Học sinh lớp 10C2 giới thiệu sản phẩm đoạt giải nhất khối 10 của lớp
Bước ra ngoài trang sách, các tác phẩm văn học trong chương trình lớp 10, 11 được tái hiện sinh động bằng những mô hình, sa bàn… rất thú vị, ý nghĩa. Đây là cách học môn ngữ văn đầy thực tế do Tổ ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) triển khai cho học sinh lớp 10, 11 qua cuộc thi “Thiết kế sản phẩm STEM từ tác phẩm văn học trong nhà trường”. Theo đó, gần 20 sản phẩm đa dạng từ kể chuyện bằng tranh vẽ, mô hình, sa bàn, nặn tượng đất sét nhân vật đến thiết bị điều khiển nhân vật chuyển động trong tác phẩm, sơ đồ tư duy 3D, trò chơi văn học… đã được các em học sinh sáng tạo ra. Đây là những sản phẩm STEM do học sinh mỗi lớp tự nghiên cứu, chế tạo, thể hiện một nội dung trong tác phẩm văn học. Điều đặc biệt là các sản phẩm đều sử dụng nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường, hướng đến giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường sống. “Mặc dù thời gian chuẩn bị chỉ có 10 ngày nhưng mỗi lớp đều có sự sáng tạo, đầu tư. Các sản phẩm rất ấn tượng, từ trí tưởng tượng, các lát cắt về nhân vật đã hiện lên sinh động trực quan qua sa bàn, mô hình, tạo hình đồ vật…”, cô Trương Võ Ngọc Châu (giáo viên môn ngữ văn) cho biết.
Theo cô Châu, để đưa giáo dục STEM vào môn ngữ văn là điều rất khó, bởi STEM thường được ưa chuộng ở các bộ môn tự nhiên. “Đối với môn ngữ văn, cốt lõi là truyền tải được tinh thần của giáo dục STEM vào môn học, để học sinh thể hiện sự sáng tạo, tư duy, giải quyết các vấn đề đặt ra làm sinh động hơn tác phẩm văn học. Từ chính sự sáng tạo này, các tác phẩm văn học trở nên gần gũi, chân thực hơn; qua đó học sinh sẽ cảm thấy yêu thích môn học hơn”, cô Châu bày tỏ.
Tin, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)