Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tài xế xe buýt 3 “nhờ”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Trọng Minh đang ôn luyện kiến thức LGTĐB trong một giờ nghỉ giữa ca

Là đơn vị có số lượng tài xế được UBND TP tuyên dương nhiều nhất, hai tài xế Trần Trọng Minh và Nguyễn Phi Dũng thuộc Công ty Xe khách Sài Gòn không vì thế mà tự mãn. Họ luôn ý thức rằng khi đã chọn lĩnh vực phục vụ cho tiện ích công cộng, thì họ luôn phải nỗ lực từng ngày để hoàn thiện tay nghề và bản thân để xứng đáng với danh hiệu đã được phong tặng.

Khó khăn nào cũng vượt qua
Sau 15 năm công tác tại Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, tài xế Nguyễn Phi Dũng đã quyết định gắn bó đời mình với phương tiện xe buýt chỉ vì “mỗi ngày được đưa đón bao nhiêu hành khách, là bấy nhiêu niềm vui tôi có được”. Tuy nhiên, người tài xế 47 tuổi này cũng thừa nhận hoạt động trong lĩnh vực này nghĩa là tài xế phải chấp nhận những khó khăn đặc thù.
Ông Dũng hiện đang chạy tuyến xe 95 (Bến xe Miền Đông – KCN Tân Bình) nói rằng hạ tầng giao thông của nước ta với nhiều tuyến đường còn chật hẹp nhưng lượng xe cộ lưu thông đông, nên tài xế khi điều khiển xe buýt phải cẩn trọng từng centimet và phải tập trung từng giây khi di chuyển để có thể đưa đón khách an toàn mà thời gian vẫn được đảm bảo. Niềm vui mỗi ngày của ông Dũng cũng là ở đó.
Ông Dũng ví rằng “làm tài xế xe buýt là làm dâu trăm họ”, vì suốt cuộc hành trình cũng gặp những hành khách khó tính, có người buông lời cằn nhằn khi tài xế dừng trạm để hướng dẫn khách đi nhầm xe chọn tuyến xe phù hợp, hoặc cũng có người không vui khi không rành việc mua vé tự động… Những lúc ấy ông Dũng lại ân cần giải thích và giúp đỡ hành khách khi cần.
Tuyến xe 95 ông Dũng chạy là tuyến xe có nhiều học sinh, sinh viên lưu thông vì xe đi qua các trạm của Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật, THPT Vạn Xuân, ĐH Văn Lang… Và cho dù đường phố ngày nào giờ nào cũng đông người, ông Dũng cũng cố gắng đảm bảo lưu thông đúng giờ giấc để các em không bị trễ giờ học và quan trọng nữa là không bị trễ giờ khi vào mùa thi cử. Và đặc biệt khi vào mùa thi ĐH, thì tài xế Dũng bận rộn hơn bình thường vì ông luôn nhiệt tình giúp đỡ những phụ huynh và thí sinh từ các tỉnh không rành đường TP.HCM. Khi ấy ông chỉ dẫn và cho họ xuống được địa điểm thi thì mới an tâm cho xe tiếp tục chuyển bánh.
Vì là nghề cần sự tập trung cao độ nên sức khỏe của tài xế luôn phải đảm bảo, tinh thần luôn phải tỉnh táo. Ý thức được điều đó nên ông Dũng luôn nghiêm khắc với bản thân mình. Mỗi ngày ông tuân thủ đều đặn việc ăn uống điều độ, ngủ sớm, tuyệt đối không rượu bia và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần. Ngồi cả ngày ở chiếc ghế tài xế, ông cùng nhiều đồng nghiệp khắc phục việc ít vận động bằng cách đi xe đạp 8km từ nhà đến công ty để có thể tránh các bệnh về cột sống hay đau khớp…
Luôn tuân thủ quy tắc 3 “nhờ”

Ông Nguyễn Phi Dũng đang kiểm tra an toàn xe trước khi khởi hành ngày làm việc mới
Quy tắc ấy chính là “nhẫn – nhường – nhịn”, cũng là tâm niệm của tài xế Trần Trọng Minh, người tài xế 47 tuổi với 24 tuổi nghề. Người tài xế đã nhận được nhiều giải thưởng từ nhiều cuộc thi tầm cỡ này có lối sống rất mực hài hòa và thân thiện. Thậm chí ông thường làm vệ sinh sàn xe khi xe đã trả khách xong trong khi người nhân viên phụ xe lo giấy tờ khi xe đã vào bến.  
Đến với nghề tài xế từ ước mơ được đi du lịch, ông Minh đã chọn nghề này và ông đã đến được 63 tỉnh thành trong cả nước trong 10 năm. Sau đó ông chọn Công ty Xe khách Sài Gòn làm nơi gắn bó cho đến nay đã được 13 năm tròn.
Khi được UBND TP tuyên dương với danh hiệu gương “Người tốt việc tốt”, ông rất phấn khởi nhưng cũng dặn lòng không được tự mãn với danh hiệu ấy, mà phải nỗ lực không ngừng hoàn thiện bản thân và nghề nghiệp để xứng đáng với sự tin yêu của chính quyền TP và mọi người.
Tuy nhiên, tài xế Minh cũng thừa nhận đặc thù của nghề xe buýt là rất vất vả, không giống như các tài xế hoạt động trong các lĩnh vực xe khách, xe tải, xe taxi… Chẳng hạn xe taxi rước một người khách thì người tài xế chỉ di chuyển từ điểm A đến điểm B, riêng xe buýt xuất phát từ điểm A đến điểm B là cả một quá trình rất vất vả. Nếu ở trong TP thì cứ cách 200m lại phải ghé trạm trả đón khách, ở ngoài TP thì khoảng cách là 250m. Vì mật độ lưu thông ở TP luôn trong tình trạng quá tải, nên người tài xế không chỉ chấp hành tốt Luật Giao thông mà còn phải rèn luyện bản thân với các đức tính nhẫn – nhường – nhịn mới tránh được va quẹt hay tai nạn giao thông.
Điều thú vị ở người tài xế này, ông còn luôn rèn luyện mình bằng cách cập nhật kiến thức về Luật Giao thông đường bộ (LGTĐB) một cách thường xuyên. Từ năm 1991 khi ông Minh lấy bằng lái xe, khi ấy LGTĐB mới có vài chục câu. Cho đến thời điểm này là 405 câu hỏi và 500 đáp án. Phần mềm về kiến thức LGTĐB của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được ông Minh chép vào laptop và điện thoại và mang theo xe mỗi ngày, để những lúc nghỉ giữa ca ông đem ra ôn luyện.
Bài, ảnh: Bích Vân
Từng đoạt giải thưởng Hiệp sĩ giao thông
Tài xế Trần Trọng Minh từng đoạt giải thưởng Hiệp sĩ giao thông, giải “Vô lăng” vàng (năm 2013), được UBND TP tuyên dương gương người tốt – việc tốt (2014)… Ông cũng thường được công ty cử tham gia các cuộc thi về xe buýt thân thiện, lái xe an toàn, tay lái giỏi, kiến thức pháp luật Luật ATGT… Ông Minh tâm niệm: “Người tài xế cần phải coi trọng sự an toàn của hành khách là ưu tiên số 1 thì mới tránh được việc tranh giành khách, tránh được tình trạng phóng nhanh vượt ẩu và tránh gây thương vong”.
 
 

Bình luận (0)