Các lực lượng công an và đông đảo người dân hưởng ứng thực hiện Năm an toàn giao thông 2012. Ảnh: I.T
|
Luật Giao thông đường bộ sửa đổi năm 2008 đã cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với tài xế ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế xuống mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy. Và Nghị định 34/CP/2010 cũng tăng nặng mức xử phạt. Thế nhưng…
Say rượu – bia không làm chủ được tay lái
Dù luật đã siết chặt và mức phạt đã tăng nặng nhưng vi phạm vẫn không giảm. Đặc biệt vào dịp hội hè, tình trạng lái xe, nhất là xe cá nhân và xe gắn máy uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông rất phổ biến. Nhiều tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng, nghiêm trọng đã xảy ra do người lái xe say rượu, bia. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu bia thường liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường… Hiện nay, tình trạng người tham gia giao thông say rượu, bia đang gia tăng từng ngày, từng giờ, tác động tiêu cực đến tình hình an toàn giao thông. Trong quá trình tuần tra kiểm soát giao thông trên quốc lộ 1A, Đội cảnh sát giao thông (CSGT) An Sương (thuộc Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM) đã thực hiện kiểm tra tại chỗ nồng độ cồn, chất kích thích khác của người điều khiển phương tiện giao thông. Qua đó, tổ tuần tra phát hiện và xử lý nhiều trường hợp uống rượu bia, điều khiển phương tiện ô tô trên quốc lộ và vi phạm tốc độ. Một cán bộ của Đội CSGT An Sương cho biết: “Thời gian qua, rất nhiều vụ TNGT đã xảy ra mà trong đó người gây ra tai nạn hoặc nạn nhân đều có liên quan đến rượu, bia. Nhiều người say đến mức không thể đứng nổi để thổi vào máy đo nồng độ cồn khi lực lượng chức năng yêu cầu. Một số đối tượng quá khích còn cự cãi, chống đối cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ. Những vụ này chúng tôi đều xử lý rất nghiêm và xử phạt ở mức cao nhất”. Thực tế cho thấy, các vụ TNGT do rượu, bia gây ra thường sau 12 giờ trưa (giờ ăn cơm) và tầm 20 giờ tối, đây là thời điểm “trong lành” mát mẻ của giới “nghiện rượu”. Những vụ tai nạn do các “tay lái” đã sử dụng rượu, bia gây ra thường để lại hậu quả thảm khốc (nhiều trường hợp chết tại chỗ hoặc chấn thương sọ não, tàn tật suốt đời).
Hơn 250 ca TNGT/ngày
Có mặt tại Phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vào một tối cuối tuần chúng tôi nhận thấy, chỉ trong vòng một giờ (22-23 giờ) xe cấp cứu liên tục đưa người bị tai nạn từ khắp nơi đổ về. Trong đó có đến 5 vụ TNGT liên quan tới rượu, bia. Bệnh nhân Trần Sương Lý (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) được người nhà đưa vào cấp cứu với tình trạng đa chấn thương. Chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi, bệnh nhân khác là Lê Ngọc Sang (sinh năm 1986, ở tỉnh lộ 9, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) phải đặt nội khí quản, bóp bóng thở. Hình chụp cắt lớp não CT.Scan cho thấy, máu tụ dưới màng cứng bán cầu trái, lượng nhiều, bệnh nhân dập phù não nặng cả hai bán cầu. Mẹ của Sang ngậm ngùi: “Hay tin con bị tai nạn, tay chân tôi bủn rủn. Khi tôi đến, nó đang ở trong phòng cấp cứu nhưng người vẫn còn mùi rượu. Bây giờ không chỉ làm khổ cho bản thân mình, mà cả gia đình”.
Phòng hồi sức có 7 bệnh nhân, trong đó có 3 trường hợp bị TNGT đang trong tình trạng tương tự như Sang. Theo một bác sĩ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tai nạn xảy ra, nạn nhân có sử dụng rượu, bia thường bị chấn thương sọ não nặng gấp 3 lần so với người không sử dụng. Bản thân người say lúc đó không còn phản xạ chống đỡ nên chấn thương thường nặng hơn. Mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận không dưới 250 ca, phân nửa là nạn nhân bị TNGT với đa phần số ca bị chấn thương sọ não. Thời gian gần đây, số ca đang có xu hướng chững lại, nhưng mức độ tổn thương nặng lại gia tăng. “Năm trước, 30% số bệnh nhân nhập viện chỉ cần sơ cứu rồi cho về, nhưng hiện nay, hơn 50% số ca nhập viện tình trạng nặng, phải mổ cấp cứu, mổ chỉ định hoặc nằm điều trị lâu dài. Tỷ lệ tử vong cũng tăng theo”, một bác sĩ chia sẻ.
Hà Anh
Nghị định 34/CP/2010 quy định, phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng; với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở. |
Bình luận (0)