Biện pháp giáo dục thiết thực nhất giúp trẻ phát triển toàn diện là tình yêu thương. Ảnh: N.Trinh
|
Tôi làm công việc bảo mẫu (BM) đến nay đã được 11 năm. Một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ đong đầy trong tôi những kỷ niệm vui buồn với các trò nhỏ; đọng lại trong tôi những bài học giáo dục bổ ích, những điều tâm đắc, trăn trở với nghề.
Nhiều lần sau khi ngủ trưa dậy, các bạn khác đã biết tự phục vụ mình như cất gối, xếp chiếu còn riêng Đ. thì đứng im, nhìn các bạn làm thay cho mình đến độ “vô cảm”, không một lời cảm ơn. Tôi rất khó chịu với hành động đó của bé.
Phải chăng em vô cảm
Đó là em Nguyễn Trí Đ. (học lớp 2/…) năm học 2009-2010. Năm học đó, tôi được Ban giám hiệu phân công làm BM lớp 2/… cùng với giáo viên chủ nhiệm là cô Đinh Thị Phong Lan. Ấn tượng lúc đầu khi gặp Đ. là một thái độ dửng dưng, vô cảm và lạnh lùng trước mọi sự việc của người khác. Tôi cứ ngỡ đó là cảm nghĩ ban đầu của mình thôi nhưng sau vài lần tiếp xúc và giải quyết một số việc của bé đối với các bạn, tôi mới thấy suy nghĩ của mình có phần đúng. Đ. không bao giờ giúp đỡ các bạn lúc gặp khó khăn. Có lần, bạn bên cạnh em không may bị ngã phải băng bột ở tay, các bạn trong lớp giúp lấy hộ đồ dùng học tập hoặc lấy khăn, bưng khay cơm giúp bạn nhưng chưa lần nào Đ. có hành động đó. Tôi rất không hài lòng về việc đó của em và rất đắn đo trong việc có nên trao đổi với cô Lan hay không? Sợ những cảm nhận của mình chưa đúng, thế nên, tôi quyết định quan sát em một thời gian nữa.
Thế rồi, một lần, một em học sinh lớp dưới bị vấp ngã, Đ. đứng đó nhưng chỉ nhìn và không làm gì. Sau khi tôi giúp em đứng dậy, chưa kịp tìm Đ. hỏi chuyện thì nghe các bạn trong lớp nói lại câu nói của em: “Té thì phải biết đứng dậy. Ai đâu làm đầy tớ mà tới đỡ đứng dậy”. Nghe câu nói đó, tôi rất buồn và trăn trở nên quyết định trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để tìm các biện pháp giúp Đ. không “vô cảm” trước những sự việc xảy ra.
Sau khi nghe tôi trình bày lại những hiện tượng của Đ., cô Phong Lan và tôi quyết định đưa ra cách giải quyết giúp em. Tôi sẽ thường xuyên trao đổi với cô Lan những biểu hiện của Đ. để hai bên cùng phối hợp giải quyết nhằm giúp em phát triển theo chiều hướng tốt. Ngay trong chiều hôm đó, cô chủ nhiệm đã mời phụ huynh của em Đ. đến để trao đổi với sự có mặt của tôi, qua cuộc trao đổi, tôi nhận thấy ba mẹ em đồng tình và hứa sẽ phối hợp cùng nhà trường giúp em cùng tiến bộ.
Đ. có lần bị sốt. Trong lúc chờ phụ huynh đón em về, lúc chăm sóc và cho em uống thuốc giảm sốt, tôi tâm tình với em: “Lúc nãy khi biết con bị sốt và mệt, các bạn đã hỏi han và quan tâm tới con rất nhiều, con có thấy vui không?”. Đ. im lặng và không trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Vậy nếu không ai quan tâm, hỏi han thì con có buồn không?”. Sau câu hỏi đó, khóe mắt của em ngân ngấn nước. Xoa nhẹ đầu, vuốt tóc em và nhẹ nhàng, tôi thủ thỉ “Ai cũng cần phải được quan tâm, chia sẻ con ạ! Nhất là những lúc mình gặp chuyện không vui, lúc bị bệnh, mọi người càng đặc biệt mong muốn được nhiều người quan tâm, động viên hơn để giúp mình vượt qua! Cô mong con sau này sẽ biết quan tâm và giúp đỡ các bạn giống như các bạn đã quan tâm giúp mình, con nhé!”. Cậu bé nằm im, lắng nghe lời tôi nói một cách cầu thị.
Hãy cho em cơ hội
Một tuần sau, trong dịp đi sinh hoạt ngoại khóa, ngồi trên xe cùng em, tôi tiếp tục chủ động nói những câu chuyện vui nhằm giúp em hòa nhập cùng các bạn. Đáp lại những câu chuyện đó, Đ. cũng mạnh dạn tham gia và đặt lại nhiều câu hỏi xoay quanh câu chuyện của tôi mà em chưa hiểu tới. Thấy em đã có thái độ cởi mở hơn, tôi chuyển đề tài qua chuyện gia đình cũng như những thói quen mà em từng làm. Qua trò chuyện với em, tôi mới hiểu rằng em rất cô đơn vì ít được sự quan tâm của ba mẹ. Ba mẹ em thường xuyên đi công tác xa nhà, không có ai để trò chuyện chia sẻ và dần dần em sống khép kín. Tôi thấy lòng nhẹ đi và thương Đ. hơn bởi vì dù sao em cũng là một đứa bé đang rất cần sự dạy dỗ, quan tâm của người lớn, nhất là ba mẹ. Tôi bèn kể cho em nghe những mẩu chuyện về tấm gương của những bạn học sinh cũ biết giúp đỡ người khác và được mọi người yêu mến, dường như Đ. rất thích nên lắng nghe một cách chăm chú và luôn miệng hỏi: “Rồi sao nữa cô? Chị đó thế nào rồi?”… Tôi nhẹ nhàng đáp lại: “À! Chị đó được thầy cô yêu thương, bạn bè quý mến”, bàn tay nhỏ nhắn của em nắm chặt tay tôi, tôi nói tiếp: “Em có muốn được mọi người thương yêu như thế không?”. Đ. ngượng nghịu gật đầu. Tôi nhìn em trìu mến và nói: “Cô cũng thương con nhiều lắm”. Một dấu hiệu lạc quan đã đến khi tôi bước xuống xe, Đ. lẽo đẽo đi sau tôi và nói nhanh “Cô ơi! con xách phụ cô túi bánh nhé”. Tôi mỉm cười gật đầu và khi đến nơi tham quan, tôi tuyên dương Đ. trước lớp. Đ. rất phấn khởi nhìn các bạn, ánh mắt em lộ rõ nét vui sướng. Một chuyến ngoại khóa thật bổ ích.
Những ngày sau, mỗi khi ngủ dậy ở lớp, Đ. nhanh nhẹn xếp chiếu, gối đem cất, không ỷ lại bạn như mọi khi. Còn với mọi người xung quanh thì em đã biết xách hộ cặp cho bạn khi đi lên cầu thang; em đã biết cảm ơn khi được người khác giúp đỡ. Ngày 8-3, em gửi một tấm thiệp tặng tôi, thật xúc động!
Qua sự thay đổi của Đ., tôi thấy rằng niềm vui lớn của mình là tách trẻ ra khỏi cái “vỏ cá nhân ích kỷ” để hòa nhập cùng tập thể, biết nói điều hay, làm việc tốt đem lại niềm vui cho người khác. Với em Đ., tôi đã thành công bằng tình yêu thương và trách nhiệm của mình; tôi đã giúp em từ một cậu bé vô cảm thành một học sinh biết nâng niu trân trọng tình cảm của những người xung quanh; biết chia sẻ với bạn bè.
Phạm Thị Phương Thu
(BM lớp 1/1, Trường TH Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM)
“Tôi đã rút ra được kinh nghiệm cho bản thân: Để thay đổi một đứa trẻ, sẽ thành công nếu chúng ta biết đem tình yêu thương, lòng nhân ái phủ đầy tâm hồn trẻ. Đó chính là biện pháp giáo dục thiết thực nhất để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện”, Phạm Thị Phương Thu. |
Bình luận (0)