Sáng tác được tác phẩm nghệ thuật dễ nhưng để hay cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật là việc khó vì phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ. Để có được những tác phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu xã hội phải chú trọng đào tạo con người, nhất là thế hệ trẻ để họ tiếp nối người đi trước cho ra đời những đứa con tinh thần chất lượng.
Khách xem triển lãm ảnh nói về dịch Covid-19 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tại Nhà Văn hóa Thanh niên
Đó là chia sẻ của những người làm nghệ thuật tại tọa đàm “Sáng tác tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu xã hội” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức mới đây.
Bám vào hơi thở cuộc sống
Nghệ thuật có vai trò quan trọng trong đời sống, mang lại giá trị tinh thần cho con người. Tuy nhiên, nhiều loại hình nghệ thuật đang dần xuống cấp, tác phẩm kém chất lượng làm mất đi bản sắc dân tộc.
Ông Lê Nguyên Hiều (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM) cho biết, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có bảo tồn và phát huy múa dân gian trong các chương trình lễ hội hiện đại là điều rất cần thiết. Thế nhưng, loại hình nghệ thuật này có dấu hiệu đi xuống, kém chất lượng do biên đạo múa vì cuộc sống mưu sinh không có thời gian để chăm chút đầu tư cho tiết mục, thậm chí có những tiết mục cứ xào qua, xào lại từ lễ hội này sang lễ hội khác cho dù tính chất của các lễ hội đó hoàn toàn khác nhau. Có nhiều biên đạo chưa thật sự sáng tạo trong dàn dựng, vẫn là những thủ pháp cũ của các chương trình cũ. Để múa dân gian tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị tích cực, các đơn vị tổ chức, nhà quản lý cần nắm rõ tính chất lễ hội, từ đó đặt hàng cho các biên kịch, đạo diễn chương trình, biên đạo múa. Các biên kịch, đạo diễn chương trình, biên đạo múa hãy xác định múa dân gian là “hồn”, là gốc mang đậm bản sắc của từng dân tộc, vì thế cần lấy bản sắc, đặc điểm riêng của từng dân tộc làm chủ đạo trong việc khai thác, dàn dựng. Làm được điều đó, chắc chắn các chương trình nghệ thuật, trong đó có múa sẽ phô diễn được sự tinh túy độc đáo bản sắc dân tộc trong chương trình lễ hội”, ông Hiều góp ý.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung (Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM) cho rằng, để tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nội dung và nghệ thuật người nghệ sĩ cần bám lấy hơi thở cuộc sống sáng tác, người cầm máy phải “nằm” trong sự kiện, bám sát với con người trong sự kiện. Ngoài ra, nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng cần không ngừng nâng cao tính nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Một tác phẩm chỉ thành công khi kết quả thu được có giá trị nghệ thuật cao. Điều quan trọng nữa là người nghệ sĩ cầm máy ảnh phải bắt nguồn từ những cảm xúc. Từ cảm xúc thông thường đi đến có một cảm xúc nhiếp ảnh đủ khả năng sáng tạo nên tác phẩm nhiếp ảnh là cả một quá trình lao động bền bỉ và gian khổ.
Chú trọng đào tạo nhân lực
PGS.TS Hoàng Minh Phúc (Trưởng ngành phê bình lý luận Hội Mỹ thuật TP.HCM) cho hay, khi thị trường mỹ thuật phát triển, một bộ phận nghệ thuật đã bị thương mại hóa, nhiều nghệ sĩ bị cuốn theo thị trường, sao chép tác phẩm, dễ dãi trong sáng tác, thiếu thực tế dẫn đến tình trạng giảm sút giá trị và chất lượng nghệ thuật. Qua đánh giá thực trạng hoạt động mỹ thuật trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW trong lĩnh vực mỹ thuật với nội dung “phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao có tác dụng to lớn xây dựng con người” cho thấy cần có giải pháp kịp thời. Đầu tiên cần chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng. Cần hoàn thiện môi trường thể chế, bổ sung văn bản luật đảm bảo tính hệ thống, nhất quán trong quản lý hành chính, quản lý hoạt động mỹ thuật, cấp phép và xử lý sai phạm. Thứ hai, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật đặc biệt là tài năng trẻ. Đối với những nghệ sĩ có triển vọng, cần có những hình thức khích lệ, động viên và đầu tư phù hợp để phát huy tài năng. Thứ ba, cần có những chính sách để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường văn hóa, nghệ thuật vì đây là lực lượng chủ lực đào tạo nên đội ngũ văn nghệ sĩ và quản lý mới. Cần có chính sách ưu đãi tuyển sinh, đào tạo, giải quyết đầu ra cho sinh viên ngành mỹ thuật hoặc chú trọng chính sách đặt hàng trong việc đào tạo nhân lực. Tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch để thu hút được nhân lực cao và tài năng đảm đương nhiệm vụ…
Múa dân gian cần bảo tồn và phát triển
Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) thừa nhận trách nhiệm của ngành kiến trúc đối với xã hội cần phải mang tính bền vững, dài lâu, bởi vì một công trình kiến trúc thường tồn tại hàng trăm năm trở lên, có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng. Do đó mà đối với những công trình trọng điểm, ngoài việc phải tổ chức thi tuyển thiết kế, kiến trúc sư còn phải bảo vệ thông qua nhiều hội đồng xét duyệt về quy hoạch, về kiến trúc, về văn hóa nghệ thuật, và phải lắng nghe ý kiến của cộng đồng, trước khi được phép xây dựng. “Tôi xin gợi ý một trong số các dự án chiến lược mà lãnh đạo TP.HCM đang rất quan tâm hiện nay. Đây có thể cũng là cơ hội tốt để các hội chuyên ngành trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM cùng chung tay thực hiện sáng tác các tác phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội của TP.HCM. Đó là phát triển khu vực Thanh Đa Bình Quới với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của thành phố mới Thủ Đức; Chỉnh trang và phát triển khu vực cảng Sài Gòn (sau khi dời cảng) và bán đảo Tân Thuận (sau khi Khu chế xuất Tân Thuận đồng loạt chấm dứt hợp đồng thuê vào năm 2041) thành khu trung tâm mới hành chính, dịch vụ công cộng và đô thị xanh…”, kiến trúc sư Nam gợi ý.
Thúy Kiều
Bình luận (0)