Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tai nạn giao thông – nỗi đau để lại…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các nạn nhân trong một vụ TNGT đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: P.Dũng
“Phía trước tay lái là sự sống”, “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”… là những khẩu hiệu hằng ngày được phát trên radio, được ghi trên các băng rôn, áp phích. Song, ngày qua ngày, các tai nạn giao thông (TNGT) vẫn liên tục xảy ra, để lại nhiều nỗi đau day dứt…
Những vụ tai nạn kinh hoàng
Qua số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, hầu hết các vụ TNGT 4 tháng đầu năm đều do lấn làn và “đấu đầu” nhau. Một đoạn đường hẹp trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chiếc xe khách mang biển số Nam Định do tài xế Trần Đức Thọ (35 tuổi) đã tông thẳng với xe container mang biển số Bình Thuận do Lê Văn Nui (32 tuổi) cầm lái chạy chiều ngược lại vào đêm 12-2. Do va chạm mạnh nên xe khách bị quay ngược 180 độ, khiến 2 người tử vong tại chỗ, 4 người bị thương nặng và hàng chục hành khách bị xây xước. Hay trong vụ tai nạn trên quốc lộ 13, đoạn đường thuộc phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An (Bình Dương). Sau khi ủi vào đuôi xe tải, ô tô chở 17 người đi lễ chùa ở Châu Đốc (An Giang) do tài xế Nguyễn Văn Được (48 tuổi) lao qua chiều ngược lại tông vào 2 xe máy, kéo lê một chiếc xe dưới gầm hơn chục mét rồi đâm thẳng vào văn phòng một công ty trưng bày sản phẩm về gỗ. Tuy không có người tử vong nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn đè nặng trong tinh thần hành khách. Quốc lộ 13 là nơi các xe khách xuất phát từ Bến xe Miền Đông thường chạy với tốc độ kinh hoàng thì tai nạn gây thương vong lớn là điều khó tránh khỏi. Nhiều người đi xe máy đã từng “thất sắc điếng hồn” khi bị một chiếc xe có tốc độ như… máy bay vượt mặt.
Ngoài ra, vụ TNGT kinh hoàng xảy ra trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương vào ngày 16-4 không phải đấu đầu nhau mà là “đầu đấu đít”. Một chiếc xe bồn đang chạy với tốc độ 20km/giờ để tưới cây trên đường cao tốc bất thình lình bị một chiếc xe khách chở 14 người tông thẳng vào đuôi. Cú va chạm như… trời giáng kia khiến tài xế xe khách Trần Thanh Phong (35 tuổi), Loreal Jean Jacques, quốc tịch Pháp và Châu Bảo Văn (10 tuổi) chết tại chỗ. Ngoài ra có thêm 4 người chết trong quá trình chuyển viện, trong đó có chị Lê Thị Hồng Châu (37 tuổi) là mẹ cháu Châu Bảo Văn.
Của chẳng thể thay người
Theo con số thống kê từ các cơ quan chức năng, số người tử vong do TNGT ở Việt Nam trong 10 năm qua là hơn 120.000 người. Tức là mỗi năm có tới 12.000 người chết, tương đương với mỗi ngày có hơn 30 người vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống và 150 người bị thương do TNGT gây ra.
Những người còn sống sót trong vụ xe khách đâm xe bồn ở đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương vẫn còn đó những nỗi ám ảnh cho riêng mình. Chị Phạm Thị Phương Thảo (31 tuổi) may mắn sống sót nhưng những âm thanh như bom nổ khi hai chiếc xe va chạm, tiếng gào khóc thảm thiết của hành khách đang mắc kẹt trong xe khiến chị giật mình mỗi đêm. Còn chị Trần Đặng Hồng Thắm (24 tuổi) dù được bác sĩ chẩn đoán cái thai 6 tháng của chị không có gì ảnh hưởng sau cú va chạm xe nhưng chị vẫn đau đáu một nỗi lo rằng không biết khi xuất viện về nhà thì đứa con đang tượng hình của chị có bị làm sao không. Hay tài xế Nguyễn Văn K. (Tây Ninh) sau khi vụ tai nạn xe khách do anh điều khiển cướp đi một mạng người, gia đình anh phải tốn hàng trăm triệu bồi thường cho thân nhân và chính anh cũng mất hết 2 năm để “tìm lại chính mình”. Do chấn động quá lớn, anh phải vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, nhờ được chữa trị kịp thời và được gia đình khích lệ tinh thần anh đã hồi phục nhưng vẫn còn khi quên khi nhớ. Đau đớn nhất cho người sống sót có lẽ là trường hợp của chị Trần Thị Dung (Hà Nội). Vụ tai nạn trên chuyến đường sắt Ba La (Hà Nội) không chỉ cướp đi sinh mạng chồng chị mà còn khiến chị bị liệt nửa người. Ba đứa con của chị hiện tại do hai bên nội ngoại khó khăn nên không được tiếp tục đến trường. Chị Dung có lần muốn hủy đời mình để khỏi là gánh nặng cho gia đình, hàng xóm nhưng vì có ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chị phải gượng sống để nuôi con nên người.
Chẳng ai muốn nhắc lại những giây phút đau đớn tột cùng, nhưng sau các vụ tai nạn, hậu quả để lại không hề nhỏ. Đó như là một “biển báo” đặt trong trái tim mỗi người cầm lái mỗi khi lưu thông trên đường.
Tạm gác đi những phần lỗi do ai trong các vụ TNGT thì mọi sự mất mát về con người không thể lấy gì bù đắp được. Chỉ vì một giây không làm chủ được tay lái là bao sinh mạng phải đánh đổi và cuộc đời lại bớt đi tiếng cười, nhường chỗ cho những tiếng khóc còn day dứt mãi. Nói như ông Ba Tiết (Đồng Tháp), khi mất đi đứa con trai cả là lao động chính cho gia đình trong một vụ TNGT tại TP.Cao Lãnh thì “Giá mà chúng nó bớt đi vài ly rượu, bớt đi tính hiếu thắng, ương bướng thì đâu đến nỗi”.
Lộc Sâm
Triển khai đề  án “Cấp cứu TNGT trên đường cao tốc” chậm chạp
Không phải đến khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm tại cao tốc Trung Lương  ngày 16-4 vừa qua, công tác cấp cứu TNGT trên đường cao tốc mới được đặt ra. Trước đó, tháng 7-2013, đề án “Cấp cứu TNGT trên đường cao tốc” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những mục tiêu rất cụ thể trong giai đoạn 2013-2015 như: Thành lập thí điểm một trung tâm điều hành cấp cứu TNGT khu vực; 50% cán bộ của lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, tuần tra viên được đào tạo kỹ năng cấp cứu cơ bản TNGT… Tuy nhiên, đến nay việc triển khai đề án này vẫn còn khá chậm chạp.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)