Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tai nạn, thương tích mùa hè: SOS!

Tạp Chí Giáo Dục

Ng.K.H. bị ong đốt

TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng I cho biết: “Hàng năm, BV Nhi đồng I tiếp nhận và điều trị cho khoảng 40 trường hợp bị rắn cắn, 50 trường hợp bị ong đốt, 30 trường hợp bị ngạt nước. Phần lớn các tai nạn này xảy ra vào dịp hè…”. Vậy làm sao để phòng tránh tai nạn, thương tích mùa hè?
Suýt mất mạng vì rắn cắn
Từ khi được nghỉ hè, ngày nào Ng.Đ.H. (nam, 9 tuổi) ngụ ở Tân Phú, Đồng Nai cũng leo cây ổi để hái quả. Ngày 28-5-2008, H. vừa leo lên cây thì bị một con rắn lục đuôi đỏ cắn 2 miếng ở cẳng tay phải. Sau khi bị rắn cắn, vết thương sưng to, đau nhức nên H. được gia đình đưa tới BV huyện Tân Phú sơ cứu rồi chuyển lên BV Nhi đồng II. Lúc này, cẳng tay phải của H. đã sưng to bầm máu và lan dần lên cánh tay, cổ và ngực phải, toàn thân đau nhức, rất khó cử động. Nguy hiểm hơn là chức năng đông máu bị rối loạn nặng. Ngay lập tức H. được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc biệt. Vài ngày sau, sức khỏe của H. mới ổn định…
Ngày 30-7-2008, BV Nhi đồng I tiếp nhận trường hợp Ng.Th.T. (nam, 14 tuổi) ngụ tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai bị rắn cắn. Trước đó, khoảng 6 giờ sáng, T. đi hái măng trong rừng thì bị một con rắn chàm quạp cắn ở bàn và cẳng chân trái. Sau đó, T. được gia đình đưa tới BV Đồng Nai rồi chuyển lên BV Nhi đồng I. Tại đây, ghi nhận T. lừ đừ, vết thương ở mu bàn chân và cẳng chân trái sưng to lan lên đùi trái, bóng nước hoại tử. Sau 2 lần được truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng sức khỏe của T. đã khá lên…
Hái dừa bị ong tấn công
Đó là trường hợp em Tr.Ph.H. (nam, 12 tuổi) ở Mỹ Tú, Sóc Trăng. Chiều 29-5-2008, H. leo lên cây dừa để hái quả thì bị ong vò vẽ làm tổ trên cây tấn công. Bầy ong đua nhau đốt vào đầu, mặt, tay và cổ của H. với tổng cộng 26 vết thương. Mặc dù rất đau nhưng H. vẫn cố gắng chịu đựng để tuột xuống nhưng chưa tới đất thì té nhào. Cũng may người cậu thấy và đỡ kịp nếu không ngoài những vết đốt của ong, H. có thể bị đập đầu xuống đất, gãy chân, gãy tay. Sau khi bị ong đốt, H. lơ mơ nói sảng, đầu và mặt thì sưng vù. Khi được chuyển tới BV Nhi đồng I, các bác sĩ ghi nhận em có biểu hiện tổn thương gan thận, nếu không được cứu chữa kịp có thể dẫn đến suy thận cấp. Ngay lập tức, H. được truyền dịch để thải độc tố ong đốt ra ngoài… Gần một tuần sau, H. mới khỏi và được xuất viện.
Cuối tháng 7-2008, BV Nhi đồng II cũng cứu sống một trường hợp bị ong vò vẽ đốt là Ng.K.H. (nam, 4 tuổi) ở Đồng Phú, Bình Phước. Bé cùng anh ra vườn hái vú sữa, người anh ném đá chọc phá tổ ong, ong bay ra tấn công. Người anh nhanh chân bỏ chạy, em chạy không kịp nên bị ong đốt 45 nốt khắp người, nhiều nhất là đầu và cổ.
Ngoài những tai nạn do rắn cắn, ong đốt, mùa hè các em còn gặp những tai nạn khác như chết đuối, điện giật, tai nạn giao thông… Đặc biệt, có không ít trường hợp bị tai nạn do ăn phải củ độc. Đó là trường hợp của hai anh em bé L.V.L. (11 tuổi) và L.P.P. (7 tuổi) nhà ở Q.12, TP.HCM. Ngày 20-8-2008, hai anh em bé L. ra vườn chơi và đào được một củ bán hạ. Nghĩ là ăn được nên hai anh em đã cắn ăn, ăn xong liền bị sưng phù ở vùng môi, miệng, lưỡi và bị á khẩu…
Những biện pháp sơ cứu khi gặp tai nạn
Qua những vụ tai nạn trên, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn trong dịp hè. Tránh để trẻ leo cây hái quả, tránh để trẻ chơi đùa ở những nơi có bụi rậm…
Đặc biệt, khi tai nạn xảy ra cần biết cách xử lý đúng và kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trên thực tế, có không ít phụ huynh đã có những cách xử lý sai khi trẻ bị rắn cắn. Chẳng hạn như buộc garô, làm như vậy có thể gây hoại tử chi; cắt lễ, rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc; đắp các loại lá cây không rõ tên lên vết thương sẽ gây nhiễm trùng.
BS Nguyễn Thị Kim Thoa – BV Nhi đồng I khuyến cáo: “Khi trẻ vô ý ăn phải những củ độc, phải nhanh chóng rửa miệng cho trẻ, kêu trẻ súc miệng với nhiều nước để làm sạch độc chất, sau đó đưa vào BV gần nhất. Nếu trẻ có thể nuốt được thì cho uống nước lạnh, nước đá hay sữa, ngậm kem để làm dịu niêm mạc miệng, giảm nhẹ triệu trứng sưng, tê cay miệng. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nặng như than mệt, bị sưng nhiều ở vùng lưỡi họng hay có triệu chứng khó thở phải được cấp cứu ngay”…
Minh Thùy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)