Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tác hại khi làm việc trong văn phòng “không có cửa sổ”

Tạp Chí Giáo Dục

Làm việc trong một văn phòng không có cửa sổ có thể "lấy đi" của bạn 46 phút giấc ngủ một đêm.

Lý do khiến bạn mất ngủ có thể không phải do bạn đọc sách, ngồi máy tính quá khuya mà chính là do nơi bạn ngồi làm việc.

Nghiên cứu mới cho thấy nhân viên văn phòng bị mắc kẹt trong các phòng ốc không có cửa sổ – hoặc ít tiếp xúc với ánh sáng ban ngày – sẽ mất ngủ trung bình 46 phút mỗi đêm. Những người ngồi gần cửa sổ sẽ có chất lượng giấc ngủ và cuộc sống tốt hơn so với những người ngồi nơi ít có ánh mặt trời.

Những phát hiện này được công bố trên Tạp chí Y học lâm sàng về Giấc ngủ. Nó chứng tỏ môi trường làm việc có thể rất quan trọng trong việc thiết lập đồng hồ sinh học của cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu nói rằng văn phòng thiết kế tốt có thể sẽ thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động hơn.

Ngày nay, cứ 3 người Anh thì có một người bị mất ngủ vì căng thẳng, ngồi máy tính và làm việc nhà. Và hậu quả của việc mất ngủ hàng đêm còn trầm trọng hơn nhiều chứ không phải chỉ là làm cho họ mất tập trung hay tâm trạng không tốt.

Thường xuyên mất ngủ làm tăng nguy cơ các bệnh nghiêm trọng như bệnh béo phì, tim và tiểu đường và thậm chí có thể rút ngắn tuổi thọ. Tiếp xúc với đầy đủ ánh sáng tự nhiên ban ngày là rất quan trọng cho nhịp điệu sinh học của cơ thể, trong đó bao gồm cả thời gian ngủ và thức của con người.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois, Đại học Northwestern ở Chicago và các Viện Công nghệ Hwa-Hsia tại Đài Loan đã cùng hợp tác để nghiên cứu vai trò của cửa sổ tại nơi làm việc trong việc hỗ trợ giấc ngủ của con người.

Trong 49 nhân viên văn phòng tham gia nghiên cứu thì có tới hơn một nửa số nhân viên đó ngồi cả ngày trong môi trường không có cửa sổ (tức là không được tiếp xúc với ánh mặt trời) trong khi những người còn lại thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng ban ngày qua các cửa sổ.

Mỗi người được hỏi về thói quen ngủ, hoạt động thể chất và lối sống nói chung. Một số người tham gia còn được dùng các sản phẩm công nghệ cao hoặc đeo đồng hồ trong 1-2 tuần để đo thời lượng tiếp xúc với ánh sáng của họ, mức độ hoạt động thể chất và giấc ngủ.

Kết quả cho thấy những người có ít thời gian tiếp xúc với ánh sáng nhất khi làm việc sẽ mất ngủ trung bình 46 phút mỗi đêm so với các đồng nghiệp tiếp xúc với nhiều ánh sáng. Những người làm việc ở nơi có nhiều ánh sáng cũng có chất lượng giấc ngủ tốt hơn, hoạt động thể chất nhiều hơnvà chất lượng cuộc sống tốt hơn.

"Chúng tôi đề nghị thiết kế kiến ​​trúc của môi trường văn phòng nên chú trọng vào việc có đủ ánh sáng ban ngày cho người lao động để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của họ. Nghiên cứu này tiếp nối cho nghiên cứu trước đó đã từng chứng minh rằng các y tá ít có khả năng phải đối mặt với kiệt sức từ sự căng thẳng liên quan đến công việc và nhiều khả năng để đạt được sự hài lòng của công việc nếu một ngày họ tiếp xúc ít nhất ba giờ với ánh sáng ban ngày.
Chuyên gia giấc ngủ, Tiến sĩ Neil Stanley cho biết, cơ thể cần tiếp xúc với ánh sáng ban ngày để giữ thói quen ngủ đúng hướng. Ánh sáng cơ bản là điều để cơ thể nhận thức được khi nào cần tỉnh táo, khi nào cần đi ngủ. Vấn đề với ánh sáng văn phòng là nó không được tạo thành từ ánh sáng "xanh" – bước sóng ánh sáng bạn nhận được từ mặt trời và kiểm soát đồng hồ cơ thể của bạn. Vì vậy, bạn có thể có một văn phòng rất đủ ánh sáng nhưng nó không có tác dụng tương tự ánh sáng mặt trời bởi vì nó là ánh sáng nhân tạo".

Theo Tri thức trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)