Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Tác nghiệp ở… xứ người

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà báo Lữ Đắc Long tại Ấn Độ

Nghiệp phóng viên rày đây mai đó, dù cực khổ nhưng hạnh phúc, nhất là trong những lần “du ngoạn” nơi xứ người, nghe thấy nhiều điều hay lạ. Chuyện tác nghiệp ở xứ người có những điều thoạt nhìn cứ tưởng dễ nhưng khi vào cuộc mới thấy vô cùng… gian nan!
Phải chinh phục lòng người
Trong lần dẫn đoàn cascadeur sang Ấn Độ đóng phim tháng 8-2005 tại thành phố Chennai, lần đầu tiên lọt vào phim trường của Bolywood, tất cả việc gì cũng thấy hay và lạ nên việc đầu tiên của tôi là muốn ghi nhận lại tất cả. Nhưng khi móc máy ảnh ra, lập tức cả nhóm người nhìn tôi bằng một cặp mắt xa lạ đầy nghi ngờ, bởi từ trước đến giờ phim trường này chưa hề chấp nhận cho bất kỳ một phóng viên nào lọt vào đây chứ đừng nói việc chụp hình. Một anh to con trong nhóm nhà sản xuất phim, chậm rãi từng bước chân tiến về phía tôi với vẻ mặt lạnh lùng, anh ghìm giọng: “No photo…”. Thấy không khí có vẻ căng thẳng, anh phiên dịch chạy tới, phân trần bằng một tràng tiếng… Ấn. Sau đó quay về phía tôi, anh giải thích: “Quy luật ở đây, họ không muốn bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài, trước khi bộ phim ra mắt, tốt nhất là anh không nên… chụp hình!”.
Tôi lặng lẽ cất máy ảnh vào, miệng cứ lẩm bẩm “Yes, yes…” trước mặt anh ta cho qua chuyện và tự hứa với lòng sẽ tìm cách “săn ảnh” sau. Một lúc sau, canh thời điểm đoàn quay phim đang lu bu, tôi tìm ở một góc xa và tối, dùng ống kính tele canh ngay anh chàng khó tính đó chụp một loạt ảnh. Về khách sạn tôi tìm nơi rọi loạt ảnh đó. Sáng hôm sau, tôi đi tìm ngay “hắn” để tặng… ảnh. “Hắn” tỏ ra khá bất ngờ với những tấm ảnh của mình quá đẹp và luôn miệng cám ơn. Lúc này tôi mới nhờ phiên dịch và móc thẻ… cascadeur ra khoe, tỏ ý rất muốn chụp ảnh trong đợt này chỉ để lưu niệm thời “oanh liệt” của cascadeur thôi. Tất nhiên, khi “bánh ít đi thì bánh quy lại”, không những hắn cho phép chụp mà còn đem những tấm ảnh đó đi khoe khắp đoàn phim và giới thiệu tôi là… cascadeur thứ thiệt, có tài chụp ảnh rất siêu! Vừa nói hắn vừa khoe những tấm hình tôi đã chụp, và tất cả những tấm hình ấy đều có những gương mặt quan trọng của đoàn phim nên ai nấy cũng đều vui vẻ, tận tình đến bắt tay tôi và ra hiệu nhớ chụp hình “bọn tao” nhiều nhiều nhe! Thế là giấy phép thông hành chụp ảnh kể như xong, những ngày sau đó tôi liên tục tìm những góc khuất và đẹp để kịp ghi lại hàng loạt ảnh nhớ đời từ chuyến đi ấy!
Sánh vai cùng… anh cả!
Đến lần sang Hàn Quốc dự Liên hoan phim châu Á lần 8/2005 ở thành phố Busan và Seun. Đoàn chúng tôi hơn 10 người được mời tới dự một buổi tiệc liên hoan dành cho khách quý. Vừa bước vào sảnh đường, có gần 300 phóng viên đang xếp hàng rồng rắn trước cửa, có người ngồi bẹp dưới đất, vừa ăn vừa đánh máy, có người kiên nhẫn đợi chờ trong tư thế… mệt mỏi. Linh tính mách tôi rằng, chắc chắn trong đó sẽ có một sự kiện gì quan trọng đây. Nhưng nếu xếp hàng theo thứ tự thì khó mà vô được bên trong, còn trên các áp phích băng rôn toàn bằng tiếng Hàn Quốc nên chỉ biết chào thua và đợi chờ thời cơ, xem thử việc gì đang xảy ra trong đó. Trong lúc chờ đợi thời gian “chết” như thế này, tôi chọn cách dạo quanh vòng vòng, ngắm nghía đủ thứ điều đang diễn ra, cứ như mình là người trong cuộc vậy!
Quả thật, phải đến hai giờ chờ đợi, cánh cửa phòng chuẩn bị mở ra, cánh phóng viên nháo nhào chen lấn trước cửa ra vào, bên Việt Nam chúng tôi có 10 người, thì hết 8 người đã bỏ cuộc ra về (vì họ nghĩ chẳng có gì để xem) nhưng tôi và Hoài Nam (phóng viên Báo Tuổi Trẻ) kiên trì bám sự kiện, vừa định lách người tấp vô hàng đầu tiên, lập tức cả đám nhà báo phía sau nháo nhào lên bằng một tràng tiếng Anh, đại ý là “Tất cả phải ra sau xếp hàng, làm gì mà cứ chen vô như thế”. Cô bạn Hoài Nam đi chung với tôi có vẻ hơi khớp, nhanh trí tôi quay lại phía họ xổ một tràng tiếng Việt: “Thông cảm, thông cảm, chụp hình xong đi ngay thôi!”. Tức nhiên là bọn họ làm sao hiểu được tiếng Việt Nam của tôi, nhưng có lẽ giọng của tôi quá hùng hồn, lại vừa thảm thiết… nên họ cứ tưởng đang gặp phải một “cao thủ” từ phương xa. Vừa lúc đó, cánh cửa hí mở ra, lập tức dòng người tràn lên, có lẽ nhờ nhỏ con nhưng nhanh nhẹn nên cả hai chúng tôi lách người “chui tọt” vào bên trong, trong sự đè ép của hàng chục cái thân hình vạm vỡ. Vào được bên trong, tôi mới biết đây là cuộc ra mắt đoàn phim với sự có mặt của hai ngôi sao Hàn Quốc là Kwon Sang Woo và Jang Dong Gun… Hơn 500 phóng viên từ các nước trong khu vực châu Á đổ về để ghi nhận sự kiện này. Các ngôi sao cứ như những ông “thánh”, họ được tôn vinh và ca ngợi hết lời, chỉ vừa bước ra đứng ở cánh gà sân khấu, là tiếng máy chụp ảnh nổ như bắp rang, còn đèn láp thì chớp liên tục, khiến người lần đầu đi dự liên hoan như tôi trở nên lạc lõng lạ thường.
Nhưng chỉ vài phút thôi là tôi đã kịp lấy lại tinh thần, chỉ chụp hình ngôi sao thôi mà, làm gì phải bộp chộp như vậy. Bình tĩnh móc máy ảnh ra, “súng đạn” lên nòng sẵn sàng, lợi dụng họ hăng say tác nghiệp, tôi len lách lên tới hàng đầu, giơ cao “nòng súng”, bình tĩnh “tỉa” từng em một, nào là cận ảnh Jang Dong Gun, trung ảnh Kwon Sang Woo, rồi toàn cảnh các diễn viên trên sân khấu, phải nói là phát nào trúng phát đó, chứ không “nổ súng” la phan như các đồng nghiệp nước ngoài. So với hàng trăm phóng viên khác đứng ở phía sau, tôi thấy mình có thể sánh vai cùng “cường quốc năm châu” chứ không hề mặc cảm. Xong cuộc giao lưu, nhìn lại thấy toàn bộ đồng nghiệp Việt Nam đã trở về khách sạn từ lâu lắm rồi. Thế mới biết khi nãy không nhanh trí “chen chân” thì đâu có một loạt ảnh quý như vàng, nếu không thì có lẽ giờ đó đã ngủ ở khách sạn rồi…  
Theo chân đoàn đua qua xứ… Lào!
Trong cuộc đua xe đạp cúp Truyền hình TP.HCM 2006, vượt qua hàng ngàn cây số, chúng tôi đã đến được thành phố Viên Chăn – Lào. Ngay điểm xuất phát, “ì xèo” nhất vẫn là cánh phóng viên, vì ai cũng đều tự “me” cho mình một vị trí tốt nhất, nhằm kiếm góc ảnh… đẹp. Nổi bật nhất là phóng viên Dư Hải của Báo Thể Thao TP.HCM, lỉnh kỉnh trên người nào giỏ xách, bình nước, ấn tượng nhất là cái máy ảnh to đùng, có đầu kính dài như một cái “cà nong”, luôn quan sát và sẵn sàng “nhả đạn” bất cứ lúc nào. Bên trái là phóng viên Minh Quang, tay bình luận xuất sắc của Báo Pháp Luật, vậy mà nhìn anh chẳng giống phóng viên một chút nào, quần xà lỏn, áo thun, đầu đội nón ngược, tay cầm máy ảnh mi ni, cứ vòng quanh các cua rơ tìm tin tức.
 Đi với đoàn đua, mỗi phóng viên phải tự biết liên lạc để mình có được một chỗ tác nghiệp “ưng ý” nhất. Vì không có thẻ của Ban tổ chức nên tôi đành phải đi “lậu” trên chiếc xe Citi cà tàng của một tay săn sóc viên trong Đội Bảo Vệ Thực Vật Sài Gòn. Để bảo chứng chắc ăn hơn, tôi phải đeo bốn cái bánh xe sơ cua để ngang đùi, vì đây là “tín hiệu” chỉ dành riêng cho dân… trong nghề. Cứ thế vừa đóng vai trò săn sóc viên, vừa tham gia chụp ảnh trong một tư thế khác người nên buộc lòng tôi phải vận dụng “12 thành công lực” vừa quan sát, vừa “bắn tỉa” bất cứ sự cố nào xảy ra trên đường đua.
Nhớ nhất là khi các cua rơ đua đến các lộ vòng cung, tôi “ớn lạnh” khi thấy phóng viên HTV chồm người ra cửa, đưa máy quay sát xuống mặt đường để lấy những khung hình… lạ, tiếng gió lao vun vút, tôi chợt rùng mình: “Nếu cửa xe bung ra, là xem như “toi đời” ngay tay máy liều lĩnh này”.
 Sợ nhất là cảnh đổ đèo Lao Bảo ở biên giới Việt Lào, có lẽ đây là khúc ngoặt quan trọng trong việc giành thứ hạng của cuộc đua nên các cua rơ đổ đèo một cách đáng sợ. Phía trước tôi là chiếc mô tô chở phóng viên Khả Hòa, tay máy lừng danh của Báo Thể Thao Ngày Nay, mặc dù địa hình có nhiều khúc cua đi theo hình chữ S nhưng xe của anh ta bo cua một cách điệu nghệ, anh bấm máy liên tục, có lúc còn chồm hẳn lên với tư thế thẳng đứng, rồi quay ngược lại đằng sau 180 độ để ghi hình, quả thật phi thường, vì ngày thường ai cũng thấy anh hiền, ít nói, vậy mà vào cuộc, “máu” lên rồi thì không biết gì đến hiểm nguy.
Chỉ vài chặng đường sương gió, phóng viên nào cũng đen… thùi, tóc tai dựng ngược, mặt mày hốc hác, nhưng tâm trạng thì hầu như ai cũng lạc quan, bởi hàng loạt tin tức được chuyển về nhà, cung cấp cho bạn đọc những hình ảnh đẹp nhất của đoàn đua. Riêng tôi học được khá nhiều kinh nghiệm từ những chuyến đi thực tế ở xứ người, nhớ lại những chuyện hiểm nguy này, có thể xem anh em phóng viên không hề thua bất cứ một tay cua rơ nào!
Lữ Đắc Long

Bình luận (0)