Sự kiện giáo dụcTin tức

Tái thiết ngành du lịch sau đại dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày12-10, tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông và hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”.


Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022 là hội nghị trực tiếp đầu tiên của tiểu vùng Mê Kông, do cơ quan cấp nhà nước chủ trì hội nghị kể từ khi đại dịch xảy ra, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch ở các nước thành viên GMS (tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng). Diễn đàn có ba phiên thảo luận gồm: "Doanh nghiệp công: Một công cụ hiệu quả và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững"; "Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững" và "Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh".

Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà lãnh đạo du lịch trong khu vực tập trung thảo luận về chủ đề: “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”, suy nghĩ lại việc xây dựng lại ngành du lịch của GMS bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ để tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch tiểu vùng Mê Kông mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS trước những khó khăn, thách thức bởi tác động lâu dài của Covid-19 và sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các quốc gia, khu vực khác ngoài tiểu vùng sau đại dịch, 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc. Để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển…

Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ trung bình 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Công tác đầu tư cho du lịch và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, lữ hành ngày càng được coi trọng đã góp phần quan trọng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đẩy mạnh mức chi tiêu của du khách: Tổng thu từ du lịch tăng từ 15,4 tỷ đô-la Mỹ năm 2015 lên 32,8 tỷ đô-la Mỹ năm 2019, tăng bình quân 20,7%/năm, tỷ lệ đóng góp của ngành vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 9,2% năm 2019; ngành du lịch đã tạo ra 2,9 triệu việc làm. Giai đoạn trước đại dịch, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam đã nhiều lần được bình chọn là điểm đến hàng đầu của thế giới và khu vực của nhiều giải thưởng, bình chọn uy tín. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành du lịch vào giai đoạn khủng hoảng mang lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế, chấm dứt chuỗi 10 năm tăng trưởng bền vững. Ngành du lịch thế giới chịu nhiều thiệt hại và rơi vào tình trạng đình trệ trong khoảng thời gian hơn 2 năm.


Quang cảnh Diễn đàn Du lịch Mê 
Kông 2022

Du lịch Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế, được UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới) ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến Covid-19. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch. Riêng trong Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ các nước GMS trong ba quý đầu năm. “Tôi tin rằng để thành công tái thiết ngành Du lịch, chúng ta cần cùng nhau hành động với nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành du lịch Mê Công. Là các nước có lợi thế về vị trí địa lý gần, với sự tin tưởng lẫn nhau và cơ chế hợp tác du lịch hiệu quả, tôi tin tưởng trong thời gian không xa, khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế”- ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là cơ hội vàng để tỉnh Quảng Nam thể hiện hình ảnh là điểm đến và tăng cường liên kết du lịch với các nước thành viên GMS và hơn thế nữa. Ông Tân khẳng định Quảng Nam đang tăng cường nỗ lực để giúp ngành du lịch phục hồi do tầm quan trọng về kinh tế, cũng như các giá trị xã hội và môi trường mà du lịch mang lại. Quảng Nam cũng là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất trong năm “Du lịchViệt Nam 2022” với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”. Quảng Nam cam kết tăng trưởng bền vững ngành du lịch bằng cách tận dụng công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường tự nhiên.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)