Các nhà khoa học rốt cuộc đã tìm ra lí do tại sao việc sinh sản hữu tính tiếp tục tồn tại dù quá trình sinh sản vô tính toàn cá thể cái xuất hiện ở một số loài động vật. Phát hiện này cũng giúp lí giải tại sao đàn ông lại tồn tại trên thế giới.
Trong khi hầu hết đàn ông sẽ tuyên bố rằng, họ đóng một vai trò trung tâmtrong quá trình phát triển của loài người, thì ở một số loài động vật, sự hiện diện của các cá thể đực ít quan trọng hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện khám phá ra rằng, các cá thể đực có một vai trò đặc biệt: đảm bảo sự cạnh tranh đối với các cá thể cái, giúp một loài sinh trưởng khỏe mạnh.
Ở nhiều loài động vật, các cá thể đực không hỗ trợ việc nuôi dạy con cái và thường chỉ cung cấp tinh trùng cần thiết cho việc thụ tinh trứng. Quá trình chọn lọc tự nhiên, vốn loại bỏ sự kém hiệu quả trong thế giới tự nhiên, chắc chắn đã dẫn tới quá trình sinh sản không cần giao phối, do ngày càng có nhiều cá thể con được sinh ra theo cách này.
Một số loài ốc sên, côn trùng, bò sát và cá mập có thể sinh sản toàn cá thể cái hay sinh sản đơn tính, trong đó một phôi phát triển từ một quả trứng chưa được thụ tinh. Dẫu vậy, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã biết được tại sao hình thức sinh sản này vẫn còn tương đối hiếm trong vương quốc động vật.
Giáo sư Matt Gage, người đứng đầu nghiên cứu của trường Đại học East Anglia (Anh), giải thích: "Hầu hết các loài đa bào trên Trái đất sinh sản qua giao phối, nhưng sự tồn tại của hình thức này không dễ lý giải. Tình dục mang theo các gánh nặng lớn, mà rõ nhất là chỉ một nửa con cái sinh ra – các cá thể cái – sẽ thực sự đẻ được con. Tại sao không có loài nào loại bỏ hết được các cá thể đực?
Sự cạnh tranh để sinh sản ở các cá thể đực đem tới một lợi ích thực sự quan trọng, vì nó cải thiện chất lượng gen của giống loài. Quá trình chọn lọc giới tính đạt được điều này bằng cách đóng vai trò như như một màng lọc bỏ các đột biến di truyền gây hại, giúp các cộng đồng sinh sôi phát triển và tránh tuyệt chủng về dài hạn".
Ở nhiều loài động vật, quá trình chọn lọc giới tính dẫn đến sự cạnh tranh căng thẳng và thường cũng kèm theo bạo lực giữa các con đực. Chẳng hạn như, các con hươu đực sẽ phải quyết đấu với nhau để giành quyền giao phối với một con cái, trong khi đó các con chim thiên đường đực sẽ biểu diễn những vũ điệu đầy màu sắc nhằm quyến rũ con cái.
Để giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh như trên, các cá thể đực phải khỏe mạnh và thường to lớn hơn những bạn đồng giới quanh chúng, đồng nghĩa với chúng cần sở hữu các gen tốt để làm được điều đó. Bằng cách truyền lại các gen này cho con cái, chúng sẽ giúp đảm bảo sức khỏe và sự tồn tại lâu dài cho loài của chúng.
Giáo sư Gage nhấn mạnh, không có giao phối, các gen không khỏe mạnh sẽ tiếp tục được truyền cho các thế hệ sau, gây thoái hóa giống nòi.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)