Trong chuyến đi Đông Âu, sau khi “điều đình” với mấy người bạn vong niên, chúng tôi nhất trí đưa Tallinn – thủ đô của Estonia vào danh sách thăm viếng. Theo họ, thành phố này khá nhỏ xinh, đủ để dạo chơi từ sáng đến chiều rồi quay về Ba Lan vào cuối ngày.
Estonia sau khi tách khỏi Liên bang Xô viết vào năm 1991 đã phát triển rất nhanh chóng, khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Chúng tôi ghé vào ga trung tâm để xem sự thịnh vượng của Tallinn. Hằng ngày, Tallinn có đến hai mươi chuyến xe lửa xuyên eo biển Baltic để sang thủ đô Helsinki của Phần Lan. Nhà ga trông thật quy củ và xinh xắn.
Đứng ngay ga, chúng tôi chứng kiến hàng trăm khách từ Phần Lan đổ sang theo từng chuyến tàu. Họ góp phần không nhỏ cho sự phát triển thương mại của Tallinn. Những chuyến tàu này buổi sáng chở dân Phần Lan sang Tallinn, nơi có giá sinh hoạt rẻ hơn để mua hàng hóa, vào nhà hàng, nghe hòa nhạc, tận hưởng không khí huyền thoại từ thời Trung cổ của thành phố cổ kính.
Cuối ngày, họ lại lên tàu về nước. Ông bạn Ba Lan cho tôi biết rằng dân Estonia nói chung và dân Tallinn nói riêng khá thân thiết với người Phần Lan.
Thời Trung cổ còn đây
Phố cổ nhìn từ đồi Toompea |
Phố cổ Tallinn được một bức tường thành kiên cố bao quanh, bên trong là một quảng trường nhỏ xinh, những dãy nhà cao tầng mọc ngay ngắn theo phong cách Trung cổ. Từ năm 1991, Tallinn thiết lập mối quan hệ ngoại giao và thương mại mật thiết với các nước phương Tây, đặc biệt là các nước Bắc Âu.
Tường thành kiên cố bao quanh Tallinn |
Làn sóng khách du lịch dồn dập đổ tới khiến thủ đô phải ráo riết trùng tu, giữ lại vẻ đẹp cổ kính của những căn nhà Trung cổ. Dù các cửa hàng hiện đại đã có mặt ở khắp nơi, lịch sử 700 năm văn hóa vẫn được người dân cẩn thận “níu kéo”. Không khí đặc biệt cổ kính của Tallinn vẫn không bị thời hiện đại xâm chiếm bao nhiêu. Cảnh vật, nhà cửa, thậm chí là sinh hoạt của người dân vẫn còn đó, chẳng khác nào một bảo tàng ngoài trời về thời kỳ Trung cổ.
Những tòa tháp cổ |
Tôi tự hỏi có phải người dân Tallinn “đóng kịch” để thu hút khách du lịch bằng cái vẻ chậm chạp, chất phác, thân thiện rất ư là Trung cổ hay họ thật sự là những người bị thời gian bỏ quên. Tốt nhất là làm một phép thử. Trong một cửa hàng bán quà lưu niệm, tôi vờ bỏ quên lại ví tiền của mình trên quầy rồi đi thẳng ra cửa. Ngay lập tức, cô bán hàng chạy theo gọi, nhoẻn miệng cười nói bằng thứ tiếng lạ lẫm rồi đưa trả tôi ví tiền.
Ở Tallinn, những người bán hàng đa phần nói rất tốt tiếng Phần Lan và cả tiếng Anh, nhưng không hiểu sao cô bán hàng ấy chưa chịu học ngoại ngữ. Ông bạn người Ba Lan của tôi đặt giả thiết: “Cô ấy giả bộ đấy. Nói tiếng Anh trôi chảy quá thì không còn duyên nữa. Phải nói bằng tiếng địa phương nghe mới ngộ nghĩnh!”.
Dân Tallinn thật ra không hề Trung cổ. Họ bắt kịp nhịp sống tư bản khá nhanh sau khi tách khỏi Liên Xô. Vì đất nước này nhỏ bé, dân số ít (chỉ 1,5 triệu người), việc đổi mới điều hành kinh tế – xã hội ở Estonia khá thuận lợi. Tại khu phố cổ, để hút khách du lịch và trân trọng giữ gìn hồn phố, dân Tallinn buộc phải sống chậm. Ngoài ra, cũng giống như người dân Đông Âu nói chung, người Tallinn vẫn còn giữ được sự chân chất, vẻ nhiệt tình và bản tính hồn nhiên.
Sống chậm nơi phố cổ
Tòa tháp đôi trong phố cổ |
Chúng tôi tiếp tục rảo bước dạo quanh tòa thị chính và quảng trường của khu phố cổ. Khu này đã có từ thế kỷ XIII, tiếp tục được hoàng gia cho xây những dãy nhà theo kiến trúc Gothique vào thế kỷ XIV và XV.
Chúng tôi chứng kiến những nhóm người ngồi tụ tập cười đùa, thân thiện bá vai bá cổ nhau trong những quán cà phê và nhà hàng nhỏ. Họ có thể là người Tallinn hay người Helsinki, cũng có thể là khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tụ về. Đến Tallinn, họ cho phép mình ngồi nhâm nhi ly cà phê, bù khú với bạn bè bằng những chuyện cười và thật sự sống chậm.
Hồn phố cổ không cho phép họ được nhảy “chồm chồm” lên, ngay cả khi người phục vụ không kịp đem ly nước đến do khách quá đông. Chúng tôi cũng ngồi quán, ngắm dân tình xung quanh, nói chuyện tầm phào ít phút. Sau đó, chúng tôi men theo con phố hẹp đầy những cửa hiệu nhỏ, hàng quán xinh xắn, tiệm may quần áo, shop thời trang…
Khu thương mại hiện đại |
Nhịp sống thương mại cứ thế kéo dài suốt từ trung tâm phố cổ lên đến đồi Toompea. Những con phố này vẫn còn lát đá từ thời Trung cổ trơn bóng, đi phải cẩn thận không thì bị trượt chân. Đúng là ở Tallinn muốn gấp gáp một chút cũng không được.
Nghe chuông ngân trên đồi Toompea
Giáo đường Alexander Nevsky nhìn trực diện |
Cũng như những thành phố cổ kính khác ở châu Âu, các giáo đường ở Tallinn đóng một vị trí quan trọng trong ngành du lịch. Thật lạ là ở đâu cũng có nhà thờ, vậy nhưng hình như nhà thờ ở tại nơi mình sống thì không “linh”. Những người bạn đi chung với tôi vốn vô thần, quê họ cũng nhiều nhà thờ hoành tráng, thế mà đến Tallinn, họ vẫn ghé vào thăm viếng nhà thờ.
Nhà thờ ở Tallinn nhiều không thua kém gì ở các thành phố mộ đạo như Rome, Varsaw, Cracow…, nhưng đặc biệt nhất là giáo đường Alexander Nevsky nằm trên đồi Toompea. Đây là nhà thờ lớn nhất và đẹp nhất ở Tallinn, dành cho người theo đạo công giáo Orthodox (chính thống giáo). Nhà thờ được xây theo một kiến trúc gần giống với những tòa lâu đài của Sa hoàng bên Nga, có chóp củ tỏi nhọn, hoa văn cầu kỳ, nhiều màu sắc.
Khi chiêm ngưỡng gần hơn, tôi nhận thấy nhà thờ có một dáng vẻ dân gian, gần gũi và sống động hơn nhờ những hình trang trí truyền thống, những bức tranh khảm theo kiểu “mosaic” công phu. Xem ra giáo đường Alexander Nevsky cũng trải qua nhiều biến động và thăng trầm theo dòng lịch sử của đất nước Estonia. Giờ đây, nghe tiếng chuông của 11 quả chuông trên các tháp cao, tôi thấy lòng chùng lại, mọi thứ như lắng đọng, những hỉ nộ ái ố nào có quan trọng gì!
Quý báu Tallinn
Công viên Tallinn |
Tòa thị chính |
Trụ sở Phường Hội (the Great Guild Hall) cũng là một nơi chúng tôi đã ghé vào. Ở Tallinn, đây là tòa nhà Trung cổ lớn thứ hai sau tòa Thị chính. Trụ sở Phường Hội là nơi xưa kia chỉ có những thương gia giàu có mới được bước chân vào. Không những thành đạt, sở hữu một căn nhà tại thủ đô, họ còn phải là người đã cưới vợ mới đạt đủ thủ tục làm thành viên của Phường Hội. Người ngoài muốn làm thành viên dĩ nhiên phải giàu có và phải bắt buộc cưới bà góa trong Phường Hội.
Dân Tallinn rất xem trọng hôn nhân. Họ không thích sống thử, cặp bồ lâu năm hay có con mà không chịu cưới xin như phần đông giới trẻ phương Tây. Trụ sở Phường Hội nhìn kiên cố, hoành tráng, vẫn còn giữ lại vẻ đẹp sang trọng dù tòa nhà này được xây từ năm 1417.
Vỏn vẹn một ngày ngắn ngủi làm quen với Tallinn, chúng tôi chia tay thành phố nhỏ xinh này trong khá lưu luyến. Khi về đến Việt Nam, một ngày kia, tôi phát hiện những bức hình chụp ở Tallinn đã bị mất khá nhiều. Có lẽ do khi thay đổi laptop, tôi đã chép chồng lên các dữ liệu và vô tình xóa hết những cảnh vật thân yêu ở Tallinn. Ngồi nhìn những tấm hình ít ỏi còn sót lại, Tallinn trong tôi càng quý báu và đẹp hơn bất cứ nơi nào tôi đã qua.
Theo DƯƠNG THÚY AN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bình luận (0)