Y tế - Văn hóaThư giãn

Tấm… cavidít

Tạp Chí Giáo Dục

Vẫn là Tèo – phong cách vẫn chẳng thay đổi khi giáp mặt người đối diện. Chưa chịu ngồi xuống vội mà Tèo khoát tay chìa ra một tấm cavidít với gương mặt vênh váo và giương giương tự đắc cố hữu.

– Gì???

– Đọc đi !!!

Tôi miễn cưỡng đọc xong… rồi ngao ngán:

– Cậu hơi đi quá. Cái bằng cấp của cậu vừa đậu làm gì tương xứng với cái học vị mà cậu cho in trên thiếp cavidít – một trời một vực đấy nhé! Tôi nhấn mạnh và gằn từng câu một cho hắn rõ vấn đề nhưng mặt Tèo vẫn… tỉnh bơ, ra dáng điệu của một kẻ đang ngồi “mâm trên”, Tèo nhếch miệng:

– Bởi vậy cậu suốt đời chỉ là… nhân viên quèn không ngóc đầu, ngóc cổ lên được là phải rồi… Thời buổi hiện đại bây giờ, muốn mau phất lên cho nhanh, cho lẹ thì phải biết chớp thời cơ và tạo tiếng vang rân trời đất, đại để như mình đang sở hữu cái gì thì phải biết tạo cớ “bung” ra hết cỡ cho mọi người thấy, mọi người nể, thậm chí… “bung” càng lớn, càng cao càng dễ được mọi người (không chừng có cả cấp trên) chú ý, để mắt tới mà thăng cấp hoặc liên hệ kinh doanh hợp tác nếu là đối tác…

Bực quá, tôi vội cắt ngang lời cậu ta bằng cà kê dê ngỗng kể ra một hơi dài về tích cũ chuyện xưa:

– Này nhé! Thuở còn hàn vi, Nguyễn Công Trứ đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp qua câu thơ trong bài Nợ tang bồng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Danh thường gắn liền tên, tên người với vinh dự hoặc chức vụ. Danh hiệu trong nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học, nghệ thuật, giáo dục, thể thao… được phong cho cá nhân, tập thể, địa phương do có thành tích đóng góp to lớn, mang lại lợi ích chung cho đất nước, trên trường quốc tế. Những người có danh phận cao thường khiêm tốn, không muốn được nhắc đến hoặc đề cao, hoàn toàn không bao giờ phô trương về mình. Chỉ dốc lòng làm hết trách nhiệm, công việc hiến năng lực có được cho sự nghiệp chính trị, khoa học, văn hóa… nhiều bậc vĩ nhân từ xa xưa đến nay đều thực thi với những lý tưởng quan niệm như thế, họ không ham danh lợi, không hám bằng cấp, chỉ âm thầm một lòng, một dạ chuyên tâm cho điều duy nhất là cống hiến và phục vụ cho cuộc sống ngày càng hoàn chỉnh hơn lên. Với họ một trong những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân là bệnh hám danh, hám lợi, khoe khoang, khoác lác. Ở họ, không bon chen, giả dối vì điều đó là trái với đạo đức và nhân cách sống của học sĩ trước sự sinh tồn trong cuộc sống.

Mặt Tèo đực ra, có vẻ như đã thấm. Tôi “bồi” tiếp:

– Thế cậu không đọc tin tức trên báo, đài phê phán đả kích hiện tượng cán bộ tại một số nơi tự in tên mình kèm chức danh và học vị trên các thiệp mời đám cưới, đám tiệc trong gia đình đi xa quá hoặc không đúng sự thật năng lực cá nhân trên danh thiếp nhằm che đậy những toan tính, vụ lợi không chính đáng… đang làm dư luận không đồng tình à? Đấy là hình thức của bệnh hám danh, muốn phô trương thân thế hoặc uy thế qua chức danh đang có thật là kệch cỡm và phản cảm. Bệnh này thường đi đôi với những việc làm giả dối, không trung thực…

Tèo im lặng – có lẽ là đang suy ngẫm vì tôi tin chắc dẫu gì thì Tèo cũng là… bạn tôi. Mà tôi luôn là con người tự trọng nên Tèo vẫn phải còn một chút tự trọng chớ. Tèo lẳng lặng ngồi xuống bàn và nhẹ nhàng cất nhanh tấm thiếp cavidít ấy vào túi cho đỡ… ngượng!

Hunh Quý Khoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)