Sau thời gian tạm lắng, trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ “tái khởi động” việc chuẩn bị tổ chức một kỳ thi quốc gia sau THPT, lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo dự kiến, ngày 26-12, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì cuộc họp với một số trường ĐH để lấy ý kiến về dự thảo Khung chính sách xét tuyển vào ĐH, CĐ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Thi tốt nghiệp 6 môn
Với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức sớm hơn so với kỳ thi tốt nghiệp hiện hành, từ ngày 10 đến ngày 15-6 hàng năm. Việc tổ chức thi sẽ theo cụm, tại các trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH đóng trên địa bàn, có đủ các điều kiện về phòng thi, cơ sở vật chất, điện nước, bảo vệ…
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại Hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân Q1 TPHCM. Ảnh: MAI HẢI |
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức thi nhiều môn trong số các môn học ở cấp THPT để thí sinh lựa chọn theo mục đích riêng và mở rộng điều kiện để các trường ĐH, CĐ xét chọn phù hợp với từng ngành đào tạo. Trước mắt, trong một vài năm đầu, có 8 môn được chọn, gồm: Văn, Ngoại ngữ, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Số môn thí sinh phải thi để được công nhận tốt nghiệp THPT (ngoài các điều kiện về học lực và hạnh kiểm theo quy chế quy định) là 6 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ), 1 môn do Bộ GD-ĐT quy định hàng năm và 2 môn tự chọn.
Để đảm bảo cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa đánh giá được trình độ tốt nghiệp THPT, vừa đánh giá được khả năng vào học trường ĐH, CĐ, TCCN, Bộ GD-ĐT dự kiến trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức và 40% số điểm ứng với nội dung trong chương trình THPT với yêu cầu phân loại trình độ để xét tuyển sinh. Tại kỳ thi quốc gia này, dự kiến số phiên bản đề thi trắc nghiệm mỗi môn sẽ tăng lên, ít nhất bằng nửa số thí sinh trong phòng thi hoặc mỗi thí sinh có một phiên bản đề thi (tối đa 24 thí sinh/phòng thi).
Bộ GD-ĐT cũng dự kiến điều động lực lượng thanh tra, giám sát từ các trường ĐH, CĐ, TCCN tham gia các đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ trong tất cả các khâu, thay thế lực lượng thanh tra coi thi của các Sở GD-ĐT trong kỳ thi.
Ngành học có yêu cầu đặc biệt mới được thi bổ sung
Theo dự thảo chính sách khung xét tuyển vừa được Bộ GD-ĐT hoàn thiện, sẽ có 3 khung cụ thể để các trường dựa vào và đề ra các yêu cầu tuyển sinh vào mỗi ngành đào tạo. Theo đó, đối với hầu hết các ngành, các trường phải lấy kết quả của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia gồm 3 môn văn hóa đối với ĐH, CĐ và 2 môn đối với TCCN (trong đó có ít nhất 1 trong các môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ). Đối với các ngành năng khiếu, bên cạnh xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp, sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu.
Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2009 đạt được sự nghiêm túc và tin cậy như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay; việc xây dựng ngân hàng đề thi đạt yêu cầu chất lượng, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng hoàn chỉnh phương án xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, thì việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thực hiện vào năm 2010. |
Việc tổ chức thêm một kỳ thi bổ sung tại trường chỉ được áp dụng đối với các ngành có yêu cầu đặc biệt như: sư phạm, ngoại ngữ, báo chí, đối ngoại, chương trình đào tạo tiên tiến (do trường đề xuất và Bộ chấp thuận). Kết quả thi tốt nghiệp được xem là kỳ sơ tuyển, sẽ tổ chức thi 1 môn do trường quy định và ra đề theo hình thức tự luận, vấn đáp hoặc thực hành. Kết quả thi tại trường sẽ quyết định việc chọn trúng tuyển chính thức. Thí sinh tiếp tục được đăng ký xét tuyển 3 nguyện vọng trong 3 đợt khác nhau.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, các thông tin về tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ công bố công khai trước kỳ thi khoảng 6 tháng trong cuốn Những điều cần biết. Để đảm bảo sự ổn định trong công tác tuyển sinh, về cơ bản vẫn giữ quy trình như hiện nay, nhưng chuyển việc thi và xét tuyển theo khối thi (A, B, C, D) sang việc xét tuyển theo ngành học. Quy trình đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ; khung chính sách ưu tiên nhìn chung giữ như hiện nay
LAM NHI (Theo SGGP)
Bình luận (0)