Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tài tử nhí – Từ đồng ra phố: Bài 2: Giọng ca nhí miệt vườn

Tạp Chí Giáo Dục

Tuổi đời còn rất trẻ nhưng những giọng ca nhí miệt vườn được đánh giá là “hạt nhân” của phong trào đờn ca tài tử địa phương.

Điều đáng ghi nhận là hiện nay, một bộ phận giới trẻ quay lưng với âm nhạc truyền thống thì ở đâu đó, từ ruộng đồng đến phố thị vẫn có những nghệ sĩ “nhí” xuất thân từ gia đình mấy đời nông dân chân lấm tay bùn hay chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật nhưng lại có một tình yêu thật kỳ lạ với đờn ca tài tử. Thế hệ các giọng ca “nhí” hiện nay là những người tiếp tục bảo tồn, kế thừa và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nghệ sĩ nhí tết tóc đuôi sam

Cái tên Đỗ Thị Ngọc Gấm (sinh 2001, ngụ ấp Mới, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đã được các nghệ sĩ tên tuổi chú ý kể từ khi em đạt giải II cuộc thi Giọng ca nhí – Hò xự xang xê cống do Đài PT-TH Bạc Liêu tổ chức.

Gấm là con út trong gia đình có ba chị em. Ba mẹ và hai bên nội, ngoại không một ai hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đam mê ca hát và tình yêu đờn ca tài tử của Gấm ảnh hưởng lớn từ ông ngoại, nghệ nhân Thanh Hồng (hiện sinh hoạt Câu lạc bộ Tài tử xã Long Hưng). “Lúc con còn nhỏ, ông ngoại thường dắt con đi đến mấy chỗ tập hát. Các ông, các bác hát con cũng hát theo. Có lần các bác chưa thuộc bài nhưng con đã thuộc rồi, được mời lên ca và phần thưởng là một trái vú sữa”, Gấm nhớ lại.

Có lẽ vì được sinh ra và lớn lên trong một không gian đậm tình, với những làn điệu, câu xề, điệu lý mà Gấm sớm đến với ca cổ, dành cho nó một tình yêu lớn mà như em chia sẻ: “Ca cổ đã ngấm vào trong máu của con tự lúc nào không biết”. Tập hát thường xuyên và có bài bản hơn vào lúc 5 tuổi, chừng một năm sau, Gấm có khả năng hát và thuộc rất nhiều làn điệu dân ca, cải lương. “Con bé mê hát lắm, nó hát mọi lúc mọi nơi. Có thể nó nhịn ăn cả ngày, thức trắng đêm để hát”, mẹ của Gấm, chị Thái Thanh Điểu nói về con.

Ngọc Gấm (bìa phải) đang biểu diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên

Với bạn bè, các anh chị em trong Trường THCS Long Hưng (Gấm là học sinh giỏi, lớp 9 A1) hay các trung tâm văn hóa trong tỉnh không ai không biết đến Gấm – cô bé tết tóc đuôi sam, hát hay và đặc biệt là gương mặt sáng, lại hay cười nữa. Gấm tâm sự, ngoài tóc tết đuôi sam, em còn thích được diện áo dài, áo bà ba không chỉ lúc đi diễn. Mẹ cô bé cũng cho biết, ngay từ nhỏ, mỗi lần bé không ưng gì thì nũng nịu, khóc đòi ai đó tết tóc đuôi sam hoặc hát một câu cổ cho nghe là hết khóc ngay.

Ngoài học hát từ ngoại, Gấm còn được nghệ nhân Đồng Hoàng Nam (bạn của ngoại) yêu quý và dạy thêm về kỹ thuật. Đi tập, biểu diễn giao lưu ở bất kỳ đâu cũng dắt Gấm đi cùng để em có điều kiện học hỏi. Gấm nhớ lại: “Vì mê ca hát mà có lần dối mẹ, dối thầy trốn học đi xem các nghệ sĩ ở Sài Gòn về biểu diễn. Lần đó mẹ giận, không chỉ bị đánh đòn mà còn tuyên bố cấm “từ nay không hát ca gì nữa”.

Giọng ca nhí – Hò xự xang xê cống 2015 do Đài PT-TH Bạc Liêu tổ chức là cuộc thi lớn đầu tiên mà Gấm tham gia. Những ngày trước diễn ra cuộc thi, ai nấy cũng tất bật, lo lắng, người nhà đi theo chăm sóc, riêng Gấm một mình lo liệu mọi thứ. Với chất giọng ngọt ngào, tự tin, diễn xuất khá chuyên nghiệp, Gấm vượt qua nhiều vòng thi với giai điệu âm nhạc tài tử Vọng cổ, Nam ai, Nam xuân… với số điểm cao. Gấm đã chinh phục được Ban giám khảo, đặc biệt là các bậc thầy về đờn ca tài tử. Gấm còn để lại ấn tượng đẹp đối với khán giả, trong số đó có người đã từng phán: “Con bé này mà thi thố cái gì, về làm vườn cho chắc”. 

Mơ một mái ấm

Một gương mặt nữa cũng từng khiến bao người ngất ngây bởi giọng ca mùi mẫn Đào Thị Tú Sương (10 tuổi, ngụ P.5, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Tú Sương cũng là một giọng ca nhí được phát hiện từ cuộc thi Giọng ca nhí – Hò xự xang xê cống 2015 của Đài PT-TH Bạc Liêu. Trước khi giành giải ba (cùng giải với bé Lâm Thanh Tùng – Trà Vinh và Phan Thị Thúy Duy – Kiên Giang) của cuộc thi này, Tú Sương đã được đánh giá là một giọng ca triển vọng của Bạc Liêu.

Từ thuở nằm nôi, Tú Sương cũng được nuôi dưỡng tâm hồn bằng âm nhạc, đặc biệt là những làn điệu dân ca và những câu vọng cổ. So với các anh chị, Tú Sương đến với cuộc thi khá trễ vì điều kiện khách quan. Mặc dù không được đi thi như các bạn nhưng Tú Sương không buồn, chiều nào cũng gọi các em, các bạn trong xóm đến tập dượt bài bản.

Ngọc Gấm cùng mẹ và bạn diễn

Kinh tế gia đình hết sức khó khăn, ba mẹ Tú Sương phải gửi con cho người cậu nuôi để đi làm ăn xa. Cũng không phải là nghệ sĩ nhưng với tình yêu và lòng đam mê đờn ca tài tử, cậu luôn tạo điều kiện cho cháu tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh.

Mê hát nhưng không quên nhiệm vụ học tập, Tú Sương cho biết, hiện tại em dành thời gian cho việc học và chỉ đi biểu diễn ở các cơ quan hành chính, trường học.

Ở trường cũng như địa phương, Tú Sương là một cây văn nghệ. Tú Sương được đánh giá là một trong những gương mặt sáng giá của cái nôi đờn ca tài tử Bạc Liêu. Dù rất bận rộn với những buổi tập hát nhưng Tú Sương vẫn đảm bảo kết quả học tập tốt, không phụ lòng những người dìu dắt em đến với đờn ca tài tử.

Gặp Tú Sương mới đây tại Nhà Văn hóa Thanh niên, em rơm rớm nước mắt, chia sẻ: “Hồi đi thi ở Bạc Liêu, các bạn có cha mẹ lo lắng, ủi quần áo cho, sau giờ diễn được ở lại đi chơi, thưởng thức món ngon, chụp hình… thấy tủi thân nhưng chỉ buồn thoáng qua”. Em mong một ngày gần đây, em được sống trong một căn nhà nhỏ, dù là nhà thuê nhưng ở đó luôn có cha mẹ kề bên, được mẹ sửa lại chiếc áo dài hay tết lại tóc trước giờ đi diễn.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Hiện Gấm đang học lớp 9A1, Trường THCS Long Hưng. Không chỉ hát hay, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Hỏi về ước mơ, cô bé cười bẽn lẽn: “Con cố gắng học thật giỏi, thi vào Trường ĐH Sân khấu điện ảnh và trở thành nghệ sĩ tài danh”.

 

Bình luận (0)