Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tại sao bảo hiểm y tế chưa thu hút người dân?

Tạp Chí Giáo Dục

S áng 23-1 (thứ bảy), tại bệnh viện Q.3, một bệnh nhân tỏ ra vô cùng bức xúc khi biết thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không có giá trị trong ngày thứ bảy, chủ nhật. Nguyên nhân là bệnh viện Q.3 không khám bệnh bằng thẻ BHYT vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Và đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều bệnh viện trong cả nước…
Anh Vũ (bệnh nhân kể trên) bức xúc: “Tháng nào tôi cũng bị trừ lương để đóng BHYT. Đóng mười mấy năm nay rồi, nay mới đi khám bệnh thì bệnh viện lại không khám BHYT vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Những ngày thường, tôi phải đi làm, chỉ ngày nghỉ mới có thời gian đi khám bệnh”. Bức xúc của anh Vũ cũng là bức xúc của rất nhiều người, nhất là những cán bộ, công chức – đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT.
Chị Thắm (Q.1) kể lại: “Mỗi lần tôi đi khám tại bệnh viện Q.1 cũng phải mất ít nhất là 1 buổi, thậm chí là cả ngày. Có lần chỉ đi đo thị lực cũng mất nguyên cả buổi sáng. Đã vậy, việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT chỉ áp dụng trong giờ hành chính nên muốn khám bệnh là phải nghỉ làm. Nếu không phải tháng nào lãnh lương cũng bị trừ 4,5% để đóng BHYT thì tôi đã đi khám dịch vụ rồi…”
Thậm chí ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn có sự phân biệt đối xử với người bệnh khám bằng thẻ BHYT và người bệnh khám dịch vụ. Trong khi người khám dịch vụ được tiếp đón, chăm sóc ân cần, được khám và điều trị trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và sạch sẽ thì ngược lại những bệnh nhân khám bằng thẻ BHYT bị đối xử khá “tệ”. 2 – 3 bệnh nhân phải nằm chung 1 giường, bị y tá, bác sĩ la rầy…
Bên cạnh đó việc chuyển tuyến khám chữa bệnh cũng rất khó khăn. Ông Lành (bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bình Dân) cho biết: “Tôi bị thận đã điều trị gần một năm nay tại bệnh viện tuyến dưới nhưng không khỏi, thậm chí ngày càng nặng hơn. Thế nhưng nói cách nào các bác sĩ ở đây cũng không cho chuyển tuyến. Bực mình, tôi tự bỏ tiền ra đi khám dịch vụ ở Bệnh viện Bình Dân. Bác sĩ đoán đúng bệnh, cho uống đúng thuốc nên chỉ hơn một tuần đã thấy bớt…”
Từ những lý do trên, người dân tỏ ra không mặn mà khi tham gia BHYT. Nếu có cũng chỉ là những người bị bắt buộc và người đã có sẵn bệnh…
Theo lộ trình của Luật BHYT đến năm 2014, 100% người dân phải tham gia BHYT. Với kiểu chăm sóc khách hàng như hiện nay, liệu người dân có thể vui vẻ móc tiền ra để đóng BHYT?
Mục đích của BHYT rất nhân văn – thu tiền của nhiều người để chăm sóc cho một số ít người. Theo đó việc 100% người tham gia BHYT là rất đáng hoan nghênh. Tuy vậy các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội cần phải có sự điều chỉnh trong việc chăm sóc khách hàng. Có như vậy mới thuyết phục người dân tham gia BHYT một cách tự nguyện và lộ trình 100% người dân tham gia BHYT vào năm 2014 mới khả thi…
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)