Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tại sao trẻ em ghét học?

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ con chán học không phải vì ham chơi!

Hãy cho các em có ngày khởi đầu nhẹ nhàng

Ngày xưa kinh tế còn khó khăn bọn trẻ con chúng tôi đứa nào được đến trường là hạnh phúc rồi, dầu vậy vẫn có vài ba đứa trốn trường trốn lớp. Có đứa mê con diều giấy, có đứa thích con suối xanh trong bên nhà… mà bỏ học.
Ngày nay thì sao?! Chung vách nhà tôi có cô bé con mới vừa sinh nhật lần thứ tư mà tối nào từ 19 giờ đến 20 giờ cũng đi luyện chữ. Học trước, biết trước không phải là mốt mà là nhu cầu tất yếu, là điều kiện cần và đủ để một đứa trẻ vào lớp 1. Đã có nhiều em bé không dám đi học khi bị bạn bè chọc ghẹo vì vào lớp 1 rồi mà chưa biết viết. Con tôi cũng được hơn 3 tuổi, đang học “lớp cơm thường 4” của một trường mầm non. Vợ chồng tôi cũng như bao phụ huynh khác đang rất lo lắng cho những ngày sắp đến.
Sự khởi đầu của một học trò là những đêm ngày luyện chữ trong khi bản thân các em vẫn chưa thể tự đi vệ sinh sẽ nói lên điều gì?!
Những người làm công tác quản lý giáo dục phải nhìn vào chính con em mình mà thay đổi, không thể mãi chạy theo thành tích, quan niệm mơ hồ là nghỉ hè lâu học sinh sẽ quên kiến thức nên gián tiếp cho học sinh học kỳ 3. Mỗi phụ huynh cũng phải tự thay đổi cách tư duy, không thể đem chuyện con nhà mình biết làm phép tính cộng, biết đọc, biết viết chữ trong ngày sinh nhật lần thứ 4 mà khoe với nhau. Muốn học sinh vui thích đến trường thì việc học hành, vui chơi phải đi đôi với nhau, cân bằng, tùy theo độ tuổi, bậc học mà làm cho hài hòa. Đặc biệt với những học sinh nhí phải để sự khởi đầu của các em thật nhẹ nhàng. Những ngày đầu vào lớp 1 các em được cô giáo ân cần cầm tay luyện nét dọc, nét ngang, các em sẽ thích thú hơn là bị cô giáo cầm cây thước gõ vào vở khi viết chữ O chưa tròn!
Hãy để trẻ em phát triển tự nhiên, hãy trả tuổi thơ về với các em. Mỗi ngôi trường phải tự cắt giảm bớt chương trình học nội khóa, thêm những buổi học ngoại khóa để học sinh có thời gian vui chơi. Được tiếp xúc nhiều với thế giới ngoài trường lớp, các em sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nhiều.n
sahuynh@yahoo…

Bình luận (0)

Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Tại sao trẻ em ghét học?”

Tạp Chí Giáo Dục

Cân bằng học tập và vui chơi giải trí, hoạt động ngoại khóa giúp học sinh không phải… ghét học. (Ảnh minh họa)

Đó là câu hỏi của một học sinh nữ chuẩn bị bước vào lớp 8 đặt ra cho chúng tôi. Một câu hỏi tưởng chừng như rất ngây thơ vô hại nhưng đối với những người quản lý giáo dục là điều đáng quan tâm. Để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên, kể từ số báo này, Giáo Dục TP.HCM xin mở diễn đàn “Tại sao trẻ em ghét học?”. Mời các bậc phụ huynh, các em học sinh cùng bạn đọc tham gia bài vở cho diễn đàn này.
Ghét học vì… bị áp lực?
Khi biết chúng tôi là phóng viên, em M (giấu tên) đề nghị: “Sao anh không viết bài: Tại sao trẻ em ghét học?”. Tôi tưởng M. nói giỡn, ai ngờ cô bé tỏ ra rất nghiêm túc. Thấy chúng tôi phân vân, em M. “tấn công” tiếp: “Nếu anh muốn viết, em sẽ cung cấp thông tin cho. Em sẽ giới thiệu thêm bạn, anh họ em cũng là những người rất ghét học”. Thế là chúng tôi kết nối cuộc phỏng vấn những trẻ em… ghét học.
Sắp tới M. vào lớp 8 tại một trường THCS ở quận 11 (TP.HCM). Kết thúc năm học vừa qua M. đạt học sinh giỏi và danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ nhưng em không mấy tự hào về thành tích đó. Thậm chí em còn tỏ ra… khó chịu và bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình: “Em rất ghét học! Được xếp loại giỏi chỉ vì mẹ muốn vậy nên ép học. Học mệt lắm!”. Nói xong, M. hỏi chúng tôi: “Anh có hiểu học cải cách là gì không?”, rồi M. lấy ví dụ để giải thích: “Em đang học lớp 8 nhưng lại chèn kiến thức lớp 9 vào làm bài học khó hơn nhiều nên tụi em phải rất cố gắng mới theo kịp nhưng học mệt muốn chết, bị stress nặng”. M. than phiền: “Lịch học kín mít từ đầu tuần đến cuối tuần, ngày học ở trường, học thêm, tối chuẩn bị bài hôm sau đi học. Học xong bài mẹ bắt làm bài nâng cao, học thêm tiếng Anh. Có lúc em muốn điên luôn”. Còn dịp hè thì sao? – chúng tôi hỏi; M. nhăn nhó: “Hè thì có đỡ hơn nhưng vẫn học từ thứ 2 đến thứ 7, chỉ nghỉ chủ nhật. Em ít khi được mẹ cho đi chơi lắm vì mẹ nói học trước kẻo vào năm học không theo kịp”. Chưa hết, M. còn “khủng bố” chúng tôi: “Đến thi học kỳ em phải học như… điên. Hôm nào cũng học đến 3 giờ sáng. Buồn ngủ quá mà còn nhiều bài học chưa xong em phải uống cà phê thường xuyên cho tỉnh ngủ. Mẹ cũng thức học cùng em. Học đến nỗi em như bị… điên luôn. Mọi người đều nói tính tình em nóng nảy hơn trước. Mà thiệt, học nhiều quá nên em bị stress nặng, hay cáu gắt”. Cùng tâm trạng như vậy, Đoàn – sắp bước vào lớp 9 trường THCS quận 11 cũng luôn bị áp lực. Năm học vừa qua Đoàn xếp loại giỏi dù em “nói không với học thêm”. Đoàn cho biết: “em không thích học thêm nên không học thêm bất kỳ môn nào”. Cũng như M., Đoàn cho rằng chương trình học quá nặng, lịch học kín mít nên em không còn thời gian thư giãn, giải trí. Đoàn cho biết em rất ghét đi học. Chúng tôi hỏi: “Nhưng em biết rằng, nếu không học hoặc học không tốt sau này em rất khó tìm việc làm?”. Đoàn trả lời rất chín chắn: “Em biết vậy nên dù không thích học em vẫn cố gắng học tốt. Nhưng bài vở nhiều quá nên em không có hứng thú”.
Chạy đua… thành tích (?!)
M. than phiền: “Lịch học kín mít từ đầu tuần đến cuối tuần, ngày học ở trường, học thêm, tối chuẩn bị bài hôm sau đi học. Học xong bài mẹ bắt làm bài nâng cao, học thêm tiếng Anh. Có lúc em muốn điên luôn”.
Hiện nay, việc phụ huynh chạy đua thành tích là rất phổ biến. Rất nhiều phụ huynh muốn con mình phải giỏi hơn các bạn trong lớp hoặc phải đứng đầu lớp nên tìm cách biến con thành… “thần đồng”. Nhìn vào lịch học trong năm của bé Như (học lớp 6, nhà ở Bình Thạnh) bất kỳ người lớn nào cũng… phát khiếp. Bé Như mệt mỏi cho biết: “Cháu học từ sáng đến chiều ở trường, ra khỏi trường là đi học thêm thể dục, năng khiếu đến tối. Vừa về đến nhà đã thấy cô giáo dạy kèm ngồi đợi. Cháu ăn qua loa, uống bịch sữa rồi học tiếp. Học xong, cô giáo về còn cháu phải học tiếp chuẩn bị bài ngày mai đi học”. Chỉ dịp hè lịch học của Như mới thư thả, giãn ra. Như than vãn tiếp: “Ba mẹ tưởng học sướng lắm, học mệt chết luôn. Cháu bị điểm thấp là “chết” với ba mẹ liền”. Không riêng gì học sinh THCS, học sinh tiểu học cũng… ghét học. Bé Ngọc Trân ở quận Thủ Đức sắp vào lớp 1 đã phải học… tăng cường. Mẹ cháu nói: “Chương trình bây giờ khó lắm, cháu không học trước làm sao học kịp bạn bè”. Còn ba cháu cho biết thêm: “Đầu tư cho con cái học hành thì cỡ nào tôi… cũng chơi, miễn cháu phải học thật giỏi”. Trân được 10 điểm ông nội… thưởng tiền, bị điểm thấp thì ba mẹ “siết” việc học. Trân đi học vừa về đến nhà là mẹ kiểm tra vở để xem được mấy điểm 10 thành thử cháu rất sợ học, sợ… điểm thấp.
Anh Đông – làm việc ở một công ty sản xuất đồ chơi giáo dục cho trẻ em, chia sẻ: “Lúc tôi học áp lực không đến mức như bây giờ nhưng cũng rất nặng nề. Ba mẹ tôi là giáo viên nên không những muốn con học giỏi mà phải luôn đứng đầu lớp. Áp lực đến mức tôi không được phép thi rớt ĐH. Rút kinh nghiệm bản thân, tôi không tạo áp lực, không đặt chỉ tiêu, thành tích cho con. Tôi luôn tìm cách cho con học và chơi một cách cân bằng”.
Bài và ảnh: Công Việt

 

 

Mọi ý kiến phản hồi xin gửi về địa chỉ:
Báo Giáo Dục TP.HCM  
300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3 (TP.HCM)
hoặc Email: tantruc@yahoo.com