảm xúc sẽ nhã nhặn với bạn bè, ít gặp xung đột trong cuộc sống, sống thân thiện, hòa đồng; bên cạnh đó ý chí nghị lực của trẻ cũng vững vàng hơn khi đối diện với những khó khăn hay những cú sốc trong cuộc sống.
Do đó cha mẹ hãy cư xử với con bằng tất cả lòng kiên nhẫn và sự tôn trọng để giúp trẻ học hỏi cách cư xử hợp lý, qua đó làm phong phú đời sống tình cảm của trẻ.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)