Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tái bản sách xưa, cơ hội cho người đọc trẻ hôm nay

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi nói chuyện “Học giả Hoàng Xuân Việt và những bài học làm người” tại Đường sách TP.HCM mới đây thu hút đông đảo độc giả. Đây là buổi nói chuyện nhân việc loạt sách trong Tủ sách học làm người của học giả Hoàng Xuân Việt vừa trở lại với bạn đọc cả nước trong dáng hình mới. Tuy tái xuất cùng độc giả thế kỷ XIX hiện đại, nhưng các tác phẩm này vẫn giữ trọn vẹn phong khí, bối cảnh xã hội của giai đoạn thế kỷ trước, bởi văn phong của người viết. Bộ sách không chỉ đề cập đến nhiều góc cạnh của vấn đề làm người tử tế, mà với người đọc hôm nay, còn cung cấp những kỹ năng cần rèn luyện trong thời kỳ hiện đại. Đáng chú ý nhất là quyển Thinh lặng cũng là hùng biện. Một tác phẩm xưa cũ, nhưng thật “hợp thời, hợp mốt” với hoàn cảnh của hiện tại, trong lúc chúng ta đang than phiền sao xã hội hiện nay, ở ngoài đời thực lẫn trên thế giới mạng ảo, mọi người dễ nóng nảy manh động đến vậy.

Những năm gần đây, công tác tái bản sách xưa, không phải là câu chuyện lấy làm xa lạ. Phần vì những hào quang rực rỡ của quá khứ chưa bao giờ bị suy suyển bởi lớp bụi thời gian, phần vì biết bao tấm lòng hăm hở đón nhận của độc giả gần xa, dòng chảy của sách xưa tái bản dường như ngày thêm có sức lan tỏa. Trước đó, hàng loạt đầu sách nghiên cứu, biên khảo, cảo luận, tiểu phẩm, dịch thuật, bình chú… của nhà văn – nhà giáo – học giả Nguyễn Hiến Lê cũng được tái bản. Có thể kể đến các quyển: Các cuộc đời ngoại hạng – Những bài học thành công; 33 câu chuyện với các bà mẹ – Cùng con phát triển bản thân; Tìm hiểu con chúng ta…; đặc biệt là hai tác phẩm từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ: Đắc nhân tâm – Bí quyết để thành công, Quẳng gánh lo đi và vui sống. Đây là cơ hội để độc giả hôm nay biết đến những giá trị tri thức xưa – điều đã từng nâng đỡ tâm hồn các thế hệ trước bước vào cuộc đời.

Trong câu chuyện sách xưa in lại, tất nhiên cũng không thể vắng bóng các tác phẩm văn học. Các bộ sách của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, bộ truyện thiếu nhi (gồm 18 cuốn) của nhà văn Vũ Hùng, tủ sách Tuổi hoa, tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt… được ra mắt với lớp áo mới, giúp cho bạn đọc yêu văn chương hiện nay được thỏa sức tìm về khung trời ngôn ngữ người xưa. 

Nhằm mang lại tiện ích cao nhất cho người đọc hiện đại, việc tái bản cũng lắm công phu. Không chỉ dừng lại ở công tác sưu tầm những đầu sách xưa rồi đơn thuần in lại, nhiều tấm lòng tâm huyết còn bỏ sức dày công biên tập, tỉ mẩn chọn lọc có chủ ý để ra mắt những tác phẩm vừa chuyên chở phong vị hồn cốt của dĩ vãng vừa thấm đẫm dáng dấp hơi thở của hiện tại. Điều đó cho thấy sự dung hòa trong ý thức bảo tồn lưu giữ vốn liếng xưa cũ và phù hợp thích ứng với nhịp điệu phát triển của hôm nay. Mới đây nhất, “Bổn cũ soạn lại – Những bài học thuộc lòng tân quốc văn giáo khoa thư” là một quyển sách được thực hiện theo hướng đi như vậy.

Có thể nói, dù là sách xưa nhưng các ý nghĩa nội dung, những giá trị mà sách xưa chứa đựng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự cho đến tận ngày nay, khi mà mọi người đều nhắc đến chủ đề cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)