Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tai nạn từ… miệng

Tạp Chí Giáo Dục

Các BS đang lấy dị vật từ miệng của trẻ. Ảnh: T.L

Hầu hết trẻ nhỏ đều có sở thích bỏ đồ chơi hay bất kỳ thứ gì nhặt được vào miệng. Vì thế, đã có rất nhiều trường hợp phải nhập viện vì thói quen này…
1.Đầu tháng 4 vừa qua, bé Ng.D. K. (3 tuổi) nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 do ho khò khè kéo dài cả tháng. Mẹ bé cho biết, một tháng trước đó, trong lúc đang chơi với cây kèn nhựa, bé đột ngột bị ho sặc sụa nhưng không tím tái. Khi kiểm tra cây kèn thì phát hiện bị mất một mẩu nhỏ ở đầu kèn. Sau đó, bé được nội soi phế quản. Kết quả đã gắp ra một mẩu nhựa trắng hình ống ở đường thở của bé. Đây là bộ phận thường được gắn ở phía trong đầu kèn nhằm tạo âm thanh khi thổi.
BS. Bùi Nguyễn Đoan Thư – Khoa Hô hấp chuyên sâu khuyến cáo: “Đối với trẻ nhỏ, đồ chơi nhiều màu sắc là một yếu tố thu hút các bé ngậm hoặc bỏ vào miệng, thậm chí là cắn đồ chơi thành nhiều mảnh vụn. Tuy nhiên, đừng vì thế mà cấm không cho chơi đồ chơi, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Các bậc cha mẹ nên cố gắng cùng chơi chung với trẻ”.
2.Cũng trong tháng 4, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận bé C.N (5 tuổi) được gia đình đưa đến khám vì có một khối to ở bụng, thường xuyên mệt mỏi, sút cân, kém ăn, hay ọc ói, chỉ ăn được thức ăn loãng và uống sữa.
Qua thăm khám lâm sàng, các BS nghi ngờ đây là một trường hợp dị vật trong lòng dạ dày do ăn tóc. Bé đã được nội soi và đúng như chẩn đoán có tóc trong dạ dày của bé. Đó là búi tóc to, chiếm gần hết 1/3 dạ dày của bé. Do búi tóc quá lớn không thể lấy qua nội soi nên bé được mổ hở, xẻ dạ dày và lấy ra một búi tóc nặng khoảng 200g.
BS. Nguyễn Minh Ngọc – Phó khoa Tiêu hóa, cho biết: “Các trường hợp ăn tóc như vậy Khoa Tiêu hóa cũng hay gặp nhưng nhiều như trường hợp này thì khá hiếm. Các trường hợp ăn tóc, ngoài việc có thể liên quan đến một bệnh về tâm thần khá hiếm gặp gọi là trichotillomania (chứng giật tóc) thường xảy ra ở bé gái thì phần lớn việc “ăn tóc” là một biểu hiện của sự cô đơn nơi trẻ nhỏ thiếu sự quan tâm chăm sóc nơi người lớn. Qua trường hợp này, các bậc cha mẹ nên quan tâm và chú ý các biểu hiện lạ nơi con cái để có hướng xử trí thích hợp”.
3.Ngày 13-4, Khoa Tai mũi họng – Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận bé Ng.Ng.Ph.A (16 tháng tuổi), trong tình trạng bứt rứt, quấy khóc, miệng nhiều đàm nhớt. Trước đó, trong lúc ba bé đang gắn sim điện thoại mới vào máy, bé đã lấy phần còn lại của thẻ sim card bỏ vào miệng nuốt. Hậu quả là bé bị ho sặc sụa, tím tái, ói ra một phần mảnh sim card. Mặc dù bé đã hết khó thở nhưng vẫn khó chịu, không uống được nước, miệng nhiều nước bọt, khó nuốt. Người nhà vội đưa bé nhập viện. Chụp X quang phát hiện một đoạn sim card hình chữ U nằm ở 1/3 trên thực quản. Ngay lập tức các BS nội soi gắp dị vật ra.
“Khi phát hiện trẻ (dưới 2 tuổi) hóc dị vật đường thở cần xử trí như sau: Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, la được, nói được: Nên đặt ở tư thế ngồi thở, hoặc mẹ bồng giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện hoặc BS tai mũi họng để khám và gắp dị vật ra. Nếu trẻ tím tái, không thở, không khóc hoặc khóc yếu phải nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật vỗ lưng ấn ngực (bằng cách: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở dùng 2 ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở”, BS. Nguyễn Minh Tiến khuyên.
Kim Anh

Bình luận (0)