|
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 9 tháng năm 2012, trên địa bàn cả nước xảy ra 23.619 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 6.908 người chết, 25.002 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 9.360 vụ (28,38%), giảm 1.502 người chết (17,86%), giảm 10.634 người bị thương (29,84%). Đặc biệt có 5 tỉnh giảm trên 40%; 48 tỉnh, thành phố giảm trên 10% về số vụ, số người chết. Có được kết quả này là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể địa phương cùng người dân trong việc thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT xuống 5-10%.
Nhờ quyết liệt nên tạo được đột phá
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa ghi nhận và đánh giá cao những chỉ đạo tích cực, đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành đoàn thể đã tạo ra đột phá thành công trong việc hạn chế TNGT, ùn tắc giao thông với tỷ lệ tai nạn giảm khá nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nhiều địa phương đã đưa ra cách làm hay, mô hình tốt để các tỉnh, thành cùng tham khảo học tập. Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kiêm Phó ban ATGT TP.HCM Dương Hồng Thanh cho biết: “Thành ủy, HĐND, UBND TP đã phân cấp cho từng ngành, xây dựng kế hoạch cụ thể để kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. 9 tháng qua, trên địa bàn TP chỉ xảy ra 2 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, giảm 91,6% so với cùng kỳ năm trước. TNGT giảm 1.670 vụ (26,3%), số người chết giảm 135 người (21,4%), số người bị thương giảm 1.835 người (26,9%) so với cùng kỳ. Bằng các giải pháp như nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công… (năm 2011 có 83 rào chắn cản trở giao thông thì đến nay chỉ còn 17 rào chắn chủ yếu nằm ở ngoại ô) nên ùn tắc đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng như đại lộ Võ Văn Kiệt, nút giao Gò Dưa, cầu vượt nhẹ… nên TNGT và ùn tắc giao thông cơ bản đã được đẩy lùi, người dân đi lại thuận tiện hơn. Thông qua tuyên truyền giáo dục, qua hệ thống VOV giao thông, VOH, HTV, thông tin đã đến kịp thời với người dân hơn để họ có thể lựa chọn lộ trình phù hợp, tránh ùn tắc. Đặc biệt, việc huy động toàn bộ lực lượng ra điều tiết giao thông từ 30 phút trước giờ cao điểm tại các điểm giao cắt cùng với sự bố trí lệch giờ đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Cần quyết liệt hơn nữa
Từ những kết quả trên cho thấy, một số tỉnh, thành phố đã gắn trách nhiệm người đứng đầu trong nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT nên mang lại những chuyển biến tích cực như Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Thái Bình. Nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, An Giang, Bắc Giang… đã ban hành các quy định về kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ; nghiêm cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, buổi trưa… Trên thực tế, nhiều cách làm hay, mô hình tốt đã góp phần thực hiện kéo giảm TNGT như Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện thu hồi mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, bán và đổi trên 30 ngàn mũ đạt chất lượng cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn 6 tỉnh có số người chết tăng là Bạc Liêu (3,4%), Kon Tum (6,3%), Bắc Kạn (7,1%), Lào Cai (9,5%), Thừa Thiên – Huế (12,6%), Đồng Nai (18,8%). Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Đinh La Thăng đánh giá trong 9 tháng qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nếu các bộ ngành, đoàn thể quyết liệt hơn nữa thì TNGT sẽ còn giảm sâu hơn. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật còn chậm như quy định về xét nghiệm nồng độ cồn, xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng, xác định tiêu chí văn hóa giao thông, xử phạt qua tài khoản ngân hàng… Hiện tại, công tác tuyên tuyền, phổ biến trật tự ATGT ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội nói chung và với tốc độ phát triển của phương tiện giao thông nói riêng; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn bộc lộ nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các lực lượng còn chưa thực sự chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn chưa nghiêm túc, công tác thanh kiểm tra đối với các cơ sở này chưa kịp thời…
Bài, ảnh: Hà Anh
CSGT kiểm tra giấy phép lái xe một trường hợp vi phạm
Box: Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, địa phương nhằm kéo giảm đáng kể TNGT trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lưu ý, trong 3 tháng cuối năm, các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung quyết liệt, không chủ quan, thỏa mãn, có giải pháp cụ thể hơn nữa, qua đó thực hiện bằng được chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra về kéo giảm TNGT. Phó thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc chỉ thị 18/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT quyết liệt hơn, trong đó nòng cốt là ban ATGT các tỉnh, lực lượng công an. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về nghị định 71/NĐ-CP với mức phạt tiền rất cao đối với các trường hợp vi phạm để răn đe, nhắc nhở người tham gia giao thông. Phó thủ tướng cũng yêu cầu lực lượng công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý trường hợp lái xe uống rượu bia, chạy quá tốc độ, chở quá tải… Các địa phương tập trung kiểm tra, đôn đốc, biểu dương đơn vị làm tốt và phê bình các cá nhân, đơn vị còn để nhiều tồn tại. Các cơ quan truyền thông cần vào cuộc quyết liệt, kịp thời biểu dương các điển hình, phê phán những cái chưa tốt để nâng cao nhận thức, sự đồng thuận của dư luận. Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Muốn đạt được những kết quả lớn trong năm nay đòi hỏi sự quyết tâm và hành động cụ thể hơn của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là đối với các lực lượng chủ công như công an, giao thông vận tải. Sự vào cuộc của các đoàn thể và ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên thì những quyết sách, chỉ tiêu mà toàn dân mong muốn sẽ sớm thành hiện thực”.
|
Bình luận (0)