Paracetamol (PCM) là loại thuốc giảm đau hạ sốt hay được sử dụng nhất hiện nay. Nó được bán không cần đơn và lại có rất nhiều biệt dược trên thị trường nên trong quá trình sử dụng, đã có khá nhiều tai biến nguy hiểm do dùng thuốc không đúng quy định.
Vì có quá nhiều tên biệt dược nên đã có nhiều ca ngộ độc PCM do dùng cùng lúc 2-3 loại thuốc đều có paracetamol trong thành phần gây quá liều. Hơn nữa, một số chế phẩm phối hợp của PCM với các chất khác dùng trong cảm sốt không an toàn với tất cả mọi người như nhiều người nhầm tưởng.
PCM là tên nhãn hiệu quốc tế không độc quyền được ghi trên đa số sản phẩm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nó còn có một tên nữa là acetaminophen, và trên một số sản phẩm nhập ngoại cũng như trong nước, nhiều hãng sản xuất đã ghi bằng tên này khiến cho khá nhiều người tưởng nhầm là 2 loại thuốc khác nhau. PCM không hoặc ít có tác dụng chống viêm. So với các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), PCM có rất ít tác dụng phụ nên được bán không cần kê đơn ở hầu hết các nước. Tên gọi acetaminophen hay PCM được lấy từ tên hóa học của hợp chất: para-acetylaminophenol.
PCM hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, sinh khả dụng là 80-90%, hầu như không gắn vào protein huyết tương. Chuyển hóa phần lớn ở gan và một phần nhỏ ở thận, cho các dẫn xuất glucuro và sulfo-hợp, thải trừ qua thận. Cũng như các NSAIDs khác, PCM có tác dụng hạ sốt và giảm đau, tuy nhiên lại không có tác dụng chống viêm và thải trừ acid uric, không kích ứng tiêu hóa, không ảnh hưởng đến tiểu cầu và đông máu. Cơ chế tác dụng của PCM đang còn được tranh cãi, do thực tế là nó cũng có tác dụng ức chế men cyclooxygenase (COX) làm giảm tổng hợp prostaglandin nhưng lại không có tác dụng chống viêm.
Paracetamol không an toàn cho tất cả mọi người
PCM được dùng để chữa các chứng đau nông mức độ nhẹ hoặc vừa do đau đầu, đau khớp, đau cơ và gân, đau do chấn thương, gẫy xương… Tác dụng hạ nhiệt của PCM điều trị các chứng sốt do bất cứ nguyên nhân gì, như viêm khớp, nhiễm khuẩn tai mũi họng, miệng, phế quản – phổi, say nắng, phát ban và truyền nhiễm ở trẻ em, sốt do tiêm chủng…
PCM có rất nhiều tên biệt dược bao gồm các dạng bào chế phong phú từ viên nén, viên sủi bọt, viên đặt hậu môn, dung dịch uống, thuốc tiêm… PCM có thể ở dạng bào chế đơn chất chỉ có PCM hoặc thuốc phối hợp PCM và các hoạt chất khác. Phổ biến nhất là các tên thuốc như panadol, efferalgan, dolodol, panadol, pro-dafalgan… Một số chế phẩm phối hợp PCM và các thuốc khác phổ biến trên thị trường là: pamin viên nén gồm paracetamol 400mg và chlorpheramin 2mg. Decolgen, tiffy… dạng viên nén gồm paracetamol 400mg, phenyl propanolamin 5mg, chlorpheramin 2mg có tác dụng hạ sốt, giảm đau, giảm xuất tiết đường hô hấp để chữa cảm cúm. Efferalgan-codein, paracetamol-codein, codoliprane, claradol-codein, algeisedal, dafagan-codein dạng viên sủi gồm paracetamol 400-500mg và codein sulphat 20-30mg có tác dụng giảm đau nhanh và mạnh, giảm ho. Di-Antalvic dạng viên nang trụ gồm paracetamol 400mg và dextro-propoxyphen hydrochloride 30mg (thuộc nhóm opiat yếu) có tác dụng giảm đau mạnh.
Khi sử dụng thuốc phối hợp PCM với hoạt chất khác cần chú ý các tác dụng phụ của sản phẩm như kết hợp với chlorpheramin gây buồn ngủ, không dùng cho những người yêu cầu độ tập trung cao trong công việc hoặc sinh hoạt như lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên độ cao. Các chế phẩm kết hợp PCM với phenyl propanolamin, là chất gây co mạch, không dùng cho người bị tăng huyết áp. Các chế phẩm kết hợp với codein hoặc dextro propoxyphen không dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú và người suy hô hấp. Một số chế phẩm kết hợp với sulfit có thể gây phản ứng dị ứng, gồm cả sốc phản vệ và những cơn hen đe dọa tính mạng hoặc ít nghiêm trọng hơn cả là ở một số người quá mẫn. Dùng PCM thận trọng ở người bệnh có thiếu máu từ trước, vì trong trường hợp này nếu xảy ra tình trạng met-hemoglobin trong máu thì triệu chứng không được phát hiện kịp thời do tình trạng xanh tím đã có sẵn do thiếu máu. Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của PCM. Chỉ nên dùng PCM cho phụ nữ có thai khi thật cần thiết.
Uống PCM liều cao dài ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion. Cần phải chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt. Các thuốc chống giật (như phenytoin, barbiturat, carbamazepin…) gây cảm ứng enzyme ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của PCM do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan. Ngoài ra, dùng đồng thời isoniazid (một thuốc trị lao phổ biến có mặt trong tất cả các công thức điều trị lao hiện nay) với PCM cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính với gan. Nguy cơ PCM gây độc tính gan gia tăng đáng kể ở người bệnh uống liều lớn hơn liều khuyên dùng trong khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc isoniazid. Vì vậy người bệnh phải hạn chế tự dùng PCM khi đang dùng thuốc chống co giật hoặc isoniazid.
Tác dụng phụ của PCM đôi khi xảy ra ban da và những phản ứng dị ứng khác. Thường là ban đỏ hoặc ban mày đay, nặng hơn có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Người bệnh mẫn cảm với salicylat hiếm khi mẫn cảm với PCM và những thuốc có liên quan. Ở một số ít trường hợp, PCM gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu. Những người bệnh suy gan, suy thận, thiếu máu nặng, mẫn cảm với PCM, người thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase tuyệt đối không được dùng thuốc này.
Nguyên nhân gây độc tính khi dùng liều cao PCM
Do PCM bị oxy hóa ở gan cho N-acetyl parabenzoquinonimin. Bình thường, chuyển hóa này bị khử độc ngay bằng liên hợp các glutathion của gan. Nhưng khi dùng liều cao, N-acetyl parabenzo quinonimin quá thừa sẽ gắn vào protein của tế bào gan và gây hoại tử tế bào. Cần rửa dạ dày trong vòng 4 giờ sau khi uống. Liệu pháp giải độc chính là dùng những hợp chất sulfhydryl, bổ sung dự trữ glutathion ở gan như N – acetylcystein là tiền chất của glutathion có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Phải cho thuốc ngay lập tức nếu chưa đến 36 giờ kể từ khi uống PCM , nếu sau 36 giờ gan đã bị tổn thương thì kết quả điều trị sẽ kém. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối, hoặc nước chè đặc để làm giảm hấp thu PCM.
ThS. Lê Quốc Thịnh (Theo suckhoedoisong.vn)
Bình luận (0)