Vì cái lợi trước mắt, không ít người chuốc họa vào thân khi sử dụng sạc điện thoại, laptop… hàng chợ giá bèo dễ chập mạch, rò rỉ điện gây giật, cháy nổ.
Từ nông thôn đến thành thị, liên tục nhiều vụ cháy nổ điện thoại gây tai nạn thương tâm không chỉ với người lớn mà trẻ em cũng là nạn nhân. Thói quen sử dụng điện thoại chơi game, lướt web khi đang sạc pin đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Chất lượng thả nổi
Không khó tìm mua một chiếc sạc máy tính hay sạc dự phòng điện thoại với giá rẻ như cho ở bất kỳ nơi đâu, từ vỉa hè, chợ và cả ở cửa hàng tạp hóa. Người tiêu dùng thật khó mà biết được đâu là hàng thật, hàng nhái, hàng kém chất lượng trước những chiếc sạc mang thương hiệu của nhà sản xuất nổi tiếng. Nguyên nhân cháy nổ pin, sạc trong thời gian gần đây, theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Thanh (Công ty Cơ điện, điện tử – Thương mại Quốc tế MEC) là do các mối hàn liên kết giữa các vi mạch chấm sơ sài, rất dễ chập mạch khi sạc nóng lên, đây là nguyên nhân chính gây cháy nổ.
Thực tế lâu nay, mặt hàng phụ kiện điện tử bày bán khắp nơi nhưng không được cơ quan nào quản lý về nguồn gốc, chất lượng cũng như an toàn cháy nổ. Anh Nguyễn Văn Hào (chủ cửa hàng điện tử chợ điện tử Nhật Tảo, TP.HCM) cho biết, hầu hết phụ kiện bán ở chợ đều là hàng Trung Quốc, giá chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 hàng của các thương hiệu có uy tín. Bên cạnh chiếc sạc nhái thương hiệu, trên thị trường xuất hiện nhiều phụ kiện không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác được bán với giá chỉ từ 10.000 đồng trở lên.
Sạc giá bèo bán ở chợ điện tử Nhật Tảo (TP.HCM) không được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng |
Tâm lý khách hàng luôn chọn mua chiếc sạc có bảo hành (từ 3 tháng trở lên). Tuy nhiên, theo anh Hào, với những chiếc sạc mua lề đường, bảo hành lên đến 12 năm cũng không quan trọng. Muốn bán được hàng, người bán có thể ghi vào phiếu bảo hành bao nhiêu tháng cũng được, bởi: “Cục sạc có 15.000-25.000 đồng, sạc dự phòng giá rẻ từ 50.000-75.000 đồng thì ai đâu bỏ thời gian tới lui để được bảo hành…”.
Thời gian gần đây, xu hướng người sử dụng điện thoại tích hợp với nhiều tính năng tăng mạnh. Loại điện thoại này lượng pin tiêu thụ rất lớn nên nhu cầu sử dụng pin dự phòng là cần thiết. Mặc dù được ghi trên sản phẩm là của những thương hiệu điện tử nổi tiếng trên thế giới nhưng chất lượng thả nổi, không ai kiểm soát. Ông Thanh cho rằng: Với chiếc sạc trôi nổi, thường thì thông số ghi trên sản phẩm một đường nhưng chất lượng một nẻo, không thể tin được.
Tai nạn gần đây nhất liên quan đến việc sử dụng điện thoại khi đang sạc pin xảy ra đối với em Lê Minh Thông (sinh 2002, quê Quảng Ngãi, tạm trú cùng cha mẹ tại P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM). Ngày 19-10, Thông sang nhà người chú chơi và tại đây, em chơi game trên chiếc điện thoại đang sạc. Nguồn điện từ sạc bị hở khiến em bị giật. Thông tử vong trước khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Q.Bình Tân.
Mặc dù biết là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn không ngần ngại mua sạc giá rẻ sử dụng và xảy ra tai nạn thương tâm trong thời gian qua.
Sử dụng sạc an toàn
Tai nạn khi sử dụng điện thoại đang sạc đã được cảnh báo tuy nhiên nhiều người vẫn còn thờ ơ, đặc biệt là trẻ em. Ông Thanh cảnh báo: Mồ hôi tay, trên tai, má (nơi điện thoại tiếp xúc trực tiếp) là môi trường dẫn điện gây chết người. Trẻ con cầm điện thoại, smartphone chơi game hàng giờ làm máy nóng lên, gây cháy nổ. Sự việc sẽ tồi tệ hơn nếu sử dụng điện thoại chơi game ngay khi đang sạc. Một nguyên nhân gây chập mạch, nổ pin, cháy sạc điện thoại phổ biến nữa mà người sử dụng ít để ý đến, đó là sạc pin trong thời điểm chuyển giao giữa ngày và đêm, đây là thời điểm nguồn điện không ổn định.
Ông Thanh khẳng định, ngoài những nguyên nhân gây cháy nổ thông thường nêu trên còn xảy ra đối với các thiết bị điện tử bị ẩm ướt (điện thoại, máy tính để lâu không sử dụng đem ra sạc), thời gian sạc pin quá lâu khiến pin nóng, cắm sạc trực tiếp vào thiết bị trong khi điện áp không ổn định gây chập điện…
Nhiều người tự tin rằng mình đang sử dụng sạc chính hãng, không phải lo lắng về cháy nổ. Tuy nhiên, thực tế tai nạn đã xảy ra đối với sạc chính hãng khi sử dụng không đúng cách. Ông Thanh lưu ý, hiện nay trên thị trường đã có những thiết bị điện tử, công nghệ thông minh, có thể tự động ngắt dòng điện khi gặp sự cố để đề phòng tai nạn với người sử dụng. Chiếc sạc tốt nhưng có hạn sử dụng của nó, nên thay thế để tránh hiện tượng rò rỉ điện khi đã sử dụng trong một thời gian dài theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Nhà sản xuất, chuyên gia kỹ thuật cũng đã cảnh báo tai nạn khi vừa sử dụng thiết bị điện tử vừa nạp điện. Biện pháp tự bảo vệ mình và con trẻ trước hết tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc với dòng điện mạnh (220V).
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)