Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Tại sao điện thoại Trung Quốc có giá rẻ bèo?

Tạp Chí Giáo Dục

Điện thoại Trung Quốc trong những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc, với thị phần người dùng không ngừng tăng. Nhưng có một sự thật đó là hầu hết người dùng đến với những dòng sản phẩm này bởi giá thành rẻ tới bất ngờ của chúng.
Đồ có xuất xứ Trung Quốc trước đây thường nhanh chóng bị dán mác "đồ Tàu" – để chỉ những mặt hàng có giá rẻ, chất lượng thấp và có thể dễ dàng. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, các sản phẩm Trung Quốc nói chung, hay đồ công nghệ nói riêng, đang bắt đầu có những bước chuyển mình, nhằm thoát khỏi những định kiến không mấy tốt đẹp của người tiêu dùng trên toàn thế giới về đất nước này.
Dễ thấy smartphone hay máy tính bảng Trung Quốc đang xâm lăng thế giới bằng chiến lược cấu hình cao nhưng mức giá lại rẻ "rẻ như bèo", gây hoang mang cho người tiêu dùng về chất lượng thực sự của chúng. Vậy đâu là sự thực giúp điện thoại Trung Quốc ngày một phát triển mạnh mẽ?
1. Tiền nhân công rẻ mạt

Một trong những lý do đầu tiên dẫn tới việc smartphone, hay các mặt hàng công nghệ tại Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu quốc tế, đó là vì chi phí lao động ở đây vô cùng rẻ mạt.
Điều này trên thực tế còn được các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Apple tận dụng, bằng cách sản xuất, lắp ráp sản phẩm hàng loạt tại Trung Quốc . Nhờ vậy, họ sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất.
Các hãng smartphone Trung Quốc bên cạnh đó, còn mang thêm lợi thế đó là có thể sản xuất smartphone ngay tại quê nhà nên chi phí thậm chí còn thấp hơn nữa. Đây là những lý do giúp họ có thể hạ giá smartphone xuống mức cực thấp.
2. Sử dụng linh kiện giá rẻ

Sử dụng linh kiện giá rẻ, kém chất lượng dẫn tới việc sản phẩm dễ dàng hỏng hóc – đây là lý do chính mà người dùng trong nhiều năm đã kêu gọi tẩy chay hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên nếu thẳng thắn nhìn nhận, không phải toàn bộ hàng Trung Quốc đều là kém chất lượng. Chúng chỉ đơn thuần là có một điểm chung: giá thành rẻ.
Lý do là vì khi chọn lựa phần cứng, các hãng sản xuất dù là "chính hãng" cũng đều rất biết cách cân bằng giữa mức giá và hiệu suất nhằm tạo ra mức giá cạnh tranh hơn so với các thiết bị tương tự. Thí dụ như đa phần smartphone Trung Quốc sử dụng vi xử lý MediaTek vì mức giá rẻ và hiệu suất cao.Về camera, họ chủ yếu chọn Sony, bởi cảm biến của Sony có hiệu suất tốt và mức giá hợp lý. Từ đây khiến cho giá thành sản phẩm cũng được giảm đi rất nhiều so với những mẫu điện thoại cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng.
Tuy nhiên, đừng quên rằng Trung Quốc vẫn là quốc gia có lượng hàng giả, hàng nhái,.. nhiều bậc nhất trên thế giới, và điều này khó lòng thay đổi chỉ trong một vài năm. Sử dụng hàng Trung Quốc, bạn có thể may mắn sở hữu một sản phẩm chất lượng, nhưng vẫn còn đấy rủi ro không nhỏ khi mua phải một sản phẩm kém chất lượng, hàng lỗi, hay hàng nhái.
3. Khôn khéo trong marketing thương hiệu

Chúng ta vẫn thường thấy các hãng điện thoại của Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung, dành rất nhiều tiền vào các khâu quảng cáo. Mật độ xuất hiện sản phẩm của họ tương đối dày đặc, có thể là từ Tivi, phim ảnh, trên các website, diễn đàn, cho tới quán ăn, nhà hàng, rạp chiếu phim. Mỗi quảng cáo của Samsung cũng thường có thời lượng dài, được xây dựng công phu, hay gắn liền với những tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới.
Các sản phẩm từ đó cũng vô hình chung bị "đội giá" lên khá cao vì phải bù một phần cho chi phí quảng cáo. Người Trung Quốc trái lại, rất ít khi vung tiền quá nhiều vào khâu quảng cáo. Thay vào đó, họ nghĩ cách sao cho rẻ nhất, mà hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Trung Quốc thường bán thêm các phụ kiện, hay thậm chí là những mặt hàng tiêu dùng như giày và dép đi trong nhà một phần để tăng lợi nhuận, và cũng đồng thời là một cách hiệu quả để tự marketing thương hiệu cho bản thân.
4. Bán ra với số lượng hạn chế

Xiaomi Mi3 cháy hàng tại Ấn Độ chỉ trong vòng 5 giây mở bán
Thay vì sản xuất hàng loạt, các hãng điện thoại Trung Quốc thường cho ra mắt từng đợt với số lượng sản phẩm có hạn. Đây là một phương pháp bán hàng hoạt động rất tốt, bởi nó vừa tạo ra nhu cầu cho sản phẩm, và vừa tránh được hàng tồn kho gây lãng phí.
Nếu sản xuất quá nhiều sẽ khiến "cung" lớn hơn "cầu", và hàng ngay lập tức bị ế, đặc biệt là trong một thị trường đầy tính cạnh tranh như Trung Quốc. Những món hàng này sau đó một thời gian lại buộc phải giảm giá để tiêu thụ, dẫn tới việc lợi nhuận thu về bị kém hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu.
Chính nhờ phương pháp này, các nhà sản xuất Trung Quốc thường luôn kiểm soát được lượng thiết bị bán ra, và họ có thể điều chỉnh giá bán của sản phẩm ở mức rẻ hợp lý – vừa hấp dẫn khách hàng, mà không bận tâm những nguy cơ khiến hàng khó tiêu thụ.
Kết
Điện thoại Trung Quốc trong những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc, với thị phần người dùng không ngừng tăng. Nhưng có một sự thật đó là hầu hết người dùng đến với những dòng sản phẩm này bởi giá thành rẻ tới bất ngờ của chúng.
Trong tương lai, những Xiaomi, Huawei, hay OPPO có thể sẽ vượt qua Apple, Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất, uy tín nhất trên thế giới. Nhưng nếu ngày đó xảy ra, họ chắc chắn còn rất nhiều điều phải làm để chiến thắng các tín đồ công nghệ trên thế giới mà không cần dùng tới tuyệt chiêu "giá rẻ".
Nguyễn Nguyễn (theo dantri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)