Hội nhậpThế giới 24h

Tái tạo ảnh hưởng ở Trung Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Sau những bước tiến đạt được gần đây của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIL) tại Iraq, Nga trở thành quốc gia đầu tiên gửi viện trợ quân sự cho Iraq để giúp đỡ chính phủ nước này chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố ISIL.

Sự nhanh chóng, nhiệt tình của Nga trong việc giúp đỡ Iraq chiến đấu chống lại tổ chức ISIL không chỉ gây bực mình cho các nước phương Tây từng là đồng minh chủ chốt của Baghdad kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003 mà còn khiến họ lo ngại. Theo trang Middle East News, Nga đưa ra quyết định nhanh chóng với lời kêu gọi giúp đỡ của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki để chiến đấu chống ISIL trong khi Washington vẫn chần chừ lựa chọn giữa các phương án theo kiểu mang lại lợi ích lớn nhất cho Washington thay vì giúp Iraq chiến đấu chống khủng bố.

Cũng theo trang mạng trên, Nga quan tâm nghiêm túc đến vấn đề chống khủng bố hơn Mỹ bởi vì Washington đang áp dụng chính sách hai mặt trong chiến đấu chống lực lượng khủng bố trên toàn thế giới. Nga từng và sẽ vẫn cần một chính sách chặt chẽ, vững chắc chống lại chủ nghĩa khủng bố. Mátxcơva đặc biệt lo ngại về sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực, nhất là hoạt động của lực lượng Hồi giáo cực đoan, đã làm gia tăng tình trạng bất ổn ở khu vực tự trị Dagestan. Bằng chứng chứng minh cho quan điểm này chính là vụ tấn công đánh bom khủng bố vào năm ngoái tại thành phố Volgograd và ngay trước thềm Thế vận hội mùa Đông Olympics.
Hơn thế nữa, về cơ bản, Nga cho rằng bất cứ lúc nào, Nga và lợi ích của nước này sẽ bị lực lượng Hồi giáo cực đoan đặt vào tình thế bị đe dọa nguy hiểm nên lực lượng này phải bị tiêu diệt bên ngoài biên giới lãnh thổ của Nga.
Trong bối cảnh nêu trên, Nga sẽ được lợi khi đề nghị trợ giúp quân sự cho chính quyền trung ương Iraq chiến đấu chống lại chiến binh ISIL. Nga cũng có thể sử dụng cái cớ này để gầy dựng lại ảnh hưởng truyền thống ở Trung Đông đã bị mất nhiều năm trước đó. Giống như Syria, Iraq là một trong những quốc gia ở Trung Đông mà chính phủ của họ từng là đồng minh của Liên Xô trước đây.

Chính vì vậy, hầu hết cơ sở hạ tầng về quân sự, kinh tế ở những nước này đều phù hợp, tương thích với kết cấu quân sự từng chiếm ưu thế trong thời Liên Xô trước đây và hiện giờ là Nga. Quân đội Iraq chủ động và kinh nghiệm hơn trong sử dụng các vũ khí, trang thiết bị chiến đấu của Nga. Do về cơ bản cấu trúc quân đội Iraq không có nhiều thay đổi nên lực lượng này vẫn có thể dễ dàng sử dụng trang thiết bị của Nga.
Nói cách khác, bằng việc thể hiện phản ứng nhanh chóng đối với lời kêu gọi giúp đỡ từ Thủ tướng Nouri al-Maliki, Nga đang cố gắng chứng tỏ rằng khi nói đến chống khủng bố thì họ mang tính thực tế hơn, nhanh nhẹn hơn so với đối tác Mỹ. Với sự hiện diện chủ động ở Iraq, Nga đang chuyển đi hai thông điệp khác nhau đến bạn bè và kẻ thù của mình, đó là: Mátxcơva kiên quyết chống khủng bố, đồng thời sẵn sàng bảo vệ các đồng minh ở khu vực, kể cả cộng đồng thiểu số người Nga ở các nước, tạo cho họ hy vọng rằng Mátxcơva là nguồn hỗ trợ đáng tin cậy khi cần thiết.

THỤY VŨ (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)