Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tài nguyên đất ở Tây Nguyên ngày càng bị thoái hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cảnh báo tài nguyên đất ở Tây Nguyên ngày càng bị thoái hóa nghiêm trọng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm về chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp cùng với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), giáo sư Lê Huy Bá cho biết Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên trên 5,4 triệu ha và cũng là vùng có diện tích đất đang sử dụng chiếm tỷ lệ cao (81,5%), đứng thứ 4 trong 7 vùng ở Việt Nam.

Đất canh tác nông nghiệp bị khô cằn ở Đắk Lắk. (Nguồn: TTXVN)

Địa hình đất Tây Nguyên là một phức hợp núi, cao nguyên, trũng giữa và đồng bằng. Tài nguyên đất ở Tây Nguyên khá đa dạng, đặc biệt có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan với hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân, kali…cao, cho phép phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày như càphê, hồ tiêu, cao su, điều, chè, dâu tằm, cây ăn quả.

Tuy nhiên, trong thời gian qua do việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp diễn ra quá mạnh, tràn lan, cộng với các cấp chính quyền buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng nên làm cho diện tích rừng, đất rừng ngày càng thu hẹp. Mặt khác, do canh tác không khoa học, không hợp lý nên làm cho thảm thực vật (tấm áo bảo vệ mặt đất) bị lột đi nhanh chóng kéo theo tình trạng xói mòn, rửa trôi đất ở Tây Nguyên ngày càng nhiều.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk, ở độ dốc từ 5 đến 8 độ, với lượng mưa hàng năm 1.905mm, trên 1ha nương rẫy, lượng đất bị rửa trôi lên đến 95,1 tấn/năm, trên đất trồng ngô là 105,7 tấn, trên đất trồng càphê có 2 năm tuổi 69,2 tấn…gấp rất nhiều lần so với nơi có rừng (rừng tái sinh 12 tấn, rừng nguyên sinh chỉ có dưới 6 tấn).

Cũng theo các nhà khoa học, qua tổng kết nhiều điểm quan trắc trên các độ dốc và các vùng đất khác nhau ở khu vực Tây Nguyên cũng cho thấy lượng chất dinh dưỡng trung bình hàng năm trên 1 ha đất sản xuất bị cuốn trôi rất lớn. Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm đất Tây Nguyên bị tụt trôi xuống sông Mekong và sau đó bị đẩy ra biển Đông lên đến hàng trăm triệu tấn và kèm theo với đất là hàng vạn tấn màu mỡ, chất hữu­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­ cơ khác….

Ngoài ra, độ che phủ rừng ở Tây Nguyên ngày bị suy giảm đã làm cho lượng nước ngầm trong đất cũng bị suy kiệt , độ ẩm của đất giảm, các vi sinh vật trong đất mất theo. Đây cũng là lý do khiến cho đất canh tác nhanh bạc màu, xói mòn. Thậm chí, nhiều nơi ở khu vực Tây Nguyên đã có biểu hiện của sự sa mạc hóa, hạn hán quanh năm, cây trồng bị khô cằn không phát triển.

Các nhà khoa học đã đề xuất các tỉnh Tây Nguyên cần hạn chế việc chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác, tăng cường đầu tư trồng mới rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Các tỉnh Tây Nguyên cũng bố trí lại cơ cấu cây trồng hợp lý, canh tác khoa học, nhất là hạn chế việc phát triển cây càphê, đồng thời thực hiện việc đa dạng hoá cây trồng trong các vườn càphê để giữ vững cân bằng sinh thái, hạn chế tài nguyên đất bị rửa trôi, thoái hóa góp phần tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển kinh tế, xã hội bền vững./.

Quang Huy (TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)