Trẻ em vốn hiếu động nên rất dễ xảy ra tai nạn (ảnh mang tính minh họa)
|
Trẻ em vốn hiếu động, lại chưa ý thức được nguy hiểm nên thường xuyên gặp nạn. Ba trường hợp tai nạn trẻ em sau đây sẽ giúp quí phụ huynh “để mắt” nhiều hơn tới con nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
1. Ngày 1-10-2010, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành nội soi lấy ra một miếng bông lau bảng từ âm đạo của một bé gái 4 tuổi. Trước đó một tuần, bé đã tự nhét miếng bông lau bảng vào vùng kín do ngứa. Sau đó vùng âm hộ chảy dịch vàng, mẹ bé phát hiện và đưa đi khám. Miếng bông lấy ra có kích thước khoảng 3x3cm, kết dính lại thành một khối và chưa gây tổn hại trầm trọng gì ở vùng kín của bé.
Bác sĩ Phan Tấn Đức, người trực tiếp phẫu thuật cho bé, cho biết: “May mắn dị vật là miếng bông xốp, mềm, nếu là vật cứng hơn thì khả năng gây thương tổn bộ phận sinh dục bé là rất cao, ngoài ra còn vấn đề nhiễm trùng sau đó”. Theo bác sĩ Đức, có thể bé bị viêm vùng âm hộ gây ngứa nhưng người trong gia đình không biết, chưa đưa bé đi khám. Bản thân bé lại quá nhỏ không biết làm sao cho hết ngứa nên mới đưa dị vật vào sâu trong bộ phận sinh dục. Dị vật ở trẻ em rất đa dạng và khó lường trước, nhất là các bé gái còn vấn đề tế nhị ở vùng kín, các bậc cha mẹ nên chú ý, đưa đi khám khi bé than đau, than ngứa, không nên coi thường.
2. Ngày 23-12-2010, bé L.K.Đ (9 tháng tuổi) được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì nuốt kim băng. Buổi sáng cùng ngày, trong lúc mẹ thay quần áo cho bé, sơ ý để chiếc kim băng đã mở ghim trên nệm cạnh chỗ bé nằm. Bé lấy cầm chơi rồi nuốt vào bụng. Đến lúc tìm không thấy chiếc kim băng, bà mẹ nghĩ là con đã nuốt và vội móc họng con để gây ói nhưng không được nên đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện. Khám bệnh các bác sĩ không ghi nhận triệu chứng gì lạ. Chụp phim X quang bụng kiểm tra mới phát hiện có một chiếc kim băng đang nằm ở bụng, trong dạ dày của bé. Chiếc kim băng này đang mở bung và có mũi nhọn hướng lên phía trên. May mắn là đã không cắm vướng vào dạ dày hay ruột của bé nên nằm viện điều trị được một ngày thì bé đi tiêu ra phân có lẫn chiếc kim băng, chụp phim kiểm tra sau đó cũng không còn thấy dị vật trong bụng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa – Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh lưu ý đảm bảo an toàn cho trẻ ngay tại nhà. Không ghim kim băng trên gối nệm, cũng không để cạnh trẻ để tránh trẻ lấy chơi nuốt phải. Nếu chẳng may phát hiện trẻ nuốt phải vật sắc nhọn, không móc họng gây ói mà nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được điều trị thích hợp kịp thời”.
3. Ngày 17-10-2010, em Ng.L.T (12 tháng tuổi), nhà ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được mẹ đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang khám bệnh vì bà thấy mắt trái của con có màu trắng ở giữa tròng đen. Bà mẹ cho biết cách nay ba tháng, chị cho T. ngồi trên xe đi để em tập đi. T. lấy tay nghịch phá các món đồ chơi bằng gỗ sơn đủ màu sắc treo ở trước xe, trong đó có một món hình vuông, bé giật quá mạnh nên bị nó đập vào mắt. Mắt bầm tím, T. la khóc suốt đêm không ngủ. Bà mẹ nghĩ đơn giản chỉ là bầm dập ở bên ngoài con mắt nên mua thuốc giảm đau về cho con uống. Rồi con mắt ấy cũng lành, nhưng ba tháng sau thì bà phát hiện bé hay nhìn nghiêng, nheo nheo con mắt trái. Bà coi kỹ mới phát hiện con không thấy đường khi che con mắt kia lại.
Bác sĩ khám và chẩn đoán là bé bị đục thủy tinh thể hay gọi là cườm đá. Đây có thể là biến chứng sau chấn thương vào mắt, bệnh này mổ xong có thể thấy rõ bình thường. Theo đó, bé được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt để điều trị. “Đây là một trường hợp chấn thương mắt do đồ chơi có cạnh tù hoặc sắc nhọn đập vào mắt. Phụ huynh cần lưu ý, hiện nay có nhiều đồ chơi bạo lực gây tổn thương mắt ở trẻ em như súng bắn đạn cao su, kiếm, ná thun, súng ánh sáng laser có thể gây tổn thương mắt như thủng, vỡ nhãn cầu…”, bác sĩ Nguyễn Thành Úc – Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)