Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tác hại của rượu, bia: Kỳ 2: Nghiêm cấm lái xe uống rượu, bia

Tạp Chí Giáo Dục

Một vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi bổ sung vào năm 2008 đã quy định: Cấm tuyệt đối lái xe ô tô uống rượu, bia và quy định nồng độ cồn trong máu đối với với người đi xe gắn máy, nhưng thực tế số người vi phạm vẫn không giảm.
Tăng mức phạt nhưng vi phạm chưa giảm
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội – Bộ Công an, qua phân tích từ các số liệu thống kê, hiện nay có 3,9% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia. Nhưng trên thực tế, con số này còn cao hơn nhiều. Hiện tại, số người sử dụng rượu, bia thì nhiều nhưng số người bị phát hiện lại rất ít. Trong khi trang thiết bị cho lực lượng thực thi gặp nhiều hạn chế thì tâm lý, văn hóa của người Việt Nam về rượu, bia trong đời sống còn khá nặng nề. Vì vậy, việc giải quyết tình trạng lái xe uống rượu, bia gây tai nạn không thể làm trong một sớm một chiều.
Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2008 đã cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với tài xế ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế xuống mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy. Trong Nghị định 34/CP/2010, quy định mức xử phạt với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu cũng được tăng nặng. Cụ thể, phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở. Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng; với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở. Tuy nhiên, dù luật đã siết chặt và mức phạt đã tăng nặng nhưng vi phạm vẫn không giảm. Đặc biệt vào dịp hội hè, tình trạng lái xe nhất là xe cá nhân và xe máy uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông rất phổ biến. Nhiều TNGT đau lòng, nghiêm trọng đã xảy ra do người lái xe say rượu, bia. Mặc dù được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn coi thường, vi phạm và khi bị cơ quan chức năng xử lý thì có biểu hiện chống đối, trốn tránh sự kiểm tra.
Không khó để dẫn chứng rất nhiều vụ TNGT do lái xe say xỉn. Cách đây hơn một năm, một vụ TNGT làm chết nhiều người xảy ra đã làm chấn động dư luận xã hội và gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng rượu bia của đội ngũ lái xe. Trong vụ tai nạn đó, người lái xe chở các em học sinh đi tham quan Đền Hùng sau khi uống hai chai rượu Vodka vào bữa trưa đã không làm chủ tay lái, gây tai nạn khiến 8 người chết và 58 người bị thương.
Cần ý thức hơn để giảm tai nạn
Tại TP.HCM, tình trạng lái xe sau khi đã uống rượu, bia vẫn khá phổ biến.Chiều chiều, khi các công sở bắt đầu tan ca là lúc các quán ăn uống ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, từ quận 1 về đến quận Tân Bình bắt đầu nhộn nhịp. Khách đến quán đầy đủ các thành phần, công chức cũng có, người lao động cũng có… Tất cả họ có một điểm chung là đều đi xe máy. Tương tự như vậy, dọc đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) đang được mở rộng, nhiều quán nhậu mọc lên ven đường mỗi chiều cũng thu hút khá đông khách. Dân ăn nhậu ở đây chủ yếu là người lao động chân tay. Tất cả đều đi xe máy đến quán rồi sau đó tự đi về trong tình trạng chếnh choáng hơi men. TP cùng với nhiều khu ăn nhậu từ bình dân đến sang trọng mọc lên như nấm, nhằm phục vụ cho nhiều đối tượng và vô tình đã làm cho tình hình TNGT do rượu, bia ngày càng phức tạp hơn.
Được biết, lực lượng CSGT TP.HCM, hiện chưa được trang bị đủ máy đo nồng độ cồn và hầu hết là loại thể hiện kết quả trên máy, không in ra giấy. Chính vì không có chứng cứ vi phạm nên việc xử lý đối tượng say xỉn dựa theo máy đo nồng độ cồn thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, có nhiều trường hợp người tham gia giao thông không chịu hợp tác với lực lượng chức năng nên rất khó để kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. “Một số người ngụy biện lý do là ống thở không đảm bảo vệ sinh nên không chịu thở vào. Thực tế, qua cảm quan chúng tôi cũng có thể xác định được người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp người dân không hợp tác thì CSGT cũng khó xử lý”, một chiến sĩ CSGT cho biết.
Thiết nghĩ, để bảo vệ tính mạng của mình và những người xung quanh, mỗi người cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không điều khiển xe, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra
Bài, ảnh: Hà Anh

Bình luận (0)