Sự việc 18 bệnh nhân (BN) bị sốc phản vệ và sau đó có 8 người tử vong trong quá trình chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã đặt ra nhiều câu hỏi cho cơ quan chức năng và ngành y tế về nguyên nhân gây ra biến chứng nguy hiểm để từ đó có biện pháp phòng tránh an toàn cho các BN khi chạy thận.
BS Tạ Thị Phương Dung (giữa) đang kiểm tra bệnh nhân chạy thận tại BV Nhân dân 115 |
Các chuyên gia trong ngành khẳng định, khi có tai biến cho BN chạy thận, có thể nghĩ ngay đến 4 yếu tố trong quá trình lọc thận là: quy trình thực hiện của nhân viên y tế, quả lọc, dịch lọc và hệ thống nước để thẩm tách độc chất trong máu.
Tai biến có thể gặp
Tuy nhiên, trong quá trình chạy thận BN có thể gặp rất nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe cần được sự theo dõi kịp thời và chăm sóc chu đáo của thầy thuốc. Đó là tụt huyết áp, chuột rút, hay mắc ói và ói, nhức đầu, đau nhẹ ở ngực, ngứa, sốt nhẹ. TS. Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, tụt huyết áp trong chạy thận bắt nguồn chủ yếu từ giảm thể tích máu do rút dịch mà đáp ứng huyết động bù trừ không đủ. Nguyên nhân gây chuột rút chưa được biết đến nhưng có bốn yếu tố thuận lợi gây ra, gồm tụt huyết áp, giảm thể tích tốc độ siêu lọc cao và dùng dịch lọc có nồng độ natri thấp. Có bốn yếu tố thuận lợi gây ra chuột rút gồm tụt huyết áp, giảm thể tích, tốc độ siêu lọc cao và dùng dịch lọc có nồng độ natri thấp. Nhức đầu có thể là triệu chứng kín đáo của hội chứng mất cân bằng. Phòng biến chứng này bằng cách giảm nồng độ natri dịch lọc có thể có ích ở BN đang dùng dịch lọc có nồng độ natri cao. Đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực hay xảy ra trong BN chạy thận.
BS Tạ Phương Dung – Trưởng khoa Nội thận Miễn dịch Ghép (BV Nhân dân 115 TP.HCM) cho biết, chạy thận nhân tạo là hình thức lọc máu ngoài cơ thể đối với những người suy thận. Phương thức chạy thận nhân tạo như một vòng tuần hoàn, được tiến hành bằng cách chích 2 kim vào tay BN. Một kim để truyền dẫn máu đi qua màng lọc hay còn gọi là quả lọc với chất thẩm tách (gồm chất điện giải và nước siêu tinh khiết) nhằm lọc sạch máu, đào thải các chất độc hại và nước dư thừa. Máu sau khi được lọc sạch sẽ được truyền dẫn trở lại vào cơ thể thông qua kim còn lại.
Hợp lý trong chế độ dinh dưỡng
Theo TS. Nguyễn Cao Luận, đặc thù của phương pháp lọc máu ngoài thận là cùng lúc nhiều người được chạy thận. Vì thế, nếu trong cùng một ca chạy thận có 1-2 người xuất hiện dấu hiệu bất thường thì có thể do yếu tố cơ địa của từng cá thể. Trường hợp cùng lúc hàng loạt BN bị tai biến thì phải xem lại hệ thống xử lý nước lọc thận, khâu rửa quả lọc đã đúng quy trình chưa, có còn hóa chất tồn dư, hay vấn đề ở dịch truyền – dịch thẩm tách…
Cùng chung quan điểm với TS. Luận, BS Phương Dung nhận định, nếu tai biến trên một vài BN thì có thể nghi vấn do thuốc, cơ địa từng người, nhưng không thể gây sự cố cho cùng lúc 18 người. Mỗi máy chạy thận chỉ sử dụng cho một BN với các thông số được điều chỉnh phù hợp cho người ấy. Hóa chất chạy thận thì mỗi lô thường được cung cấp cho nhiều BV, trung tâm chứ không riêng cơ sở nào nên nếu gây tai biến sẽ trên diện rộng hơn một đơn vị. Ngoài ra BS Dung cũng cho rằng nguyên nhân có thể từ vấn đề rửa quả lọc. Quả lọc chạy thận được dùng riêng cho từng BN, tối đa chỉ sử dụng 6 lần cho một màng lọc. Quả lọc trước khi dùng cho lần sau phải được ngâm rửa kỹ trong hóa chất sau đó rửa lại bằng nước sạch. Nếu khâu rửa bằng nước sạch này không cẩn thận thì có khả năng hóa chất còn lưu lại trên quả lọc. Khâu này thường được thực hiện bằng máy hoặc bằng tay.
BS Dung nêu một giả thiết có thể gây tai biến nữa là do hệ thống nước dùng thẩm tách độc chất trong máu đã không đảm bảo chất lượng. Khi nước thẩm tách không tinh khiết sẽ dẫn đến thẩm thấu ngược, tức là thay vì lọc chất độc ra khỏi cơ thể BN thì tràn ngược trở lại gây biến chứng, thậm chí tử vong.
Về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh chạy thận nhân tạo, theo TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai – Trưởng khoa Dinh dưỡng (BV Nhân dân Gia Định) khuyên chăm sóc người bệnh cần theo những nguyên tắc cơ bản là năng lượng cao, giàu chất đạm đảm bảo đủ năng lượng để phòng chống suy dinh dưỡng trong quá trình chạy thận. Chú ý bổ sung dầu ăn khi chế biến các món ăn (cho thêm vào cháo, súp, canh, trộn, chiên, xào…) để tăng cường năng lượng.
Nên ưu tiên dầu nành, dầu hướng dương, dầu cải để trộn thêm vào món ăn. Hạn chế thịt mỡ, đồ lòng, bơ, dầu dừa, nước cốt dừa để giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Không ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối (dăm bông, xúc xích, chả lụa, thịt hộp, dưa muối chua…). Các món ăn cần nêm ít muối, bột nêm (nấu nhạt hơn bình thường)… Tránh dùng nước ngọt có gas có nhiều đường. Nên uống từng ngụm nước, rải đều trong ngày. Uống ít nước canh và nước rau quả vì sẽ có nhiều muối và kali. Cần hạn chế ăn đồ lòng, tôm, cua, lòng đỏ trứng, sôcôla, phô mai để hạn chế tăng phốt pho. Chính sự lọc thận sẽ đưa đến sự thiếu hụt các vitamin B1, B6, vitamin C, acid folic, chất sắt, canxi. Vì vậy, cần uống bổ sung các loại này theo chỉ định của BS.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)