Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tài sản của một người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đọc sách - công việc hằng ngày của thầy giáo Trương Tham - Ảnh: L.H.LươngAi đó đã nói: “Chỗ đứng của người thầy là trong lòng học sinh”. Và với niềm yêu họ dành cho ông bằng cả ngàn lá thư ông cất giữ cẩn thận trong ngôi nhà yên tĩnh với vài đóa phù dung, đôi chút quỳnh hương, dạ lan, ông thật sự giàu có. Ông, thầy Trương Tham.

Có thể nói vậy về nhà giáo ưu tú Trương Tham (nguyên giáo viên dạy văn Trường THPT Trưng Vương, TP Quy Nhơn, Bình Định). Với hơn 40 năm đứng lớp, nhiều học trò của ông giờ là giáo sư, tiến sĩ, cán bộ đầu ngành, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo… Nhưng ngay cả những học trò thành danh, những học trò là công nhân, cày ruộng hoặc cầm súng đánh giặc rồi mãi mãi không về…, ít ai biết thầy đến với nghề dạy học không hề là tự nguyện lựa chọn nghề “trồng người” cao quý.

Nghề chọn người

Mơ mái trường tổng hợp lại phải đi sư phạm, học giỏi toán lại phải học văn, tất cả đều từ quyết định của người cha, một tú tài Pháp tham gia cách mạng, tập kết rồi trở về Nam chiến đấu, hi sinh. Trước ngày về Nam, hai cha con đi dạo trên đường Hà Nội, ông nghe cha đọc những bài thơ tiếng Pháp rồi dịch cho nghe. Người cha bảo rằng mai này đất nước thống nhất, các môn xã hội, nhất là môn văn, cần những người như con đứng lớp!

Vậy nên cha ông đã chọn cho ông học Sư phạm Vinh, ngành văn. Chọn Vinh vì lúc này tập trung nhiều thầy giỏi, còn văn là môn học cần cho tương lai: người cha chu đáo của ông đã gửi lại con kỳ vọng và cũng là số phận. Và ông đã đi trọn con đường…

Chuyện nghề

Cha như đã kể, mẹ cũng con nhà đỗ đạt, cậu học sinh của tổng Kim Sơn, Hoài Ân, Bình Định tập kết ra học Trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng rồi Hà Đông không mấy hứng thú học hành. Điểm học cứ làng nhàng 3, khá lắm cũng chỉ được 4 (thời này theo thang điểm 5). Cho tới khi lớp được học thầy Tô Thế Huyên, người Nghệ An, dạy toán. Buổi đầu thầy không dạy mà dành trọn cho việc thầy trò hiểu nhau. Thầy, sau khi tự giới thiệu mình, đã gọi tên từng học sinh đứng lên để làm quen.

Thật lạ lùng, mấy chục học sinh, người tỉnh thành nào ở miền Nam, khi xưng danh và địa chỉ, thầy cũng nói vanh vách vùng miền ấy những đặc điểm riêng về địa danh, sản vật hay văn hóa lịch sử. Nỗi nhớ quê và niềm kính phục thầy Huyên đã làm cả lớp lập tức có một không khí học hành khác hẳn trước đó.

Ông, từ một cậu học trò làng nhàng lơ đễnh chuyện học đã thật sự chuyên tâm và vượt lên thành giỏi nhất môn toán. Cách dạy của thầy Huyên ngoài cung cấp kiến thức căn bản còn gợi những suy tư, những kỹ năng tổng hợp. Tất nhiên sau này ở Đại học Sư phạm Vinh ông còn được học những thầy giỏi như Phùng Văn Tửu, Nguyễn Đăng Mạnh… Nhưng có lẽ người thầy để lại dấu ấn sâu đậm nhất vẫn là thầy Huyên của ngôi trường lợp lá gồi ở Hà Đông, bên ngoài là những hàng bông giấy rực lên trong nắng mơ màng.

Năm 1975, ông về lại quê hương Bình Định, hành lý mang theo là cả chục cuốn sổ ghi chép cẩn thận những kinh nghiệm giảng dạy của đồng nghiệp giỏi sau mười năm dạy các trường ở Nam Định, “đất học” của miền Bắc bấy giờ.

Thầy giáo và nghệ sĩ

Với học trò, ngoài việc truyền đạt những kiến thức và kỹ năng tốt nhất, ông còn rất quan tâm kích thích niềm đam mê, sự hưng phấn học văn. Với học sinh đến với giờ văn thầy Tham luôn tìm thấy những hứng thú. Nhiều học trò nhận xét ông là thầy giáo – nghệ sĩ. Không hẳn vì ngoài việc dạy học ông còn làm thơ, viết báo, viết sách về cảm luận văn chương mà bởi chính cách dạy, cách truyền cảm hứng cho học trò rất riêng của ông.

Ông bắt đầu bài giảng có khi bằng cách nêu một công thức hóa học và khẳng định: “Các em học thuộc thì chỉ nhớ đây là một công thức, nhưng có những vần thơ sẽ làm các em xúc động, chẳng hạn như…”. Những vần thơ này không phải là bài học hôm đó, ông chỉ gợi sự chú ý. Có lúc ông bắt đầu bằng việc kể lại ấn tượng lần đầu ăn cơm hến rất cay và ngon của Huế rồi bài học đến một cách tự nhiên cuốn hút… Truyền cảm hứng cho học trò là một phần sự thành công của tiết học, có khi mang ý nghĩa quyết định. Bài học từ người thầy dạy toán năm xưa đã được ông vận dụng rất giỏi suốt mấy chục năm đi dạy của mình.

“Thầy không chỉ dạy mà còn học từ học trò. Không kể những học sinh giỏi, ngay cả một bài làm của học sinh trung bình, đôi khi các em cũng có những phát hiện bất ngờ” – ông quan niệm. Có thể điều này nhiều thầy giáo cũng nghĩ như ông nhưng nói ra thành lời một cách chân thành như thế hẳn không mấy người.

Với ông, học, dù học thầy, đồng nghiệp, sách vở, cuộc sống hay từ học trò, cuối cùng cũng để cho việc làm thầy tốt hơn. Suốt cuộc đời dạy học, ông luôn kiên trì tìm trong những bài kiểm tra chất lượng đầu năm những dấu hiệu năng khiếu để chuyên tâm bồi dưỡng. Đến năm về hưu, 2003, ông còn kịp góp cho tỉnh gần chục danh hiệu học sinh giỏi văn.

Hai lần (năm 1978 và 1983) đoạt giải nhất cuộc thi “Đồ dùng dạy học” quốc gia, cùng thành tích từ giảng dạy, năm 1990 thầy Trương Tham được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Dù đã nghỉ hưu, năm năm qua ngày ngày ông vẫn đạp xe đến các trung tâm dạy luyện thi và tham gia các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh.

Ông luôn được mời vì năng lực, kinh nghiệm. Và ông cũng cần đi dạy vì nhớ không khí trường lớp, học trò. Hàng ngàn học trò của mình ai ông cũng yêu thương, nhưng ông dành tình cảm đặc biệt cho những học sinh hư hỏng biết nghe lời, học sinh giỏi và những người đi đánh giặc đã ngã xuống. Hằng tuần, thư từ, điện thoại khắp nơi trong nước, ngoài nước của những học trò thành đạt và không thành đạt thường xuyên đến với ông.

Ông nói mình chỉ biết dạy học, còn nhiều lĩnh vực không thể tới được: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, công nhân các ngành nghề, sĩ quan quân đội… đã có học trò góp sức.

LÊ HOÀI LƯƠNG (TTO)

 

Bình luận (0)