Sau một thời gian các địa phương ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường đã phần nào đường thông hè thoáng, tuy nhiên gần đây tình trạng lấn chiếm lại tái diễn đẩy người đi bộ xuống đường. Vấn nạn bảo kê, trả “lệ phí ngoài” để sử dụng vỉa hè vẫn còn diễn ra ở một số quận, huyện tại TP.HCM.
Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm họp chợ
Tái diễn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè
Ghi nhận của chúng tôi, đường Cách Mạng Tháng 8, đoạn từ chợ Hòa Hưng (Q.10) đến Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) vào mỗi sáng, chiều là kẹt cứng vì những xe hàng phụ kiện điện thoại xếp hàng dài dưới lòng đường. Người bán còn vô tư ra đường chào mời mặc cho dòng người và xe đang ngoi ngóp dưới nắng mưa.
Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Lý Chính Thắng (Q.3); đường Lý Thái Tổ, Nguyễn Chí Thanh (Q.10); đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh); đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận)… xe hàng rong án ngữ dười lòng đường khiến người qua lại bức xúc.
Không chỉ chiếm dụng lòng đường mà ở vỉa hè người đi bộ cũng không còn chỗ để chen chân. Anh Lê Tự (dân phòng P.11, Q.3) cho hay, mỗi ngày chúng tôi đều có mặt nhắc nhở người dân không lấn chiếm lòng lề đường để mua bán. Khi chúng tôi có mặt thì đường thông hè thoáng nhưng chúng tôi vừa quay đi thì đâu lại vào đấy.
Đường Lê Văn Lương (đoạn qua xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) từ vỉa hè đến lòng đường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán từ sáng sớm đến chiều tối. Đây là tuyến đường có mật độ xe cộ lưu thông cao, đường lại hẹp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Chị Nguyễn Thị Thúy (chủ sạp hàng khô tại chợ tạm Rạch Đỉa) lắc đầu ngao ngán: “Trong chợ không có khách vì người dân mua hàng ngay lòng đường, gây kẹt xe hàng giờ, nhất là chiều tối”.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt quan sát chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có đến hàng trăm tiểu thương bày hàng ở lòng đường, vỉa hè, từ hàng rau đến thịt, cá… Ông Ngô Văn Bảy, người bán trái cây ở đây cho biết, lúc đầu ai cũng tập trung trên vỉa hè, khi có người bày hàng xuống đường thì những người khác cũng làm theo. “Nếu không xuống lòng đường thì chẳng ai mà ghé mua”, ông Bảy nói.
Anh Nguyễn Văn Tài (tài xế xe buýt tuyến Bến Thành – Long Kiển) nói với giọng mệt mỏi: “Sợ nhất là vào giờ cao điểm, xe nhích từng chút một, phải mất hơn 20 phút chỉ để đi qua đoạn đường chưa đầy 3km”.
Tại đường Hoàng Sa, Trường Sa, bắt đầu từ chiều hàng quán đã bày ra vỉa hè, nhiều nơi còn sử dụng cả lòng đường làm bãi đậu xe cho khách. Một người dân ngụ P.Tân Định, Q.1 thông tin, chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở chủ quán về việc đậu xe gây cản trở lưu thông, họ không tiếp thu mà còn thách thức “cứ lên phường, lên quận mà thưa”. Người này đặt câu hỏi: Liệu có tình trạng “bảo kê, lệ phí ngoài” để được sử dụng vỉa hè?
Có bảo kê, lệ phí ngoài?
Tại Hội nghị phản biện đối với dự thảo quyết định ban hành quy định về quản lý và sử dụng một phần vỉa hè trên địa bàn TP, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức mới đây, đại diện các sở, ngành có cùng chung ý kiến công tác quản lý Nhà nước về vỉa hè chưa ổn.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho rằng, liên quan đến kinh tế vỉa hè rất phức tạp, vì thế cần làm tốt khâu quản lý để đảm bảo quyền lợi của người dân. Dự thảo này “quên” đối tượng sử dụng là ai, có quyền và nghĩa vụ như thế nào, khi ban hành cần bổ sung vai trò, trách nhiệm của người sử dụng vỉa hè chứ không chỉ đề cập đến vai trò quản lý Nhà nước.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Trung – Phó Chủ tịch Thường trực UBMT Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng đề xuất, việc tổ chức thực hiện quản lý vỉa hè giữa các địa phương phải đồng bộ, quy định rõ trách nhiệm, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người thụ hưởng cũng như yêu cầu quản lý Nhà nước. “Từ ý kiến của các đại biểu, có ý kiến với cơ quan soạn thảo dự án để quy định sát với thực tế, đảm bảo tính khả thi”, ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngày 23-11-2008, UBND TP.HCM có Quyết định 74/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Qua 12 năm thực hiện, có nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế nên mới xây dựng dự thảo để thay thế quyết định này. Quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè không chỉ có Quyết định 74 mà còn có rất nhiều quyết định và chỉ đạo của TP. Quá trình sửa đổi Quyết định 74 từ năm 2017 đến nay cơ bản đã hoàn chỉnh để xin ý kiến phản biện, có tác động rất lớn đến người dân nên khi ban hành phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Ông Lâm cũng cho biết đang chờ kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP trên cơ sở lấy ý kiến người dân để đánh giá nhu cầu và sẵn sàng chấp hành của người dân trong việc sử dụng. |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, lâu nay việc quản lý vỉa hè là chưa tốt, càng làm càng rối, người đi bộ vẫn đi dưới lòng đường. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo phải có quy định về biện pháp chế tài, có hình thức, mức xử phạt cụ thể, rõ ràng để đảm bảo tính răn đe. Vỉa hè là cuộc sống của người dân, bao nhiêu miệng ăn trông chờ vào vỉa hè, vì vậy để quản lý hiệu quả, đề nghị phân cấp về địa phương. Riêng thu phí thì đã có mặt trận và đoàn thể giám sát.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng, nếu giao thu phí cho địa phương thì rất dễ xảy ra tiêu cực, cụ thể là lợi ích nhóm, vì vậy cần nghiên cứu kỹ các phương án, cần thiết có một đơn vị trực thuộc đứng ra làm công việc này để đảm bảo lợi ích cho người sử dụng vỉa hè.
A.Trần
Bình luận (0)