Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tài xế xe ôm: Cảnh giác cao độ với cướp

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít người hành nghề xe ôm phải đối diện với nhiều mối nguy hiểm. Những vụ án người xe ôm bị giết trong thời gian gần đây đã cho thấy tội phạm cướp, sát hại xe ôm ngày càng diễn biến rất phức tạp.

Phút thảnh thơi đợi khách của người hành nghề xe ôm

Manh động, liều lĩnh

Dưới cái nắng trưa tháng ba gay gắt, ông Nguyễn Đình Toàn (quê Quảng Nam) lặng lẽ chờ khách ở một góc ngã tư. Ông hành nghề xe ôm đã gần 15 năm. Chủ nhà trọ thấy thương hoàn cảnh của ông nên bán lại chiếc xe máy cũ kỹ với giá rẻ. Chiếc xe theo ông suốt bao năm qua, bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Ban đầu, ông nghĩ nghề xe ôm đơn giản nhưng khi hành nghề mới biết hết những đắng cay, nguy hiểm có thể rình rập mình mọi lúc, mọi nơi. Mới đây, vụ án ông Lưu Thanh Sơn (SN 1955, ngụ quận 2, TP.HCM) bị Nguyễn Hoàng Minh (SN 1996, ngụ quận Bình Thạnh) siết cổ chết, cướp tài sản khi ông Sơn chở Minh từ quận 1 về quận Bình Thạnh làm ông Toàn và đồng nghiệp không khỏi hoang mang, lo lắng. “Bị lừa cũng nhiều, nhưng chịu thôi. Chỉ mong mình giữ được tính mạng để về với vợ con” – ông Toàn cứ nhắc đi nhắc lại câu nói đó. Trong giới những người hành nghề xe ôm ở Sài Gòn, những mảnh đời cơ cực, xa quê làm ăn như ông Toàn không thiếu. Dẫu thu nhập không còn ổn định như giai đoạn trước vì phải cạnh tranh với xe buýt, taxi nhưng nhiều người vẫn bám trụ với nghề bởi với họ, làm công việc gì cũng được, miễn là lao động chân chính.

Từ khi “nối nghiệp” cha mình, anh Trương Minh Kha (ngụ quận 10) mới thấm thía hết những khó khăn mà cha đã trải qua khi phải bươn chải ngoài đường cả ngày, nhiều khi còn phải đối mặt với nguy hiểm như bị tai nạn, trấn tiền, quỵt tiền, cướp xe… “Có lần, tôi chở khách lúc 23 giờ. Tôi mừng rỡ vì ngày hôm đó ít khách, xong chuyến này sẽ về nhà nghỉ ngơi. Khi nghe khách nói về Hóc Môn, tôi hơi khựng lại nhưng rồi vẫn quyết định chở. Được nửa đoạn đường, khách yêu cầu dừng xe, bất ngờ rút ra một con dao nhỏ rồi nói: “Anh cho em “mượn” ít tiền. Em thiếu thuốc mấy ngày nay”. Tôi tá hỏa vì biết mình gặp phải người nghiện nhưng nhanh chóng trấn tĩnh. Biết mình đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan nên đành rút ví đưa cho hắn. Ngẫm lại, tôi cũng còn may vì chưa bị cướp xe hay ảnh hưởng đến tính mạng. Nhiều người còn bị cướp xe, gây thương tích”, anh Kha kể lại. Những vụ án liên quan đến cướp xe ôm cho thấy đối tượng thường manh động, liều lĩnh. Những thủ đoạn thường thấy của chúng là thuê xe ôm chở đến những khu vực xa khu dân cư, vắng người để cướp tài sản. Không có kinh nghiệm và kỹ năng đối phó khi gặp tình huống xấu, cũng như thiếu cảnh giác là những lý do khiến người hành nghề xe ôm luôn phải đối diện với nhiều mối hiểm nguy.

Nâng cao ý thức cảnh giác

Ông Nguyễn Văn Năm (quận 6) nhắc lại kỷ niệm không muốn có trong cuộc đời hành nghề của mình: “Cách đây 2 năm, tôi có chở một thanh niên đi từ quận 1 về quận 7. Nghĩ đoạn đường ngắn nên đêm có khuya, tôi cũng không ngại ngần. Tôi đâu ngờ hắn đã có kế hoạch với đồng bọn để cướp xe của tôi. Chiếc Cub 67 đó cũ lắm rồi mà chúng cũng không tha. Lúc đó, tôi chỉ biết bỏ xe mà chạy thôi. Từ đó, tôi thường “trông mặt bắt hình dong” và chỉ chở khách đến những nơi mà tôi thông thạo”.

Theo Thiếu tá Bùi Thái Đức, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Công an TP.HCM, do đặc thù công việc, người chạy xe ôm thường thức khuya, dậy sớm để đón khách. Vì vậy, trước hết, mỗi người phải có ý thức tự trang bị cho mình những biện pháp phòng ngừa rủi ro. Những kẻ muốn cướp tài sản của giới xe ôm thường rơi vào cảnh túng quá làm liều, như: nghiện game, nợ nần, nghiện ma túy… Các vụ giết người cướp xe ôm luôn là bài toán hóc búa đối với các đơn vị cảnh sát hình sự.

Ông Nguyễn Văn Năm (quận 6) nhắc lại kỷ niệm không muốn có trong cuộc đời hành nghề của mình: “Cách đây 2 năm, tôi có chở một thanh niên đi từ quận 1 về quận 7. Nghĩ đoạn đường ngắn nên đêm có khuya, tôi cũng không ngại ngần. Tôi đâu ngờ hắn đã có kế hoạch với đồng bọn để cướp xe của tôi. Chiếc Cub 67 đó cũ lắm rồi mà chúng cũng không tha. Lúc đó, tôi chỉ biết bỏ xe mà chạy thôi. Từ đó, tôi thường “trông mặt bắt hình dong” và chỉ chở khách đến những nơi mà tôi thông thạo”.

“Nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra, những người hành nghề xe ôm tuyệt đối không sử dụng đồ uống, thức ăn do người đi xe mời. Trước khi đi, cần thông báo cho người nhà, người cùng hành nghề về tuyến đi hay khu vực khách yêu cầu chở đến để phối hợp khi cần thiết. Không chở khách đến những vùng ngoại thành vắng vẻ, xa khu dân cư, không chở quá số người quy định, cần thiết thì rủ thêm người chở. Khi bị tấn công bất ngờ, không có khả năng chống trả, phải bình tĩnh, tỏ ra hợp tác với đối tượng, tránh để đối tượng bị kích động ra tay sát hại. Ngoài ra, người hành nghề xe ôm nên tham gia các buổi tập huấn do lực lượng công an tổ chức và theo dõi thông tin trên báo chí về các thủ đoạn cướp xe ôm để tự phòng”, Thiếu tá Bùi Thái Đức nhấn mạnh.

Không ít người vì mất cảnh giác nên số vụ án liên quan đến tội phạm cướp xe ôm vẫn xảy ra. Trưa nắng, khách cũng vắng dần. Ông Nguyễn Văn Năm vẫn nhẫn nại chờ khách. “Mong sao cuốc xe ôm nào, tôi cũng đi suôn sẻ, không có điều gì bất trắc”, ông nói. Với ông, những ngày hành nghề xem ôm chỉ để đổi lại một khát khao bình dị là số tiền ít ỏi cho cả gia đình có thể sống qua ngày. Khi màn đêm buông xuống, ông lầm lũi trở về để ngày mai lại tiếp tục cuộc mưu sinh…

Bài, ảnh: Thục Quyên

Bình luận (0)