Một vụ tai nạn do ô tô lao xuống ao trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước kiểng huyện Nhà Bè. Ảnh: Trọng Tri |
Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,2 triệu người trên thế giới thiệt mạng do tai nạn giao thông (TNGT), khoảng 50 triệu người bị thương, rất nhiều trong số đó bị tàn phế suốt quãng đời còn lại và trở thành gánh nặng cho hàng trăm triệu người khác. Điều đáng lưu ý là tại nhiều nước đang phát triển ở châu Phi và châu Á mặc dù ít xe ô tô hơn so với các nước phát triển nhưng lại thường dẫn đầu về số vụ TNGT.
Tai nạn giao thông nhiều ở các nước đang phát triển
Có nhiều người bị thương do TNGT nhưng không báo cho cảnh sát, thậm chí không đến bệnh viện; nhiều người bị chết vì TNGT cũng không được báo cáo. Đó là đánh giá chung của các chuyên gia về số người bị thương trên thế giới hàng năm. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay trung bình mỗi ngày trên thế giới có 3.000 người chết vì TNGT, hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 15 đến 44. Ngay cả những con đường được xem là an toàn nhất ở Tây Âu, cũng có tỷ lệ người chết vì TNGT là 11 người/100.000 cư dân. Trong khi đó, ở châu Phi và các nước phía Đông Địa Trung Hải có tỷ lệ trung bình là 28,3 và 26,3 người/100.000 dân. Nam Phi là nước có các vụ TNGT đường bộ cao nhất thế giới với tai nạn thường xuyên là xe hơi rơi xuống sông. Trung bình mỗi năm ở nước này xảy ra khoảng nửa triệu vụ TNGT, làm hơn 10.000 người thiệt mạng. Còn ở châu Mỹ mỗi năm có đến 134.000 người thiệt mạng vì TNGT, chiếm hơn 10% của cả thế giới, trong đó Mỹ đứng đầu với 44.000 người, tiếp đến là Brazin, Mexico và Venezuela.
Kết thúc năm 2008, WHO và Tổ chức Y tế châu Mỹ phát động chiến dịch “An toàn xa lộ” nhằm đẩy lùi 3 nguyên nhân chính gây TNGT hiện nay là lái xe sau khi uống rượu bia, không làm chủ tốc độ và không thắt dây an toàn. Tại Nga diễn ra “Tuần an toàn giao thông” trong cả nước với khẩu hiệu “Tôn trọng lẫn nhau trên đường là sự bảo đảm an toàn” nhằm làm giảm mức thiệt hại lớn về sinh mạng và kinh tế do TNGT gây ra. Khi đề cập vấn đề TNGT, nhà nghiên cứu người Anh Heathcote Williams đã đặt cho cuốn sách của mình cái tên đầy ý nghĩa “Autogeddon”. Trong Kinh thánh, từ “Armageddon” dùng để chỉ một thảm họa ngày tận thế được Heathcote cố tình thay thế tiếp đầu ngữ “Arma” bằng “Auto” (từ gọi của xe ôtô).
Năm nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn
Không mấy người biết rằng nhân loại vừa kỷ niệm 112 năm kể từ khi xảy ra vụ TNGT đầu tiên gây chết người trên thế giới. Đó là vụ va chạm ô tô đầu tiên dẫn tới cái chết được ghi nhận vào ngày 17-8-1896 tại công viên Crystal Palace ở thủ đô London, một vị trí ở ngoại ô là nơi dạo chơi và giải trí của người dân. Nhân viên Arthur Adsell của hãng động cơ liên doanh Anh-Pháp lái một chiếc ô tô (một trong những chiếc xe hiếm hoi thời bấy giờ) để thử nghiệm một động cơ mới. Adsell đã phóng chiếc xe với “tốc độ khủng khiếp” gần… 7 km/h (có tài liệu nói là 12 km/h) và đâm vào một phụ nữ có tên Bridget Driscoll – 44 tuổi, đang đi bên đường khiến nạn nhân tử vong chỉ vài phút sau đó. Kết quả điều tra cho thấy, Adsell đã lái nhanh gấp đôi tốc độ thông thường. Ngoài ra, do anh ta mải nói chuyện với một cô gái ngồi cùng trên xe nên không để ý tới nạn nhân. Câu chuyện trên cho thấy, nguyên nhân của vụ TNGT đầu tiên trong lịch sử – do vượt quá tốc độ và thiếu chú ý – cho đến ngày nay vẫn nằm trong danh sách 5 nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những cái chết trên các tuyến đường. Nhân loại đã không học hỏi được nhiều từ những bài học đắt giá kể trên. Hơn thế nữa, số lượng nạn nhân bỏ mạng trên các tuyến đường lại đang tăng với tốc độ khủng khiếp.
Trong khi đó, số nạn nhân chết vì chấn thương không liên quan TNGT chỉ chiếm 17% (trong đó chỉ có 3,4% là nạn nhân của các cuộc nội chiến hay chiến tranh, 10,8% là nạn nhân của các vụ bạo lực hay tội phạm). Từ đó, WHO đưa ra lời cảnh báo, nếu cứ theo đúng nhịp độ như hiện nay thì đến năm 2020, số nạn nhân TNGT trên toàn thế giới sẽ vượt ra khỏi vị trí thứ 9 trong danh sách tất cả những nguyên nhân gây chết người (như dịch bệnh, chiến tranh, xung đột…) để chiếm vị trí thứ ba. Tại hội nghị về an ninh gần đây nhất diễn ra tại London, các chuyên gia đã đưa ra nhận xét: chấn thương vì TNGT là “một bệnh dịch nghiêm trọng đang lan rộng” đe dọa cư dân khắp hành tinh. Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông toàn cầu đã đề xuất việc thành lập một quỹ chung khoảng 300 triệu USD nhằm cung cấp tài chính và thực thi các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho các quốc gia có mức thu nhập kém và trung bình. Tổng giám đốc WHO Lee Jong Wook tuyên bố: “Những con số về TNGT hiện nay như thế là đủ để báo động”.
Ngọc Hà (Theo WHO)
Bình luận (0)