Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tại sao bác sĩ không mổ theo yêu cầu sản phụ?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo BS CKII Trần Ngọc Hải, phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), có 2 lý do chính để bác sĩ không mổ theo yêu cầu của sản phụ và người nhà.

Thứ nhất, Bộ Y tế Việt Nam không cho phép mổ theo yêu cầu của người nhà. Tất cả các nước đều như vậy. Chỉ được mổ theo chỉ định của y khoa, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho cả mẹ và con.

Tại sao bác sĩ không mổ theo yêu cầu sản phụ?

“Nhiều sản phụ chọn ngày, giờ "đẹp" để mổ sẽ dẫn đến tình hình không kiểm soát được. Người cần cấp cứu thì bác sĩ không mổ cấp cứu, mà bác sĩ lo mổ cho sản phụ đã hẹn giờ. Hoặc tới ngày, giờ “đẹp”, thì các sản phụ ùn ùn đi mổ làm quá tải cục bộ giả tạo”, bác sĩ Hải nói.

Thứ hai, giữa đẻ và mổ, không có cách nào tốt hơn cách nào. Vì nếu có cách tốt hơn thì cách kém sẽ bị triệt tiêu. Trên thực tế, cách của khoa học (mổ) là cách bổ sung cho cách đẻ tự nhiên.

Cách đẻ tự nhiên sẽ loại bỏ ngay những gì không hợp tự nhiên và cái giá phải trả là sinh mạng con người. Cách mổ ra đời để cứu những trường hợp mà đẻ thì sẽ chết, có khi chết cả hai mẹ con.

Ví dụ như em bé nằm ngang, nằm ngược, non tháng (em bé dưới 1,5 – 2kg mà sinh bằng được tự nhiên thì tỉ lệ tử vong rất cao). Hoặc mẹ bị u xơ chặn ngay “cửa ra vào” (u tiền đạo), thì đẻ tự nhiên sẽ khiến không chỉ con mất mạng mà cả mẹ cũng chết vì vỡ tử cung, cháy máu.

“Mổ thì rất nhanh, khoảng 30 – 40 phút, và bác sĩ sẽ rất “khỏe”, nhưng dễ để lại nhiều hậu quả, biến chứng trước mắt hay lâu dài cho sản phụ.

Thời gian đẻ trung bình cả ê kíp phải chờ 24 – 48 tiếng. Trong thời gian đó, cả ê kíp phải căng thẳng “trực chiến”, liên tục theo dõi tim thai, sức khỏe người mẹ và chia sẻ với người nhà.

Dù vất vả hơn như vậy, nhưng bác sĩ vẫn chọn đẻ cho thai phụ, vì đó là điều tốt nhất, tự nhiên nhất cho cả hai mẹ con. Và đó cũng là tính nhân bản của người bác sĩ”, bác sĩ Hải nói.

Theo bác sĩ Hải, khi sản phụ (và người nhà) đưa ra yêu cầu mổ, nghĩa là sản phụ đang cần sự chia sẻ, giúp đỡ hết sức cẩn trọng. Khi đó, bác sĩ cần hết sức lắng nghe, tư vấn, đặc biệt là chăm sóc tâm lý và chia sẻ thông tin đầy đủ cho sản phụ và gia đình. Nếu những mong muốn của người nhà mà phù hợp với chẩn đoán y khoa thì đó là điều tốt nhất.

Chưa đẻ, làm sao biết con to?

Theo bác sĩ Hải, trên thế giới có nhiều chuẩn để gọi là con to như trên 4kg, 4,2kg, 4,5kg… Vấn đề là làm sao bác sĩ biết chính xác được con trên 4kg? Trong thực tế, để ước lượng chính xác em bé còn trong bụng mẹ nặng bao nhiêu kg là rất khó.

Các bác sĩ dễ dàng ước lượng được cân nặng của em bé dưới 3kg, ước lượng khá chính xác em bé nặng bao nhiêu trong khoảng 3 – 4kg. Nhưng từ 4kg trở lên thì bác sĩ rất khó ước lượng, kể cả đó là bác sĩ đầy kinh nghiệm.

Cũng theo bác sĩ Hải, không phải cứ con to thì dễ xảy ra tai biến khi đẻ. Ngoài ra, cũng đã có nhiều trường hợp chỉ khoảng hơn 3kg nhưng vẫn xảy ra tai biến khi đẻ, như khi tư thế của em bé nằm ngang. Gặp trường hợp như vậy thì phải mổ.T

Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)