Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Tái phát “bệnh” chán tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều cầu thủ khước từ vinh dự khoác áo đội tuyển quốc gia khiến HLV Calisto buồn lòng và thất vọng.
HLV Calisto gọi tập trung 27 tuyển thủ nhưng ở buổi tập sáng qua, chỉ có 20 cầu thủ trên sân tập. Ngay trong ngày đầu tiên tập trung đội tuyển, hai cầu thủ đã khước từ vinh dự khoác áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG) khiến ông Calisto buồn lòng và thất vọng.
HLV Calisto đã đồng ý để Đức Dương (XM.Hải Phòng) và Được Em (CS.Đồng Tháp) được rời khỏi đội tuyển. Ông từ chối bình luận về lý do “xin về vì bận việc gia đình” mà hai cầu thủ này đưa ra nhưng ông không giấu được sự thất vọng vì hành động “ra đi đầu không ngoảnh lại” của một số người mà ông tin tưởng.

Được Em mang đơn xin rút khỏi đội tuyển VN vào cuối buổi tập sáng 8-9.

Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung nói: “Khi cầu thủ đưa ra lý do như vậy thì cũng rất khó cho chúng tôi. Nếu không cho họ về cũng đồng nghĩa làm khó dễ cho tuyển thủ. Hơn nữa, họ đã muốn đi thì chỉ giữ cái xác mà không giữ được cái hồn cũng chẳng để làm gì”. Rõ ràng Được Em và Đức Dương đều có những nỗi khổ riêng nhưng khó ai có thể chấp nhận việc một người lính chưa ra trận đã “đào ngũ”. Hành động trả lại áo ĐTQG của các cầu thủ đều rất kiên quyết, không chút ngại ngần khiến người ta buộc phải đặt ra câu hỏi: “Liệu việc gia đình có quan trọng đến mức phải từ chối nhiệm vụ quốc gia?”.
Nếu như lý do Được Em xin về là vì “vợ bệnh” còn có thể tạm chấp nhận thì việc Đức Dương chỉ bắn tin lên tuyển là “bận việc nhà” là khá vô trách nhiệm. Thực chất, Đức Dương, sau một thời gian chơi bóng và nhận khoản tiền lót tay khá lớn từ XM.Hải Phòng, đang muốn tìm mua một ngôi nhà để an cư lạc nghiệp.
Biểu hiện chán đội tuyển đã từng bị dư luận lên án nhiều lần. Những lý do các cầu thủ đưa ra đều mập mờ, đôi khi vô lý. Cầu thủ VN bây giờ không thiếu tiền, họ không phải lo nghĩ về chuyện lên tuyển để kiếm thu nhập hoặc đánh bóng tên tuổi. Miếng cơm manh áo của họ là ở CLB nên nhiều cầu thủ muốn giữ chân để không mất chỗ đứng ở đội chủ quản, nơi đem lại cho họ nguồn thu nhập chủ yếu.
Dù suy nghĩ của cầu thủ VN bây giờ đã thực dụng hơn nhưng nhiều bài học nhãn tiền cho thấy với ĐTQG, nếu tuyển thủ còn mang tư tưởng thực dụng “được gì – mất gì” thì người đó sẽ phải hối tiếc. Trung vệ Huy Hoàng, trước đây một mực từ chối chơi cho ĐTQG, có lẽ là người hơn ai hết hiểu được sự tiếc nuối khi bỏ lỡ cơ hội cùng đồng đội đứng trên đỉnh cao Đông Nam Á năm 2008. Năm 2008, vì lý do vợ sinh, thủ thành Thế Anh cũng xin về để rồi sau này, Thế Anh không còn cơ hội trở lại ĐTQG nữa.
Dù đều đồng ý để các cầu thủ có nguyện vọng “rời tuyển” ra đi nhưng HLV Calisto vẫn cảm thấy buồn lòng vì tinh thần của những người mà ông trao cả cơ hội lẫn niềm tin cho họ. Hồi Dương Hồng Sơn báo đánh mất hộ chiếu để khỏi phải cùng đội VN sang Trung Đông, ông Calisto chỉ nói với học trò của mình rằng: “Khoác áo ĐTQG là một vinh dự thiêng liêng. Cậu nên nhớ điều đó”.
Mạnh Duy (theo NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)