Thiếu ngủ làm bạn trở nên cáu kỉnh. Ngủ không đủ giấc còn làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tăng cân và nhiều bệnh khác.
Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu về hậu quả của việc mất ngủ và gián đoạn giấc ngủ đã được thực hiện cho thấy mệt mỏi đơn thuần chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Những nghiên cứu mới được công bố mỗi tháng cho thấy thiếu ngủ dẫn đến béo phì và các vấn đề liên quan như hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, cao huyết áp và các bệnh khác.
1. Thiếu ngủ làm bạn béo hơn
Trong nghiên cứu mới đây, 70.026 phụ nữ đã được nghiên cứu để xem liệu thiếu ngủ có làm tăng nguy cơ tăng cân trong tương lai và thậm chí là béo phì hay không. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ngủ không đủ ảnh hưởng đến khả năng đốt cháy calo và làm tăng nguy cơ tăng cân. Trên thực tế, họ thấy rằng những phụ nữ ngủ 7-8 giờ mỗi đêm thì nguy cơ tăng cân là rất thấp. Nghiên cứu tương tự cho thấy rằng những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có nhiều khả năng bị béo phì.
Trong một nghiên cứu về những phụ nữ trung niên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng tăng cân có liên quan trực tiếp với số giờ ngủ mỗi đêm. Nghiên cứu này bắt đầu khoảng 20 năm trước bao gồm hơn 68.000 phụ nữ đã được hỏi về mô hình ngủ cũng như cân nặng của họ 2 năm/lần. Sau 16 năm, kết quả cho thấy những phụ nữ ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm tăng khoảng 2,5 kg so với những phụ nữ ngủ 7 giờ mỗi đêm. Ngoài ra, những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm tăng 15% khả năng bị béo phì hơn những người ngủ 7 giờ mỗi đêm. Một nghiên cứu về giấc ngủ đã cho thấy chỉ mất khoảng 16 phút của một giấc ngủ mỗi đêm cũng làm tăng nguy cơ béo phì.
2. Thiếu ngủ khiến bạn ăn nhiều thức ăn tinh bột và đồ ăn nhanh
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Chicago cho phép mọi người ngủ 5,5 giờ và 8,5 giờ/đêm sau đó đánh giá xem họ đã ăn bao nhiêu đồ ăn nhẹ vào ngày hôm sau. Những người tham gia nghiên cứu đã ăn trung bình hơn 221 calo khi buồn ngủ – lượng calo đó có thể khiến họ tăng 0,45 kg trong 2 tuần!
Trong một nghiên cứu về giấc ngủ ngắn (ít hơn 6 giờ) ở người lớn, các nhà nghiên cứu kết luận rằng sau một giấc ngủ kém, sự gia tăng cảm giác ngon miệng với thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao là đặc biệt mạnh mẽ. Dường như mất ngủ khiến não cần nhiều glucose hơn.
Ngoài ra, ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến lượng và loại thực phẩm bạn ăn. Ngủ ít và thức nhiều giờ trong một môi trường mà mọi người có xu hướng ăn nhiều có thể khiến bạn cũng ăn quá nhiều mà không phải là hoa quả tươi và các loại rau.
3. Thiếu ngủ làm tăng viêm nhiễm và nguy cơ bệnh tiểu đường
Ngủ quá ít chỉ trong một đêm có thể làm tăng các dấu hiệu tiền viêm trong máu và làm tăng các chất hóa học đẩy nhanh cảm giác đói. Viêm nhiễm gây ra bởi các tế bào miễn dịch nhất định dẫn đến sự kháng insulin và bệnh tiểu đường týp 2. Tiểu đường týp 2 có liên quan trực tiếp với béo phì và là đại dịch trên toàn thế giới. Đang có nhiều bằng chứng cho thấy những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường. Khi giấc ngủ bị hạn chế tới 4 giờ trong 6 đêm liên tiếp, khả năng duy trì đường huyết ở mức độ phù hợp giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường t,ýp 2. Chất lượng giấc ngủ tốt hiện nay được coi là một cơ chế bảo vệ cơ bản để sống khỏe và phòng ngừa béo phì cũng như tiểu đường týp 2.
4. Thiếu ngủ dẫn đến huyết áp cao
Các nghiên cứu đã cho thấy có mối liên quan giữa cao huyết áp thiếu ngủ. Thiếu ngủ có thể do số giờ ngủ ít hoặc chất lượng giấc ngủ kém sẽ tăng áp lực lên tim. Đó là lý do vì sao: khi bạn thức, tim đập nhanh hơn để đưa máu đi khắp cơ thể. Khi ngủ, cơ thể không đòi hỏi lưu lượng máu nhiều, do đó, nhịp tim chậm và tim được nghỉ ngơi nhiều hơn. Không có thời gian nghỉ ngơi nhiều, cơ tim sẽ bị mệt. Do tim phải hoạt động nhiều, huyết áp có thể tăng hoặc cơ tim có thể dày lên, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về tim .
5. Thiếu ngủ dẫn đến rối loạn chuyển hóa
Trong một nghiên cứu về các công nhân làm ca có giấc ngủ thất thường, các nhà nghiên cứu thấy rằng, những người bị rối loạn chuyển hóa rõ ràng có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Insulin, một hormon được tuyến tụy tiết ra, thúc đẩy dự trữ calo như chất béo và điều hòa nồng độ đường trong máu. Hội chứng chuyển hóa còn được gọi là hội chứng kháng insulin xảy ra khi cơ thể trở nên kém đáp ứng với insulin. Với hội chứng chuyển hóa, lượng đường trong máu tăng lên mặc dù nồng độ insulin trong máu cao và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.
Minh Châu (TPO)
Theo MSN
Theo MSN
Bình luận (0)