Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tác nghiệp ở vùng dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Tác nghiệp giữa những ngày dịch Covid-19 bùng phát mạnh với mỗi phóng viên luôn có cảm giác thật đặc biệt. Có hồi hộp, có âu lo nhưng luôn thường trực phản xạ nhanh nhạy với thông tin, chú trọng tác nghiệp an toàn cho bản thân và cộng đồng.


Nhà báo Phan Vĩnh Yên tác nghiệp trong vùng dịch

“Xin hãy hợp tác” – Đó là thông điệp của những chiến sĩ trên tuyến đầu truy vết, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà vào một đêm tháng 5-2021. Tuy không phải là nơi có ca mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn thành phố nhưng nó đánh dấu sự bùng phát dịch Covid-19 mạnh trở lại lần thứ 3 ở Đà Nẵng, cảnh báo mức độ diễn biến phức tạp gấp nhiều lần khi ca mắc Covid-19 đang là công nhân trong khu công nghiệp có quân số lên đến hàng chục ngàn người. Lực lượng y tế, công an và nhiều đơn vị liên quan khác đã có nhiều đêm trắng. Người thành phố thao thức không ngủ. Những cuộc họp Ban chỉ đạo tổ chức vào cuối mỗi buổi chiều với tinh thần khẩn trương, thần tốc ngăn chặn dịch. Cùng với sự hỗ trợ của Tiểu ban Thông tin thành phố, phóng viên cũng theo đó dõi sát từng diễn biến để kịp thời nắm bắt, đưa tin.

Chưa tròn 2 năm, Đà Nẵng xảy ra 3 đợt dịch. Còn nhớ đợt dịch tháng 8-2020, số ca mắc cứ tăng hàng ngày, tổng số lên đến hàng trăm. Thời điểm đó, ổ dịch xuất phát từ bệnh viện lớn – nơi có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo đang lưu trú, chữa trị. Bệnh viện bị phong tỏa, bệnh nhân và y bác sĩ chung một “chiến hào” chống dịch. Các bệnh viện dã chiến tiếp đó được lập, có bệnh viện quy mô dự kiến lên tới 1.000 giường bệnh. Đoàn công tác của Bộ Y tế đến Đà Nẵng với quyết tâm chặn dịch… Những ngày đó, cảm giác mọi thứ trôi qua thật chậm và nặng. Lúc đó, động lực giúp tôi bớt âu lo là mỗi lúc nhận được tin nhắn đầy lạc quan của chị Phạm Thị Ánh Hồng – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Cơ quan chị nằm ngay trong vùng phong tỏa, chị cùng đồng nghiệp suốt 1 tháng không về nhà, trực cấp cứu 24/24 giờ. Vất vả nhưng tin nhắn từ chị luôn tràn đầy niềm tin. Chị bảo, hãy viết về những đồng nghiệp của chị – những con người bình dị mà kiên cường, khi tôi có nhã ý muốn phỏng vấn về công việc của những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống Covid-19. Hôm chị gửi cho tôi bức ảnh chị cùng đồng nghiệp ra đường lúc 0 giờ đêm khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, cảm giác như gánh nặng trên vai được trút xuống. Đêm ấy, vui cùng các chiến sĩ tuyến đầu, không chỉ những người dân mà cả tôi cũng lại một đêm trắng.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 xảy ra ở Đà Nẵng vào ngay sau dịp lễ 30-4-2021. Bất ngờ nhưng không lúng túng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, không cần thêm văn bản, hướng dẫn. Đã có quá nhiều kịch bản, kể cả tình huống phát sinh. Cả hệ thống phải vào cuộc chống dịch, không được thoái thác vì lý do nhiều việc. Bằng cách đó, thành phố vào cuộc với tinh thần quyết liệt nhất, thần tốc với phương châm xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp.

Virus SARS-CoV-2 biến chủng liên tục và khó lường. Nguy cơ dịch lây lan luôn hiện hữu đòi hỏi mỗi người dân phải nêu cao cảnh giác. Với nghề đưa tin, hạn chế ra đường, hạn chế tối đa việc tiếp xúc không có nghĩa là dừng công việc. Cùng với sự hỗ trợ của Tiểu ban Thông tin thành phố, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, tôi bám sát thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, theo sát mỗi báo cáo của ngành y tế thành phố để kịp thời có tin bài. Với những sự kiện thời sự buộc phải ra đường, đến hiện trường, thì phương châm đầu tiên là lúc nào cũng phải thật cẩn thận. Các cuộc tiếp xúc bắt buộc diễn ra thật nhanh chóng và đảm bảo khoảng cách. Tôi chẳng dám chạm vào bất cứ thứ gì. Những lời chào hỏi và tạm biệt chỉ qua ánh mắt và cái gật đầu. Đi lấy tin trở về, không theo thói quen thường ngày là bỏ ba lô xuống, ngồi ngay vào bàn làm việc như mọi lần trước mà thay vào đó là đi thẳng đến bồn rửa tay sát khuẩn, tắm rửa… trước khi ngồi vào bàn bật máy tính hay cất tiếng chào người thân.

Với nhiều dạng tin bài khác, nhất là tin bài liên quan đến giáo dục, tôi thường liên hệ trước đến ban giám hiệu các trường để hỏi thông tin. Cũng nêu cao tinh thần cảnh giác với Covid-19, đảm bảo an toàn cho học sinh nên những cuộc điện thoại liên hệ đó tôi đều nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các trường. Sợi dây liên lạc được giữ liên tục và xuyên suốt hơn khi các đợt dịch tiếp theo xảy ra.

Không chỉ chuyện tác nghiệp mà đã sống giữa vùng dịch thì đôi khi vô tình “va” phải người đang thuộc diện các F cũng không hiếm. “Va” phải F tức là mọi công việc buộc phải được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn, là đường về nhà gần như khép lại chờ… hết dịch. Rồi điều tôi lo lắng nhất cũng xảy đến khi hai đợt dịch Covid-19 lần trước, tôi vô tình trở thành đối tượng F2, F3. Tôi từng hẹn mẹ sẽ trở về thăm nhà sau 2 tuần nhưng thực tế phải mất tới 2 tháng, khi dịch bệnh được ngăn chặn và các nguy cơ lây nhiễm thấp dần mới có thể trở về.

Tác nghiệp giữa vùng dịch, có rất nhiều chuyện để kể. Trong vô vàn khó khăn mới thấy được một tinh thần Đà Nẵng đoàn kết, cùng nắm tay nhau chung một lòng hướng về chống dịch. Một trật tự “bình thường mới” được thiết lập cũng từ sự đồng lòng, để rồi cảm giác chậm và nặng những ngày đầu trôi qua mau, nhường chỗ cho sự bình tĩnh trong cách sống và ứng phó mỗi khi phát hiện một ca mắc báo hiệu đợt dịch mới.

Ngày 9-6, Đà Nẵng thông báo gỡ bỏ một số quy định về phòng dịch sau 21 ngày không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Đâu đó trên đường phố, qua lớp khẩu trang, những đôi mắt cười hân hoan hơn thường ngày. Rồi mọi ám ảnh về con virus SARS-CoV-2 sẽ qua đi khi mỗi ngày vòng tay đoàn kết chống dịch càng siết chặt hơn. Ngày của nghề báo, tôi muốn dành lời tri ân của mình cho những người hùng thầm lặng trên tuyến đầu chống Covid-19, cho những nhân vật của tôi dù giữa bộn bề công việc nhanh và khẩn trương vẫn dành cho tôi những thông tin cần thiết để giúp tôi thông tin trọn vẹn trong những trang viết của mình đến độc giả.

Phan Nhật Lệ

 

 

Bình luận (0)