Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tái tạo màu xanh cho rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều địa phương trong cả nước đang ra quân trồng cây xanh nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hưởng ứng chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 178 ngày 12-12-2020 của Chính phủ.

Cây Gõ đỏ đang phát triển xanh tốt ở Bình Phước
Cây Gõ đỏ đang phát triển xanh tốt ở Bình Phước

Trên cơ sở dự thảo Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh góp phần phát triển bền vững đất nước, giai đoạn 2021-2025” của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh trong năm 2021. Kế hoạch tập trung vào trồng cây xanh đô thị, cây lâm nghiệp phân tán và một phần diện tích trồng rừng tập trung. Tỉnh có kế hoạch trồng rừng tập trung bằng nguồn vốn trồng rừng thay thế ở bên bờ sông Bé, lòng hồ Phước Hòa, hồ Cần Đơn (150.000 cây), trồng 198ha đất rừng đã khai hoang tại Khu di tích lịch sử văn hóa Bộ Chỉ huy Miền ở Tà Thiết (khoảng 150.000 cây) với các loài cây rừng đặc hữu, có giá trị của vùng Đông Nam bộ như sao, dầu, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, gáo vàng, giá tỵ. 
UBND tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo Chương trình trồng cây xanh do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, lãnh đạo Sở NN-PTNT làm Phó ban, thành viên là lãnh đạo UBND cấp huyện, sở ngành và tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình trồng cây xanh cấp huyện do lãnh đạo UBND huyện làm Trưởng ban, Phó ban là lãnh đạo Phòng Kinh tế hoặc Hạt Kiểm lâm. UBND tỉnh cũng giao chỉ tiêu cụ thể trồng cây xanh cho từng huyện, thị xã, thành phố, các ngành như huyện Đồng Phú (40.000 cây), Bù Gia Mập (80.000 cây), thị xã Phước Long (20.000 cây), TP Đồng Xoài (80.000 cây), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (40.000 cây), Công an tỉnh (20.000 cây), Công ty Cao su Sông Bé (9.000 cây), Công ty Cao su Bình Phước (9.000 cây)…Tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng, riêng chi phí trồng 700.000 cây xanh phân tán là hơn 20,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. 
Từng là tỉnh giàu có về nguồn tài nguyên rừng nhưng Bình Phước đã chứng kiến tình trạng mất rừng với tốc độ phi mã trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2008-2016 khi Chính phủ có chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Lợi dụng chủ trương này, rừng tự nhiên đã bị chuyển đổi ồ ạt để đổi lấy cao su, hồ tiêu và chỉ dừng lại từ giữa năm 2017 khi Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Trong 10 năm (2002-2012), diện tích rừng tự nhiên của tỉnh từ 127.863ha đã giảm hơn một nửa còn 62.805ha và trong 4 năm (2008-2011) có thêm 43.000ha rừng tự nhiên được chuyển đổi. Do đó, việc UBND tỉnh này sớm ban hành kế hoạch là tín hiệu tích cực từng bước trả lại màu xanh cho rừng, góp phần cải tạo môi trường sống theo hướng bền vững. 
Những năm qua, bên cạnh xu hướng muốn nhanh chóng thay thế cây rừng bằng cây công nghiệp, muốn giàu nhanh bằng cao su, hồ tiêu, cà phê thì ở Bình Phước cũng xuất hiện một số đơn vị, cá nhân đi tiên phong trong công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi bảo vệ tài nguyên rừng. Trong đó phải kể đến bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (Phó Giám đốc Công ty B58) đã kiên trì giữ lại hơn 500ha rừng tự nhiên ở khu Mã Đà (thuộc tiểu khu 379 Mã Đà, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú), giữ lại cho vùng Đông Nam bộ những khoảnh rừng chiến khu Đ vô giá hay trường hợp Công ty TNHH MTV Phát Lộc. 
Tháng 7-2014, công ty nhận được hợp đồng khai hoang rừng tự nhiên (thuộc địa bàn huyện Đồng Phú) để trồng cao su trên diện tích đất Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giao cho Công ty Hải Vương nhưng triển khai giữa chừng thì Chính phủ có lệnh cấm rừng. Trong lúc chờ Công ty Hải Vương và các ngành xác định, thanh toán chi phí khai hoang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhiều lần chỉ đạo trồng lại rừng trên diện tích đã khai hoang. Công ty đã đầu tư vốn, nhân lực triển khai trồng 3.000 cây rừng với 2 loại chính là gõ đỏ, cẩm lai trên diện tích 45ha đã khai hoang và trong khi chờ đợi, công ty trồng xen cây điều. Đến nay, nhờ được chăm sóc tốt cây rừng đang lên cao bình quân 3m.  
Trong bối cảnh rừng ở khu vực huyện Đồng Phú nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung bị lấn chiếm để trồng cây công nghiệp, việc làm của Công ty TNHH Phát Lộc và Công ty B58 rất đáng ghi nhận, qua đó cổ vũ các địa phương, đơn vị, cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.
VĂN PHONG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)