Mặc dù luôn được người lớn quan tâm và chăm sóc nhưng vào thời gian đầu và cuối năm trẻ em lại thường ít để ý do cha mẹ và người thân bận rộn với nhiều công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán hay mải vui chơi nên dễ bị bệnh tật và tai nạn xảy ra ngoài ý muốn.
Trẻ nhỏ hay bị tai nạn do hiếu động và nghịch phá |
Không ít gia đình đã thật sự mất vui khi trong nhà có trẻ con bị bệnh tật và tai nạn đúng vào dịp Tết Nguyên đán mà tất cả là do sơ suất từ người lớn.
Người lớn mất vui vì trẻ nhỏ
Năm ngoái, vào những ngày Tết, gia đình chị Liên ở Q.12 phải vào BV Nhi đồng 1 chăm sóc đứa con trai hơn 2 tuổi vì bị bỏng. Chị Liên nhớ lại: “Hôm đó đứa con gái tôi vừa mới nấu nước sôi bằng ấm điện xong. Sau khi đổ đầy bình thủy, cháu để trong góc cho nguội để chờ đổ vào bình thủy tinh. Thế nhưng sau khi vào buồng xếp quần áo thì nghe tiếng khóc thét của đứa em trai. Biết là có chuyện lúc nó chạy ra thì thấy đứa em chạy té ngã vào ấm nước sôi đang mở nắp”. Tuy mới bị bỏng độ 1 do có bọng nước ở biểu bì nhưng phải sau 1 tháng vết thương mới lành hẳn. Đối với gia đình chị Liên mặc dù năm đó mọi người về đoàn tụ đông đủ nhưng lại là một cái Tết không vui vì ngày nào cũng có người ra vào nhà thương để chăm sóc đứa bé. Theo báo cáo của các BV nhi đồng vào dịp Tết số trẻ bị bỏng thường tăng cao trong đó có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Tại khoa bỏng của BV ngoài số trẻ em bị bỏng do nghịch nước sôi còn có nhiều trẻ bị bỏng do lửa khi đun nấu nhất là ở vùng quê. Những năm gần đây, số trẻ bị bỏng lửa tuy có giảm nhưng số trẻ bị bỏng pô xe máy lại tăng. Dù các bé bỏng ở mức độ nào hay nguyên nhân gì thì trước hết vẫn là do lỗi bất cẩn của người lớn và để lại vết thương lâu lành.
Dịp Tết các gia đình thường có thói quen mua các loại hạt như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương để “nhâm nhi” trong mấy ngày vui ở nhà. Tuy chưa biết dùng nhưng trẻ con thường cắn các loại hạt theo người lớn. Đây chính là nguy cơ dễ làm cho các cháu bị hóc khi nuốt các loại hạt vỏ cứng. Trường hợp nào gia đình phát hiện ngay thì sẽ có biện pháp xử trí để khắc phục kịp thời hoặc đưa vào BV cấp cứu nhanh. Tuy nhiên cũng có trường hợp vài ngày sau người nhà mới phát hiện được khi thấy trẻ có triệu chứng ho khò khè, khó thở và ho nhiều. Những lúc đó nên nghi trẻ bị dị vật đường thở cần đưa đến BS để kiểm tra. Ngoài hóc các loại hạt khô, trẻ em cũng có thể bị hóc các loại hạt tươi khi ăn dưa hấu, mãng cầu, sa-bô-chê và hóc xương do phụ huynh không để ý kể cả những trẻ lớn đã đi học.
Phụ huynh phải xử trí đúng cách
Nhiều trẻ có thói quen ngậm đồ chơi cũng dễ bị hóc dị vật đường thở do nuốt những viên bi hay vật nhỏ. Vào dịp Tết hầu hết mọi người vùi đầu vào công việc từ đi chợ mua sắm cho đến dọn vệ sinh, nấu nướng nên trẻ em thường bị “bỏ quên”. Gần đây nhất là ca cấp cứu bé Nguyễn Ngọc Phương Dung 16 tháng tuổi tại Phú Yên do bị muỗng đâm thủng thực quản. Theo lời kể của người nhà, sau khi bị té bé bị chiếc muỗng đang ngậm đâm vào họng. Thay vì báo ngay với phụ huynh thì cô giáo lại tự ý rút muỗng và đến chiều đón con về thì người nhà đã phát hiện vùng cổ bị sưng to. BS Nguyễn Thế Huy – Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết, bé Dung được đưa đến trong tình trạng có đường rách thực quản và bắt đầu bị nhiễm trùng. Sau khi chụp CT để tìm ra thực trạng và phẫu thuật vá thực quản, tình trạng sức khỏe của bé mới dần được hồi phục. Theo BS Huy, nhiều trường hợp trẻ ngậm muỗng, đũa, que nếu người lớn không để ý thì dễ bị đâm vào miệng do bị té ngã. Ngoài hậu quả rách vùng họng, amiđan, trẻ có thể bị rách thực quản, đường thở. Đây là những ca cấp cứu rất khó điều trị vì tính phức tạp của nó vì thế việc trông trẻ không thể lơ là dù người lớn bận rộn đến đâu.
Một nguyên nhân gây cho các thầy thuốc điều trị khó khăn các ca cấp cứu trẻ trong dịp lễ tết là do phụ huynh thiếu kiến thức trong việc xử trí các tai nạn. Nếu cô giáo và gia đình đưa bé Dung đến BV ngay trong ngày thì chắc chắn không có tình trạng nhiễm trùng nặng ở phần cổ của cháu. Nhiều người thấy trẻ bị bỏng thường mất bình tĩnh, xử lý bằng một số biện pháp phản khoa học như dội nước mắm, bôi kem đánh răng, xà phòng nên vết bỏng càng nặng hơn. Lúc này cha mẹ nên gỡ bỏ quần áo đang mặc trên người trẻ và ngâm vùng bỏng vào nước mát từ 16 đến 20 độ trong khoảng 30 phút trở lại. Nếu không, rửa vết bỏng bằng vòi nước nhẹ để giảm nhiệt độ ngay sau đó băng ép nhẹ và đưa trẻ đến nơi cấp cứu gần nhất.
Trẻ con thường không ngồi yên một chỗ mà hay leo trèo, ra ban công, vào nhà tắm dễ trơn trượt vì thế dễ bị té ngã và chấn thương là không tránh khỏi. Nhẹ thì trầy da, sưng trán nặng thì bong gân, gãy xương. Đây là những tai nạn thường xảy ra mùa Tết làm cho BV thêm quá tải. Vì thế dù bận rộn, cha mẹ ông bà phải thường xuyên giám sát trẻ, có rào chắn những chỗ nguy hiểm nhất là các căn hộ trên cao của các chung cư. Một số tai nạn khác như bỏng do bóng bay, nhang đèn cúng kiếng, chảy máu tay do nghịch quạt, điện giật do tự cắm phích điện cũng không trừ trẻ nhỏ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)