Khoa học - Công nghệ

Tác phẩm “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945” nhận giải thưởng Trần Văn Giàu

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu đã tổ chức lễ trao giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 12 năm 2024 cho tác phẩm “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và đại diện Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu trao giải cho nhóm tác giả

TS. Lê Hữu Phước – Tổng Thư ký Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu cho biết, Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu là giải thưởng được thành lập từ năm 2002 theo nguyện vọng của cố giáo sư Trần Văn Giàu.

Giải thưởng với mục tiêu động viên, khích lệ cho các tác giả có các công trình nghiên cứu thuộc hai lĩnh vực là lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam bộ và khu vực cực Nam Trung bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).

Giải thưởng được xét chọn và trao giải hằng năm. Năm 2024, giải thưởng được trao cho tác phẩm “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945” qua tài liệu lưu trữ do nhóm tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thực hiện.

Các đại biểu chúc mừng nhóm tác giải nhận giải Trần Văn Giàu năm 2024

Cuốn sách với độ dày 552 trang, được bố cục thành 2 phần với 4 chương.

Phần 1 – Vùng Sài Gòn – Gia Định: Từ sơ khởi đến năm 1859 gồm chương I “Những tiền đề hình thành vùng đất mới” và chương II “Sài Gòn – Gia Định trước thời Pháp thuộc”.

Phần 2 – Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc (1859-1945) gồm chương III “Tổ chức hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn” và chương IV “Quy hoạch đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn”.

Thay mặt nhóm tác giả, tác giả Cù Thị Dung cho biết, ấn phẩm là kết quả của một quá trình chuẩn bị và nghiên cứu trong một thời gian dài.

Ngoài việc thừa hưởng một khối lượng tri thức đồ sộ đã công bố về Sài Gòn – Chợ Lớn từ các thế hệ và nhà nghiên cứu đi trước, nhóm tác giả còn tiếp cận và xử lý một khối tài liệu lưu trữ lớn hiện đang bảo quản tại các trung tâm lưu trữ, đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, những sản phẩm của giải thưởng thật sự có ý nghĩa trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố từ nền tảng tinh thần cho đến đóng góp vào quy hoạch chiến lược, kế hoạch xây dựng, phát triển thành phố.

Ông Mãi cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục mở rộng Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu đến các tổ chức, các nhà nghiên cứu ở khắp mọi miền đất nước, kể cả ở nước ngoài, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa để trao giải. “Những công trình nghiên cứu về Nam bộ, về Sài Gòn – TP.HCM, trong đó có những công trình đã được trao giải Trần Văn Giàu, cần được tiếp tục phát huy những giá trị trong quá trình xây dựng phát triển thành phố, vùng Đông Nam bộ và vùng Nam bộ”, ông Mãi đề nghị.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)