Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước – “Tái mà chưa chín”

Tạp Chí Giáo Dục

Chiếm 79% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% nguồn vốn ODA, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 37,38% GDP. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập đoàn kinh tế và các tổng công ty là việc cấp bách hơn bao giờ hết.

Ưu ái nhưng hiệu quả đầu tư thấp

Vì sao được ưu ái của nguồn vốn đầu tư xã hội nhưng đóng góp của khu vực kinh tế này lại chưa tương xứng với tiềm lực? Nguyên nhân có phần là do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, nhưng nguyên nhân căn bản nằm trong cơ chế ưu ái phân bố nguồn lực quốc gia bao gồm nguồn nhân lực, công nghệ, nguồn vốn và tài nguyên thiên nhiên.
Các doanh nghiệp nhà nước được trao quá nhiều đặc quyền trong đó có cả quyền… độc quyền trong sản xuất và thị trường tiêu thụ. Việc quản lý giám sát nguồn vốn nhà nước, quản lý hoạt động quản trị doanh nghiệp bị buông lỏng quá mức. Các doanh nghiệp nhà nước, xuất phát từ đặc thù của mình, không phải chạy theo sức ép lợi nhuận như doanh nghiệp các khu vực khác, nghĩa là chưa thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường. Lợi thế chính sách và sự hỗ trợ của chủ sở hữu nhà nước đã triệt tiêu động lực nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cơ chế đánh giá doanh nghiệp nhà nước thiếu hẳn những động thái cảnh báo để ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả, nguy cơ thất thoát đồng vốn của nhà nước. Cơ chế quản lý trên đã trao cho doanh nghiệp nhà nước nhiều đặc quyền: không sợ phá sản vì được bảo hộ. Làm ăn thua lỗ sẽ được nhà nước cứu. Không sợ cạnh tranh vì được độc quyền. Không sợ thiếu vốn vì kinh doanh dựa vào nguồn đầu tư công, luôn được ưu ái tiếp cận vốn vay từ nhiều nguồn. Đó là những bất hợp lý cần phải được tháo gỡ khi tái cơ cấu nền kinh tế.

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong số ít đơn vị cổ phần hóa thành công. Ảnh: Dây chuyền sản xuất hiện đại của Vinamilk.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia kinh tế còn nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác: hệ số ICOR, chỉ số đo lường số đơn vị vốn cần tăng thêm để tạo ra một một đơn vị sản lượng. Theo báo cáo cạnh tranh của Viện Cạnh tranh châu Á: chỉ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2008 là 5,3. Đây là con số cao hơn hẳn so với các nước và khu vực nền công nghiệp mới trong đầu thời kỳ tăng trưởng kinh tế 1961 – 1980. Theo đó hệ số ICOR của Hàn Quốc là 3, Đài Loan là 2,7. Thái Lan giai đoạn 1981 – 1995 là 4,1. Đáng quan tâm và lo lắng hơn, hệ số ICOR của các doanh nghiệp khu vực nhà nước ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2011 – 2012 đã lên đến 7,5. Sự kém hiệu quả này, cùng với sự nóng vội, duy ý chí mở quá nhanh quy mô hoạt động, đầu tư tràn lan ra ngoài lĩnh vực hoạt động chính nhất là lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, khiến hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tập đoàn kinh doanh lỗ lã, làm lãng phí lớn tài sản công và là kẽ hở cho nạn tham nhũng đục khoét vô tội vạ tiền của nhân dân và tài nguyên của đất nước.

Tái cơ cấu – nhiệm vụ cấp bách

Ngày 19-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013 – 2020. Trong đề án này, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước có vị trí rất quan trọng.

Mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các dịch vụ sản phẩm công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với hoạt động công ích. Trong đó, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là quan trọng nhất và phải được thực hiện một cách toàn diện từ mô hình quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn và tổng công ty cho phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đơn giản là vì đến nay, số vốn mà tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản vẫn còn rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư kém hiệu quả, gây lãng phí, thậm chí lỗ vốn ghê gớm. Đề án quyết nghị các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành vào cuối 2015.
Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ có vẻ không dễ thực hiện. Bên cạnh sự chần chờ, trì hoãn từ phía các doanh nghiệp, nhiệm vụ thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn của nhà nước là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Nó đòi hỏi một lộ trình thích hợp, sự quyết tâm của các bộ ngành và đặc biệt là của Chính phủ. Đáng tiếc hiện nay chúng ta vẫn đang loay hoay với đề án này. Nhiều chuyên gia nói “tái mà chưa chín” là vì thế. Thời gian không chờ đợi ai. Đây là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu mà doanh nghiệp phải kiên quyết thực hiện.

Hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn gắn chặt với mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp. Đây là chủ trương lớn nhưng đến nay cổ phần hóa diễn ra với tốc độ hết sức chậm chạp. Khởi động từ năm 1992, đẩy mạnh vào năm 2001, nhưng theo con số thống kê, đến hết năm 2011 trên địa bàn cả nước mới cổ phần hóa được 4.000 doanh nghiệp, góp phần cơ bản vào việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước từ chỗ 12.000 doanh nghiệp nay chỉ còn 6.000 doanh nghiệp. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, tình hình cổ phần hóa chậm hẳn lại. Trong năm 2011 cả nước chỉ cổ phần hóa được 60 doanh nghiệp. Kế hoạch 2012 cổ phần hóa 93 doanh nghiệp đã không hoàn thành.

Sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2013 – 2015. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, đặc biệt là việc xác định quyền sử dụng đất và giá trị thương hiệu. Sử dụng các biện pháp thị trường để xử lý tài chính với doanh nghiệp cổ phần hóa để cơ cấu lại, mua lại nợ. Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thị trường chứng khoán ấm trở lại để tạo điều kiện về thị trường cho cổ phần hóa tăng tốc.
Một số chuyên gia khác lưu ý, nên chăng, bắt đầu cổ phần hóa ngay các siêu doanh nghiệp đang nắm những nguồn lực lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản; Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông; Tập đoàn Dầu khí… Và, quan trọng là xác định rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước là công cụ ổn định vĩ mô hay định hướng lợi nhuận để đẩy mạnh cổ phần hóa và phân bổ nguồn lực.

DƯƠNG TRỌNG DẬT

(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)