Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tác hại của truyện tranh nội dung xấu

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tiểu học đọc truyện tranh trong sân trường
Nếu game bạo lực gây ảnh hưởng không tốt lên tính cách, hành vi giới trẻ thì nội dung truyện tranh có tính chất bạo lực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến điều này.
Biểu hiện cụ thể là một số trẻ thường bắt chước các tình tiết, diễn biến, hình ảnh, sự việc… diễn ra trong truyện.
Từ truyện ra đời thực
Trên tay cầm món đồ chơi hình sao 4 cạnh sắc nhọn, em Quang H. (học sinh Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM) thích thú với các động tác thảy mạnh đồ chơi vào cành lá. Đồ chơi bay liệng đến đâu, những chiếc lá lần lượt rơi xuống đất vì bị vật này cắt đứt. Thấy thế em phấn khích cười sảng khoái, một số học sinh chơi xung quanh cũng hào hứng không kém, ra sức cổ vũ trò chơi của bạn. Quang H. khoe: “Đồ chơi này gọi là phi tiêu được em mua ngoài chợ, một loại vũ khí của nhân vật chính trong truyện tranh Naruto sử dụng để chiến đấu với kẻ xấu. Nó có khả năng bay liệng rất xa, em rất thích đồ chơi này cũng như nhân vật chính trong bộ truyện tranh Naruto. Không riêng em mà nhiều bạn khác cũng yêu thích bộ truyện tranh này”. Khi chúng tôi hỏi không sợ đồ chơi bay trúng người gây thương tích sao, em hồn nhiên trả lời: “Em sẽ không ném vào người các bạn nên không sao cả”. Theo Quang H., ngoài phi tiêu 4 cánh còn có loại phi tiêu 6 cánh nhọn, kim châm, dao găm nhỏ… Đặc điểm chung là sắc, nhọn, có tính sát thương cao, mỗi một loại dành cho một nhân vật sử dụng.
Đối với trẻ nhỏ, yêu thích các nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình như robot, siêu nhân, anh hùng kèm theo vũ khí nhân vật sử dụng như đao, kiếm… là điều hết sức bình thường bởi đây là những thể loại mang tính giải trí, phù hợp với độ tuổi, tâm lý các em. Việc bắt chước các hành động, tình tiết thông qua đồ chơi xem như thỏa mãn tâm lý yêu thích ấy. Tuy nhiên, hành vi bắt chước các sự việc ở phạm vi an toàn, mang tính chất giáo dục là điều trẻ có thể làm; ngược lại, hành vi bắt chước tiềm ẩn yếu tố gây nguy hiểm cho bản thân hay người xung quanh thì hoàn toàn không nên. Trong trường hợp của Quang H., món đồ chơi mang lại nhiều niềm vui nhưng dễ dàng gây nguy hiểm cho bản thân em cũng như người xung quanh nhưng em lại tỏ ra thích thú.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Ở độ tuổi tiểu học, các em chưa ý thức cao về những nguy hiểm tiềm ẩn trong các loại đồ chơi không an toàn nên vô tư bắt chước. Trường hợp của Quang H., nhà trường đã cấm không cho chơi ngay sau khi phát hiện. Loại đồ chơi em ấy sử dụng sắc nhọn, có tính sát thương lớn, nếu như bay trúng người thì khó lường trước chuyện gì xảy ra”.
Cần quan tâm và định hướng cho trẻ
Giúp học sinh lường tránh nguy hiểm
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: Trong trường không bán loại đồ chơi nguy hiểm như phi tiêu. Ngay cả bộ truyện tranh Naruto trong trường cũng không có. Qua tìm hiểu, nhà trường được biết các em đọc trên internet. Sau khi cấm không cho chơi đồ chơi nguy hiểm, nhà trường đã giải thích những mối nguy hiểm do đồ chơi có thể gây ra để các em học sinh nhận thức, lường tránh. Đồng thời nhắc nhở, định hướng các em nên đọc những loại truyện phù hợp với lứa tuổi.
Truyện tranh là thể loại mang tính giải trí cao nên từ trẻ nhỏ đến thanh thiếu niên đều yêu thích. Trên thị trường, ngày càng xuất nhiều nhiều loại, đa dạng về hình thức đến nội dung. Và không thể phủ nhận, tính cách, hành vi của người đọc cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ thể loại này.
Theo ThS. tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, đọc truyện không chỉ giúp trẻ thư giãn sau giờ học mà còn mang đến cho trẻ trí tưởng tượng phong phú, phát triển tư duy phán đoán cũng như rèn thói quen đọc. Tuy nhiên, đề cập đến văn hóa đọc hiện nay, bên cạnh mặt tích cực cũng có không ít tiêu cực. Một số truyện sử dụng hình ảnh khêu gợi, ngôn từ dung tục, đến diễn biến, hành động của các nhân vật thể hiện tính bạo lực, điều này ảnh hưởng không tốt đến tính cách, hành vi của trẻ.
ThS. Tô Nhi A cho biết thêm, trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển, quá trình quan sát nhạy bén và bắt chước rất nhanh. Hành động của nhân vật hoặc tình tiết trong truyện luôn để lại ấn tượng sâu sắc, trẻ sẽ bắt chước, học hỏi, cóp nhặt làm nguồn vốn cho bản thân. Mặt khác, do suy nghĩ còn hồn nhiên, bộ lọc chưa chặt chẽ nên trẻ tiếp nhận một cách mặc nhiên cả những vấn đề tiêu cực thay vì loại ra khỏi vốn sống. Từ đó, để thỏa mãn cảm xúc riêng tư như cảm xúc nhân vật trong truyện, trẻ dễ dàng mô phỏng hành vi. Biểu hiện có thể như trường hợp của em Quang H. mua và sử dụng đồ chơi tương tự trong truyện tranh. Cũng có một số trẻ bắt chước về trang phục, về cử chỉ, hành động, ngôn từ nhân vật, thậm chí là bắt nạt, dùng vũ lực đánh bạn…
Trước thực trạng các thể loại truyện tranh ngày càng nhiều, khâu kiểm soát chất lượng chưa chặt chẽ, phương tiện đọc thì đa dạng như internet, thư viện, nhà sách…, ThS. Tô Nhi A cho rằng, người lớn cần có sự quan tâm, định hướng trong cách chọn lựa để trẻ đọc các loại truyện phù hợp với lứa tuổi, bản thân.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
“Lỗ hổng” văn hóa đọc ngày nay
Theo ThS. tâm lý Tô Nhi A, nội dung các truyện tranh không lành mạnh, mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục chính là “lỗ hổng” của văn hóa đọc ngày nay. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng. Song nói như thế không có nghĩa gia đình đẩy hết trách nhiệm cho xã hội. Giáo dục trẻ nhỏ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội, vì thế gia đình cần quan tâm, định hướng trong cách chọn lựa để trẻ đọc các loại truyện phù hợp với lứa tuổi. Phụ huynh nên chọn các loại truyện có nội dung lành mạnh, chứa đựng tính giáo dục cao cho trẻ đọc. Đồng thời cũng có thể hướng dẫn trẻ cả cách đọc, từ đó hình thành nên những thói quen, tính cách tốt đẹp trong mỗi đứa trẻ.
 
 

Bình luận (0)