Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Tại sao thể thao Việt Nam thất bại ở Olympic 2020?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số những thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic 2020, việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành cựu vô địch Thế vận hội và lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn không được xếp hạng hạng cân 61 kg nam để lại nhiều suy nghĩ.
Hai niềm hy vọng lớn Hoàng Xuân Vinh (thứ 2 từ trái qua)
Kỷ niệm buồn của xạ thủ 47 tuổi
Hoàng Xuân Vinh đã không thể bảo vệ tấm HCV Olympic nội dung 10 m súng ngắn hơi nam khi chỉ đứng vị trí thứ 22 ở vòng loại nên không thể có mặt ở chung kết. Sự trồi sụt lúc cao lúc thấp ở 6 loạt bắn xác định top 8 đã phần nào thể hiện tâm lý thiếu ổn định của Xuân Vinh, mà ngay chính anh cũng phải thừa nhận: “Tôi bị căng cứng tinh thần ở loạt bắn thứ 4. Tôi rất tiếc vì đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không như mong muốn”. HLV Nguyễn Thị Nhung nói: “Vinh đã nỗ lực nhưng không thành công. Trong thi đấu, chỉ cần 1 loạt bắn không điều tiết tốt là dễ dẫn đến hỏng hết tất cả. Thể thao là vậy, được thua trong tích tắc”.
Một cựu tuyển thủ quốc gia môn bắn súng phân tích thêm: “Vinh năm nay đã 47 tuổi nên những vấn đề thuộc về sinh học cũng làm ảnh hưởng đến thi đấu. Kỹ thuật bắn của Vinh lúc tập vẫn rất điêu luyện nhưng khi thi đấu, anh đã không giải quyết được bài toán tâm lý và bị áp lực đè nặng. Nhiều người thắc mắc tại sao khi có vé mời dự Olympic của Liên đoàn Bắn súng thế giới, Việt Nam không chọn VĐV trẻ hoặc một số VĐV khác mà chọn Vinh. Với mặt bằng chung của bắn súng Việt Nam hiện tại, Vinh vẫn là sự lựa chọn tối ưu. Một số VĐV cùng thế hệ với Vinh đã không thể đạt chuẩn dự Olympic, các VĐV trẻ lại quá non.
Tại Olympic, rất nhiều VĐV trẻ chơi thăng hoa, thậm chí đoạt HCV. Nhưng so sánh như vậy khá khập khiễng. Thể thao Việt Nam nói chung và bắn súng nói riêng, việc đầu tư còn ở mức rất thấp so với thế giới. Điều kiện cơ sở vật chất ở các nước là cực tốt, chuyên nghiệp, hiện đại. Lúc tập luyện, đạn bắn với số lượng không hạn chế. Còn tại Việt Nam, trường bắn lạc hậu, lỗi thời vì xây từ năm 2002. VĐV Việt Nam tập thiếu đạn trầm trọng. Năm 2016, Vinh giành HCV, HCB Olympic bởi hội tụ nhiều yếu tố. Độ chín nhất về nghề và được tập huấn nước ngoài liên tục trong các năm 2014, 2015 cho đến trước khi dự đại hội ở Brazil. Nếu thời điểm đó, Vinh chỉ tập trong nước với tình trạng đạn phải dè sẻn thì có lẽ anh cũng khó thăng hoa đến vậy. Hai năm qua, VĐV các nước cũng không được đấu các giải quốc tế nhưng họ vẫn được tập trong điều kiện rất tốt, còn VĐV Việt Nam chỉ tập tại trường bắn Nhổn và phải tiết kiệm đạn dược. Đó là những lý do cơ bản khiến bắn súng Việt Nam thất bại ở Olympic lần này”.
Làm gì để giải quyết bài toán tâm lý
Thạch Kim Tuấn đều sớm dừng bước
Đô cử 27 tuổi Thạch Kim Tuấn lại vấp ngã gần giống với Olympic 2016. Cách đây hai ngày, anh chỉ vượt qua mức 126 kg sau 3 lần cử giật và không thành công ở cả 3 lần cử đẩy nên không được tính thành tích chung cuộc trong số 14 VĐV tham dự hạng 61 kg nam Olympic 2020.
Ông Nguyễn Nam Nhân, Trưởng phòng Quản lý TDTT Sở VH-TT TP.HCM (đơn vị quản lý Thạch Kim Tuấn), cho biết việc tập luyện bị ngắt quãng vì dịch bệnh khiến Thạch Kim Tuấn không có phong độ tốt, từ đó thiếu tự tin, căng thẳng. “Một yếu tố khác cũng cần chú ý là thiếu hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật. Đơn cử như ở lần cử đẩy thứ 3, Tuấn nâng được tạ lên tưởng là thành công nhưng bị các trọng tài phạt không công nhận. Rõ ràng khi đó tay Tuấn chưa thẳng và còn bị run nhưng đa phần các giải trong nước trọng tài đều cho đạt nên khi ra quốc tế sẽ bị bắt lỗi”, ông Nhân nói.
Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ Việt Nam Đỗ Đình Kháng phân tích: “Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thất bại của Tuấn là từ yếu tố khách quan khi Tuấn phải cách ly 29 ngày khi trở về sau giải vô địch châu Á tại Uzbekistan hồi tháng 4.2021. Thời gian dài không tập luyện lại cận thời điểm Olympic nên không thể đòi hỏi Tuấn có được phong độ tốt nhất. Nguyên nhân thứ hai đến từ tâm lý thi đấu, Tuấn giàu kinh nghiệm thi đấu quốc tế không đồng nghĩa không bị tâm lý, nhất là khi Tuấn được kỳ vọng giành huy chương cho Việt Nam. Ngay ở lượt cử đẩy đầu tiên, Tuấn đã cho thấy có dấu hiệu tâm lý khi thực hiện phần thi với nét mặt đầy căng thẳng, thiếu tự tin. Với môn thể thao cân não như cử tạ, phải đạt trạng thái tốt nhất, tâm lý ổn định nhất mới phát huy hết khả năng”.
Ở Olympic 2016, Thạch Kim Tuấn (hạng cân 56 kg) chỉ đạt 130 kg sau 3 lần cử giật, sau đó thất bại ở cả 3 lần cử đẩy, không được tính thành tích. Tương tự ở giải châu Á hồi tháng 4.2021, Tuấn đã có dấu hiệu sa sút khi không thành công 3 lần cử đẩy. Hơn nữa lần này đối thủ quá mạnh, có mặt đầy đủ 4 người đạt thứ hạng đầu chứ không như hồi tháng 1.2020 khi Tuấn đoạt HCV thế giới tại Ý với thành tích tổng cử 293 kg. Xâu chuỗi lại các kết quả này cho thấy Tuấn không còn khả năng tranh chấp thứ hạng cao ở hạng cân của anh nữa nên từ đó áp lực tâm lý dẫn đến bộc lộ yếu kém của chính mình.
Trung Ninh (theo thanhnien)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)