Thực tế, rất khó so sánh thành công của đội U.22 VN tại Merdeka Cup với những thất bại gần đây của đội tuyển quốc gia trong hàng loạt trận vừa qua. Thế nhưng, vẫn không khó nhận ra guồng máy U.22 đã vận hành tốt hơn.
1. Khác biệt lớn nhất mà bất cứ người hâm mộ nào cũng có thể cảm nhận được chính là phong cách cầm quân và thái độ đối với từng trận đấu, từng giải đấu của 2 HLV Calisto và Mai Đức Chung.
Vị HLV người Bồ Đào Nha khi dẫn dắt đội tuyển tại Cúp TP.HCM đã cho rằng, thất bại là do mới lắp ráp đội hình, chưa đúng điểm rơi, chấn thương của một loạt trụ cột, sai lầm của một số cá nhân ở hàng thủ, và đội hình đang trong thời gian thử nghiệm. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do ông đã sớm bày tỏ sự không mặn mà với giải đấu này, từ đó các tuyển thủ dựa vào đó để thi đấu cầm chừng, không quyết tâm, thậm chí không loại trừ hiện tượng giữ chân và chủ quan trong cách đá.
Ngược lại, ông Mai Đức Chung xác định rõ khi đã tham dự giải – dù là bất cứ giải nào – cũng phải đá cho đàng hoàng, chơi đúng với phong độ cao nhất của mình, có thua cũng phải trong thế ngẩng cao đầu, chứ không phải tham dự cho có. Bởi thế tinh thần tuyển thủ U.22 luôn được hâm nóng mỗi khi ra trận.
2. Mục tiêu của đội tuyển là AFF Cup, không ai phủ nhận. Nhưng không thể viện vào đó để cho rằng những giải tập huấn còn lại không quan trọng, không cần chú ý đến kết quả. Sai lầm của HLV Riedl năm rồi là do vắt sức tuyển thủ trên nhiều mặt trận, phải đá quá nhiều trận trong thời gian ngắn, thậm chí sát ngày dự SEA Games 24 còn bay mười mấy tiếng đến Qatar. Ở một thái cực khác, đội quân của HLV Calisto chỉ có 2 giải đấu là Cúp TP.HCM và T&T Cup để “báo công” với người xem. Thế mà đội tuyển lại xem mấy trận vừa rồi chỉ để thử nghiệm bằng quá nhiều xáo trộn, nhiều vị trí thay đổi xoành xoạch nên đội hình không có sự gắn kết cả công lẫn thủ, làm cho người xem cảm thấy chệch choạc từ trong đấu pháp. Trong khi đó, U.22 sớm hình thành bộ khung, các vị trí thi đấu ổn định. Sau trận đầu ở Merdeka Cup, ông Mai Đức Chung chỉ có một điều chỉnh ở vai trò hộ công khi kéo Thanh Bình xuống thử, sau đó khi cảm thấy chưa yên tâm thì lại đưa Quang Vinh vào (thay Tăng Tuấn), trả Thanh Bình lại tuyến đầu. Còn các sự thay thế khác ở hiệp 2 hay cuối trận chỉ nhằm dưỡng sức cho cầu thủ đá chính.
3. Từ lâu nhiều người đã xem Calisto là “phù thủy” do ông đọc trận đấu giỏi, nắm bắt ý đồ đối thủ rất nhanh, thay người hợp lý và có những liệu pháp tâm lý kịp thời. Nhưng quan sát mấy trận của đội tuyển vừa rồi, có cảm giác ông đã mất đi sự tự tin sau khi vừa bộc lộ việc xây dựng lối chơi theo hơi hướng của ĐTLA đã bị một vài trụ cột trong đội ngầm phản ứng. Từ đó Calisto xoay xở trong khó khăn, rơi vào thế đối phó như trận gặp Singapore vừa rồi và thiếu một cộng sự tinh thần giúp đỡ ông giải tỏa sức ép.
Ngược lại thuận lợi của ông Chung là có sự đoàn kết, thống nhất từ khâu chuẩn bị, cùng nhau phân tích và đánh giá sát sườn từng đối thủ, từng cách chơi… rồi đến việc nắm bắt tư tưởng của cầu thủ, nên U.22 vận hành tốt hơn.
Quang Tuyến
Ý kiến nhà chuyên môn
Ông Nguyễn Trọng Giáp – Phó phòng Các đội tuyển quốc gia và đào tạo trẻ LĐBĐ VN: U.22 có các cầu thủ trẻ xuất sắc nhất
Những trận thắng thuyết phục của U.22 quốc gia tại Merdeka Cup là kết quả của nhiều yếu tố. Thứ nhất, công tác chuẩn bị lực lượng rất chu đáo. Từ VCK giải U.21 Báo Thanh Niên, các cầu thủ xuất sắc nhất đã được chọn lọc hay nói một cách nôm na là đội U.22 đã “hớt” được lớp “váng sữa” tốt nhất trong toàn bộ số cầu thủ trẻ ở độ tuổi này. Chất lượng đã tốt lại được tập huấn ở Nam Kinh (Trung Quốc) trong một điều kiện rất thuận lợi nên không thành công mới là lạ.
BHL U.22 mà cụ thể là HLV Mai Đức Chung đã đề ra được một giáo án rất hợp lý. Đội U.22 đã được tập đúng! Đúng nghĩa là phù hợp với tình hình sức khỏe, trình độ của VĐV và phù hợp cả với những điều kiện khách quan. Đội không tập nhẹ, không tập nặng mà tập với khối lượng cao, mang tính chiến thuật cao. Một yếu tố rất quan trọng khác là tinh thần tập luyện của cầu thủ. Họ đã bộc lộ được chí tiến thủ và quyết tâm rất lớn.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển – Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia: Ý chí khát khao chiến thắng
Điều tôi cảm nhận rõ nhất ở đội U.22 VN chính là ý chí phấn đấu vươn lên và khát khao chiến thắng, muốn khẳng định mình. Tập thể BHL bao gồm ông Mai Đức Chung, ông Lê Thụy Hải và các cộng sự khác đã có sự nhất trí, đoàn kết, khiêm tốn và học hỏi. Ông Chung hiểu cầu thủ một cách thực tế, biết nhìn ra nhanh cầu thủ mạnh yếu điểm nào để sử dụng. Ông Chung còn đánh giá đúng đối thủ và không cần bất kỳ sự thử nghiệm nào vẫn thành công.
Ông Trần Văn Phúc – Ủy viên Hội đồng HLV quốc gia: Dùng người rất hợp lý
Trước trận gặp Mozambique, Mai Xuân Hợp có gọi điện từ Malaysia về cho tôi khoe “Bọn con đá máu lắm!”. Đấy, chỉ có chi tiết nhỏ thế thôi cũng toát lên tinh thần U.22 VN tốt thế nào. Các cầu thủ đá xả thân, chấp hành tốt giáo án HLV và đường nét, theo tôi có khi còn khá hơn cả đội lớn của ông Calisto. Tôi không chê đội lớn vì làm đội lớn rất khó nhưng có nhiều điều mà đội nhỏ đã làm tốt hơn. Ông Chung rất biết sử dụng người hợp lý. Mai Tiến Thành, không máu mê là bị dự bị ngay. Ngược lại Đình Tùng, học trò cũ của tôi chỉ cao 1,67m nhưng tố chất rất tốt, chạy 100m chỉ mất 11,5 giây trong khi các cầu thủ khác mất 12,5 giây, chơi rất nỗ lực nên được chọn là chính xác!
Lan Phương (theo thanhnien)
Bình luận (0)