Giữa phố phường tấp nập, với những lo toan khắc nghiệt của cuộc sống, nhưng tình người vẫn hiện hữu, ấm áp qua biển thông báo giản dị mà đáng quý
Biển thông báo mà chúng tôi muốn nhắc tới đó là tấm bảng chỉ đường bệnh viện Từ Dũ ấm lòng tình người được đặt ngay giao lộ trên đường Cao Thắng và Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, TP.HCM), có lẽ đã quá quen thuộc với những người đi đường nơi đây. Nhưng ít ai biết đằng sau tác phẩm đó, là của người đàn ông một chữ bẻ đôi cũng không hề biết.
Tấm bảng chỉ đường nằm tại ngã ba Cao Thắng – Nguyễn Thi Minh Khai của anh Nam |
Được biết, chủ nhân của tấm bảng chỉ đường là anh Nguyễn Văn Nam – (49 tuổi, ngụ đường Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP.HCM) làm nghề bán áo trùm xe Honda và xe hơi vỉa hè để kiếm cơm sống qua ngày.
Lúc đầu, tấm bảng chỉ đường được làm bằng giấy nhưng đến khi trời mưa giấy bị mủn. Anh chuyển sang làm bằng tôn nhưng cũng rỉ sét. Kế tiếp làm bằng tấm ván ép mica nhưng trời nắng quá làm nó bị giòn nên cũng bể. Và bây giờ anh Nam quyết định thay bằng loại milu với giá 600 – 700 ngàn/ 1 tấm.
Anh Nam vui vẻ, hòa đồng được rất nhều bạn bè quý mến. |
Cuộc sống khó khăn không dư dả gì mấy, vậy số tiền để làm tấm bảng chỉ đường tình nguyện này là của anh tích góp hay là của nhiều người?
“Tấm biển này, là số tiền của tôi dành dụm được bằng mồ hôi nước mắt trong những năm lăn xả với đời. Giá trị tấm bảng chỉ đường tuy không lớn, nhưng đó là tấm lòng, với mong muốn giúp được mọi người là tôi đã cảm thấy vui rồi” – anh Nam nghẹn ngào nói.
Số tiền dành dụm được anh Nam đã thuê người làm tấm bảng để mong bà con dễ dàng tìm được đường đi. |
Tấm bảng chỉ đường hướng đi bệnh viện Từ Dũ được đặt ngay một góc cố định gần 10 năm nay mang dòng chữ: “Anh chị em nào đi bệnh viện Từ Dũ nhìn theo mũi tên, thấy nhà lầu cao màu vàng, nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con. Cảm ơn!”.
Nói về việc tại sao nảy ra ý tưởng để làm tấm bảng chỉ đường này, anh Nam chia sẻ: “Ý tưởng này xuất phát từ nhiều người hỏi đường, ai tới đây cũng hỏi bệnh viện Từ Dũ nằm ở đâu, mỗi ngày chắc khoảng gần 100 lần. Cho nên, tôi nảy ra ý định làm tấm bảng chỉ đường để giúp những người dưới quê lên, họ không rành đường nên mình phải chỉ tận tình.
Để làm tấm bảng này, mỗi ngày tôi phải tích góp từ 5 đến 10 ngàn đồng. Và bây giờ, tôi đã làm hơn 10 cái để dành trong nhà phòng ngừa cái nào hư thì lấy ra dùng. Việc làm tuy không lớn, nhưng giúp được mọi người là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi”.
Tấm bảng cũ hơn 5 năm đã được anh Nam thay mới. |
Đằng sau tấm bảng đó, không một ai có thể ngờ rằng anh Nam là người một chữ bẻ đôi cũng không hề biết.
“Tôi là đứa bé mồ côi không cha, không mẹ. Tôi phải trải qua rất nhiều khó khăn của cuộc đời này, phải đi làm nhiều nghề khác nhau để tự nuôi bản thân mình. Cuộc sống lang thang từ nhỏ, tôi cũng muốn được đi học để có miếng chữ với người ta, nhưng cơm không có ăn, áo không đủ mặc thì tiền đâu ra để đi học. Bởi không biết chữ, nên tấm bảng chỉ đường này tôi phải thuê người viết hộ” – anh Nam rưng rưng nước mắt nói.
Công việc thầm lặng từ 6h sáng, tấm bảng chỉ đường lại được anh lau chùi sạch sẽ rồi đặt ra một góc nhỏ quen thuộc thay anh làm công việc hướng dẫn chỉ đường cho những người quê lạ đất người mới lên thành phố vẫn còn bỡ ngỡ. “Mình là người dân nơi đây phải biết giúp đỡ họ huống chi đây chỉ là việc nhỏ bé”- anh Nam nói.
Ngoài tấm bảng chỉ đường ra, anh còn định tích góp tiền dành dụm của mình mua bình nước đá để cho những người không có điều kiện uống giải khát khi qua đường. Cuộc sống khó khăn nhưng anh Nam vẫn nghĩ đến mọi người, có ý tưởng cao đẹp và có tấm lòng cao cả.
Đối với anh Nam, tấm bảng chỉ đường này là một việc tình nguyện rất ý nghĩa, là tình cảm của anh gửi gắm vào đó nhằm giúp đỡ mọi người. Lòng nhân hậu, tình người bao la trong con người anh Nam không thể đong đếm, tính toán. Cũng bởi đó là tình cảm chân thành của anh đối với tấm bảng chỉ đường tình nguyện này. Nhiều khi mệt mỏi, anh lại nghĩ tới tấm bảng chỉ đường vì đó là niềm tự hào khi giúp ích mọi người bằng việc làm nhỏ bé của mình.
Theo Phi Phụng – Cao Khẩm/ PNO
Bình luận (0)