Đêm 20/6 (ngày 21/6 theo giờ VN), một vụ tai nạn hàng không đã xảy ra ở Nga, khi chiếc máy bay Tu-134 đã hơn 30 năm tuổi rớt xuống đất trong lúc hạ cánh, khiến 44 hành khách thiệt mạng và 8 người bị thương nặng. Vụ tai nạn đã lập tức làm dấy lên những quan ngại rằng liệu những chiếc máy bay cổ lỗ như Tu-134 có còn an toàn để phục vụ hoạt động vận tải hàng không.
Theo phát ngôn viên Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Oksana Semyonova, chiếc máy bay Tu-134 của hãng hàng không RusAir đã cất cánh rời Moskva và đang chuẩn bị đáp xuống sân bay Petrozavodsk, thì nó bất ngờ đâm thẳng xuống đường cao tốc nằm gần đó.
Máy bay va vào cây, 8 người thoát chết
Sergei Izvolsky, một phát ngôn viên của Cơ quan vận tải hàng không Liên bang Nga nói rằng chiếc máy bay đã ở độ cao quá thấp khi tới gần đường băng, tới mức nó va phải một cây thông cao 15m. Tiếp đó nó cắt đứt đường dây điện cao thế của sân bay, khiến hệ thống đèn báo hạ cánh ở đường băng bị ngắt trong 10 giây.
Alexander Neradko, lãnh đạo cơ quan trên, cho biết chiếc máy bay dường như vẫn còn nguyên vẹn khi nó đâm vào cây thông. “Hoàn toàn không có dấu hiệu của một vụ cháy hay nổ trên chiếc máy bay, trước khi nó lao xuống đất” – ông nói. Các đoạn video do truyền hình quốc gia chiếu cho thấy chiếc máy bay vỡ ra nhiều mảnh, cháy đen và nằm cách sân bay khoảng gần 1km.
Bộ Tình trạng khẩn cấp nói rằng có 44 người đã thiệt mạng, gồm 4 người mang quốc tịch Mỹ. Danh sách hành khách chính thức cho thấy các nạn nhân còn gồm 1 người Thụy Điển, 1 người Hà Lan, 2 người Ukraina và 1 người Đức. Các lực lượng cứu hộ ở hiện trường cứu sống được 8 người, trong đó có một bà mẹ, đứa con trai 9 tuổi và đứa con gái 14 tuổi. Họ đều đã được nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Petrozavodsk nằm trong tỉnh Karelia gần biên giới Phần Lan, cách Moskva 640km. Chiếc máy bay bị rơi chỉ cách một ngôi làng nhỏ chừng 100m. Nhưng không có ai dưới mặt đất bị thiệt mạng, ngoại trừ các nạn nhân đi trên máy bay. Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và yêu cầu giới chức ngành giao thông khẩn trương tới hiện trường để xử lý vụ việc.
Chiếc máy bay Tu-134 đã vỡ ra thành nhiều mảnh và cháy đen sau vụ tai nạn |
Già cỗi nhưng đáng tin cậy
Ngay sau vụ tai nạn, dư luận đã chú ý tới chiếc Tu-134, một trong những chiếc máy bay vận tải chủ lực của hàng không dân dụng Liên Xô (cũ) và Nga, với hơn 800 chiếc đã ra đời. Chiếc máy bay này đã được nghiên cứu sản xuất trong những năm 1960, khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev có chuyến thăm Pháp và quá ấn tượng với những đặc điểm ưu việt của chiếc máy bay SE 210 Caravelle, nên đã yêu cầu trong nước phải làm được chiếc máy bay tương tự.
Mẫu máy bay thử nghiệm đầu tiên mang tên Tu-124A đã cất cánh vào ngày 29/7/1963. Tới ngày 20/11 năm đó, nó chính thức được đổi tên thành Tu-134. Nhưng do một số khiếm khuyết về mặt kỹ thuật nên Tu-134 phải qua chỉnh sửa và phiên bản hoàn chỉnh cất cánh vào ngày 9/11/1970.
Tu-134 là chiếc máy bay chở khách đầu tiên của Liên Xô nhận được chứng nhận quốc tế từ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, qua đó cho phép nó được hoạt động trên những đường bay toàn cầu. Ngày nay Tu-134 vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi tại Nga và được xem là chiếc máy bay đáng tin cậy.
Thực tế trong quá trình hoạt động từ năm 1971 tới nay, nó mới chỉ có liên quan tới khoảng 20 vụ rơi máy bay chết người. Hồi năm 2004, một chiếc Tu-134 đã phát nổ không lâu sau khi rời khỏi sân bay chính ở Moskva làm toàn bộ 43 hành khách thiệt mạng. Điều tra cho thấy máy bay đã bị đặt bom khủng bố. Năm 2007, 57 người đã chết khi một chiếc Tu-134 bị rơi trong điều kiện thời tiết xấu, khi đang cố gắng hạ cánh ở Samara, Nga.
Hồi tháng 3/2007, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nga Igor Levitin đã tuyên bố rằng những chiếc Tu-134 (cũng như Tu-154) đã cũ và lỗi thời, cần phải được thay thế bằng máy bay Sukhoi Superjet 100 hay những chiếc tương tự của nước ngoài trong vòng 5 năm tới.
Khả năng lỗi do phi công
Tuy nhiên, các nguồn tin tại Nga đều nói rằng sự già cỗi không phải là nguyên nhân gây nên vụ tai nạn mới nhất. Tất cả thảm họa bắt đầu từ quyết định sai lầm của các phi công. Sergei Shmatkov, một nhân viên điều khiển không lưu nói trên trang tin lifenews.ru rằng tầm nhìn ở sân bay rất kém vào thời điểm xảy ra tai nạn, nhưng những người điều khiển máy bay vẫn quyết định hạ cánh.
“Tổ lái tiếp tục hạ cánh vào thời điểm lẽ ra họ nên bay lên và thử hạ cánh lại” – ông nói. Shmatkov cho biết ông đã ra lệnh cho tổ lái hủy bỏ việc hạ cánh khi thấy đèn đường băng phụt tắt, nhưng khi đó đã quá muộn.
Lỗi của phi công cũng là quan điểm của một số chuyên gia khác. “Có một quy định nghiêm ngặt rằng nếu anh đang trên đường hạ cánh và không thể nhìn thấy rõ ánh đèn trên đường băng, anh sẽ không còn cách nào khác ngoài việc tăng ga cho máy bay đi lên và thử hạ cánh lại” – Oleg Smirnov, cựu Thứ trưởng hàng không dân dụng dưới thời Liên Xô nói.
Magomed Tolboyev, một cựu phi công giàu kinh nghiệm ở Nga thì cho rằng chiếc Tu-134, dù đã già cỗi nhưng hoạt động rất bền bỉ. Ông cũng tin rằng lỗi phi công dường như là nguyên nhân rõ rệt nhất. “Lỗi con người luôn là nguyên nhân chính. Đặc biệt là ở thời điểm hiện nay, khi mức độ huấn luyện phi công rất thấp và không được Chính phủ kiểm soát chặt” – Tolboyev đánh giá.
Tường Linh (TT&VH)
Bình luận (0)