Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tại sao các trường không thích tuyển sinh riêng?

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh vui mừng sau buổi thi trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012.   Ảnh: Anh Khôi

Dù đã được cho phép từ vài năm nay nhưng đến năm 2013, vẫn chưa có trường ĐH nào công bố tuyển sinh riêng ngoài 10 trường ĐH, CĐ thuộc khối văn hóa nghệ thuật.
Được trao nhưng không nhận, điều đó có thể thấy, công tác tuyển sinh không phải là “món dễ xơi” nên các trường không “khoái”.
Năm 2012, ĐH Quốc gia Hà Nội đã lên kế hoạch rất chi tiết về việc dự kiến sẽ tổ chức thi tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, năm nay, trường vẫn xin thi 3 chung như các trường khác. Xem ra, thi tuyển sinh không phải chỉ đơn giản là tổ chức thi mà nó còn nhiều vấn đề liên quan khác.
Đề thi: Khâu then chốt
Từ năm 2001, Bộ GD-ĐT tổ chức thi 2 chung: Chung đề, chung đợt. Đến năm 2004 thì bắt đầu thi 3 chung. Từ đó đến nay, đã gần 10 năm, 3 chung vẫn giữ ổn định dù ban đầu nó chưa được sự đánh giá cao của xã hội. Nhưng điều đầu tiên có thể nhận thấy khi thi 3 chung đó là những sai sót trong phần ra đề thi không còn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như khi các trường tự tổ chức ra đề. Các hiệu trưởng cũng thở phào vì mỗi đợt thi không phải nơm nớp lo đề thi có vấn đề gì không. Giả sử nếu có vấn đề thật thì cũng không phải trách nhiệm của mình mà là trách nhiệm của bộ. Việc tổ chức ra đề thi cũng rất phức tạp vì còn liên quan đến cả hội đồng, chọn ai, không chọn ai, ai là người ra đề, ra như thế nào, ai là người phản biện… Chính sự dích dắc nhiều công đoạn mà lại rủi ro cao nên các trường đều muốn tránh. Nhiều trường muốn thi riêng nhưng lại muốn nhờ Bộ GD-ĐT giúp cho phần ra đề.
Ông Lê Văn Một, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), khẳng định việc ra đề thi tuyển sinh không phải dễ, trường có nhiều khối thi, trong khi nhân lực còn hạn chế thì việc làm đề sẽ như thế nào? Cũng theo ông Một, những trường tốp trên như ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại thương đều “ngại” ra đề thi huống hồ là các trường tốp dưới.
Kết quả: Không chung ai chấp nhận
Hiệp hội Các trường ngoài công lập đang dự kiến sẽ xin Bộ GD-ĐT được tổ chức tuyển sinh riêng. Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Bộ chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định bộ sẵn sàng cho phép các trường tự tổ chức tuyển sinh nếu đáp ứng được các yêu cầu của bộ. Các yêu cầu đó gồm các điều kiện như: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, đội ngũ những người ra đề… Mặc dù vậy, quay trở lại 3 chung, có thể thấy hiện nay kết quả thi của thí sinh được tất cả các trường chấp nhận. Vậy nếu thi đề riêng, liệu thí sinh có cơ hội để tham gia xét tuyển trường khác nếu không đỗ nguyện vọng 1 trường tổ chức thi riêng? Đây là nỗi lo của nhiều trường muốn tổ chức thi riêng.
Hơn nữa, sau khi ra trường, thị trường lao động có thực sự chấp nhận tấm bằng đó của sinh viên? Vĩnh Phúc là tỉnh đã hai lần từ chối sinh viên tốt nghiệp các Trường ĐH Sư phạm Tây Bắc, ĐH Sư phạm Thái Nguyên thi tuyển công chức vào ngành sư phạm của tỉnh. Vì sao? Theo lý luận của các nhà quản lý tỉnh Vĩnh Phúc thì cùng đào tạo sư phạm nhưng điểm chuẩn đầu vào của những trường này thấp hơn nhiều so với ĐH Sư phạm Hà Nội. Như vậy, dù cùng đề thi nhưng điểm chuẩn đầu vào thấp hơn đã khiến các nhà sử dụng lao động ngần ngại. Nếu các trường ngoài công lập tự tổ chức ra đề thi riêng, liệu thị trường lao động có thực sự chấp nhận sản phẩm đào tạo của họ?
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, bộ sẽ tiếp tục giữ ổn định 3 chung đến năm 2015.
Nghiêm Huê
 
Tìm giải pháp cứu các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 1061 gửi Bộ GD-ĐT, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam về các kiến nghị của hiệp hội. Trước đó, ngày 17-1-2013, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến hệ thống các cơ sở giáo dục (GD) ĐH ngoài công lập. Trong đó có 3 kiến nghị chính là đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện ngay Luật GDĐH có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2013, trong đó có điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh. Bộ GD-ĐT chỉ cần tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn công việc tuyển sinh: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển sinh thì trao quyền tự chủ cho các trường, thực hiện theo đúng Luật GDĐH. Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình GDĐH ngoài công lập, tổng kết đánh giá việc thực hiện nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, nghị định 69/2009/NĐ-CP và các văn bản có liên quan, tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời cần tổ chức nghiên cứu những bài học thành công về phát triển GDĐH ngoài công lập của Hàn Quốc, Malaysia, Singapore để vận dụng sáng tạo. Thứ ba, hiệp hội xin được gặp và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng một số nội dung khẩn cấp khác liên quan vấn đề tồn tại, phát triển hay tan rã cả một hệ thống GDĐH ngoài công lập với bao công sức, tâm huyết gầy dựng hơn 20 năm qua, hiệp hội muốn được trực tiếp báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nhằm: Trước mắt là giải cứu hệ thống GDĐH ngoài công lập khỏi nguy cơ tan rã; sau là nhằm phát triển mạnh hệ thống này đồng thời thúc đẩy toàn bộ hệ thống GDĐH Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau: Giao Bộ GD-ĐT làm việc trực tiếp với Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam để trao đổi về các đề nghị của hiệp hội và thống nhất đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, báo cáo trước ngày 15-3-2013.
Nghiêm Huê
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)