Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tại sao bạo lực cứ “leo thang”?

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, nạn bạo lực nơi trường học liên tục xảy ra. Nếu như mấy năm trước, đây là những câu chuyện của đối tượng học sinh thì nay lại là chuyện liên quan đến thầy cô và phụ huynh. Phụ huynh “thi gan” với giáo viên, nhà trường. Giáo viên “thi gan” với học sinh, nhà trường. Học sinh đối đầu với giáo viên. Và cuối cùng, dù là ai gây ra đi nữa nhưng người gánh hậu quả nặng nhất không ai khác ngoài con trẻ. 

Chúng tôi bắt đầu với câu chuyện về việc vị phụ huynh nọ bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi và người giáo viên kia cũng đã quỳ suốt 40 phút. Hành động của mỗi người ở cả hai phía ngay thời điểm đó là muốn xem ai sẽ thắng. Thực tế, họ đều thua. Trong khi trung tâm cần hướng tới là đứa trẻ. Em mong có được quan tâm, giáo dục trong môi trường gắn kết giữa gia đình và nhà trường. Câu chuyện thứ hai là giáo viên bắt học sinh tiểu học uống nước giặt giẻ lau bảng khi học sinh này phạm lỗi. Hành động quá nhẫn tâm của cô giáo khiến cho mọi người đều kinh khiếp. Câu chuyện tiếp nữa là sự việc thầy giáo bị học sinh đâm trọng thương trước cổng trường. Học sinh này là lớp trưởng, vốn dĩ ngoan hiền và có kết quả học tập tốt nhưng đã có hành vi bất thường với thầy giáo của mình… Người lớn càng “gồng mình” để dương oai hay chứng tỏ quyền lực thì những đứa trẻ càng phải gánh chịu nhiều hơn những trận hành hạ bạo lực. Nó không đơn thuần là vết thương thân xác có thể được làm lành mà còn là vết thương đau nhức tinh thần dài lâu trong tâm hồn con trẻ.

Những phụ huynh “quyền lực” liệu có luôn thỏa mãn, đắc ý khi biết được vết thương trong lòng của con mình vẫn âm ỉ. Thực sự họ cần được giúp đỡ để ý thức sâu sắc hơn về hậu quả hành vi của mình, để thay đổi lối ứng xử trong các mối quan hệ nhằm tạo môi trường cho con trẻ được phát triển toàn diện nhất. Đối với giáo viên “quyền lực”, có lẽ tự họ phải có sự lựa chọn cho chính bản thân mình. Bước tiếp với nghề hay dừng lại để chuyển đổi đều có những sự khó khăn nhất định. Tuy nhiên, họ buộc phải xác định để sớm quyết con đường đi đúng hơn, phù hợp hơn với cá nhân mình. Việc này không hoàn toàn chứng minh người giáo viên đã đúng hay sai khi lựa chọn ngành nghề sư phạm. Trong thực tế, cũng có những trường hợp giáo viên vì quá yêu nghề mà phải bỏ nghề. Họ buộc phải chọn dừng lại bởi khá nhiều những lý do khác nhau, trong đó cũng có trường hợp bản thân không thay đổi được để phù hợp yêu cầu nghề nghiệp.

Vừa là người trong nghề vừa là phụ huynh, cũng như rất nhiều người khác, chúng tôi luôn mong muốn môi trường giáo dục ngày càng trong hơn, sáng hơn, đẹp hơn. Người lớn cần hành xử sao cho con trẻ được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Con trẻ ngoan, học hành tốt, vui chơi khỏe cũng chính là niềm vui và điều hạnh phúc cho người làm cha làm mẹ và cả người làm nghề giáo. Còn như mọi người cứ “thi gan” với nhau thì liệu tình trạng bạo lực này đến bao giờ mới được giảm?

Trương Th Thúy Hng (Trưng ĐH Văn Hiến)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)