Theo tác giả, bản thân mỗi người thầy để thuyết phục được học sinh về các bài giảng, bài học, nhất là các bài học về đạo đức, thì chính người thầy phải là một tấm gương (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
1. Trong lời tựa cuốn Gương danh nhân, xuất bản năm 1958, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) viết: “Tôi ngờ rằng hết thảy các nhà lập chương trình giáo dục hiện nay ở phương Tây cũng như ở phương Đông sở dĩ không bỏ bộ môn luân lý ở ban trung học, là vì chưa nỡ lòng nào, chứ trong thâm tâm thì không ông nào không nhận rằng giờ luân lý ở trường học khó có hiệu quả được lắm. Có hiệu quả làm sao được kia chứ? Một ông giáo nào đó, tư cách, nhân phẩm ra sao không biết, mỗi tuần tới lớp một giờ, bắt học sinh trả bài, rồi chép bài về nhà học, hễ ai học thuộc thì được nhiều điểm, rồi tan giờ ra, thầy trò không liên can gì tới nhau cả, như vậy mới gọi là đức dục thì thật là mỉa mai quá lắm! Bây giờ nhớ lại mười mấy năm cắp sách tới trường, tôi học cả mấy trăm giờ luân lý, mà không có giờ nào để lại cho tôi được một chút ấn tượng, chứ đừng nói là ảnh hưởng đến tâm hồn tôi nữa. Đức dục của tôi hoàn toàn không do những bài học luân lý ở nhà trường mà do những tấm gương sáng của các người thân…”. Nhận xét về việc học tập môn Đạo đức, hay được gọi là “lễ”, trong nhà trường đối với nhiều người khác có lẽ cũng như vậy. Điều chúng ta học được về các đức tính, về lẽ sống, về sự rèn luyện nhân cách thường qua nhiều con đường khác, chứ con đường học vấn trên lớp có lẽ không nhiều. Vì sao như vậy?
Lý giải điều này hẳn có nhiều điều để nói. Chẳng hạn, liệu chương trình phù hợp và thiết thực không, nội dung có hợp lý và hấp dẫn không, cách dạy của giáo viên có sinh động và thuyết phục không, sự tác động của xã hội về mặt đạo đức liệu tương đồng hay trái ngược với điều học sinh được dạy dỗ, liệu gia đình có thực sự tạo ra sự cộng hưởng trong việc xây dựng nhân cách và rèn luyện đạo đức cho trẻ không… Tất cả những vấn đề đó nếu được phân tích, nghiên cứu sâu thì đều rất phức tạp, rộng lớn, không thể nói đôi ba câu được. Ở đây, có một số vấn đề cần đề cập là việc nêu gương của người thầy. Đó chính là bài học cụ thể, sinh động, thiết thực và thuyết phục nhất cho học sinh. Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; ở góc độ giảng dạy, chúng ta có thể hiểu là, những câu chuyện cụ thể, có thực, gần gũi sẽ có giá trị gấp nhiều lần so với các bài giảng lý thuyết suông hay các bài tập, bài kiểm tra, bài thi vốn “xong rồi thì cho qua”. Một trong những câu chuyện đó chính là hình ảnh, tấm gương của người thầy.
2. Có rất nhiều chuyện thực tế đã xảy ra khiến chúng ta không khỏi tự vấn về việc nêu gương của một số thầy cô đứng lớp. Có thầy cô đã đánh học sinh đến thương tích thì liệu có thể giảng giải gì về bài học thương người với lời dạy của Bác Hồ là “Cô giáo phải như mẹ hiền”? Có giáo viên đã im lặng và không giảng bài suốt nhiều tháng thì liệu có thể dạy gì về lòng yêu thương học sinh, sự tận tụy, tận tâm với công việc? Có giáo viên dụ dỗ, xâm hại học sinh thì liệu có thể dạy gì về sự tuân thủ pháp luật, tinh thần tôn trọng sức khỏe, nhân phẩm của người khác? Có giáo viên lên lớp giảng bài qua loa, chủ yếu “vận động” học sinh đến học thêm ở nhà thì liệu có thể dạy gì về sự trung thực, tính công bằng, tinh thần trách nhiệm? Có giáo viên lên lớp chỉ trích, nói xấu người khác một cách không cân nhắc liệu có thể dạy gì về tính khách quan, lòng bao dung, sự vị tha? Có giáo viên ngoài lúc lên lớp thì không trao đổi, tương tác gì với học sinh, cũng không quan tâm đến biểu hiện nào bất thường của học sinh thì liệu có thể dạy gì về sự gắn kết, tinh thần làm việc tập thể?… Những câu chuyện khác còn rất nhiều và dù rằng chúng ta đều hiểu là đó là hiện tượng cá biệt trong một số ít giáo viên thôi thì cũng khiến chúng ta không yên tâm về việc học của con em chúng ta, cũng như không thể hài lòng về chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường.
Chúng ta thử hình dung: Học sinh sẽ phản ứng ra sao khi một người thầy giảng về đạo đức mà các em lại nghe được câu nói tục, chửi thề hay mắng mỏ của người thầy đó? Hay khi người thầy rao giảng về nhân cách mà có học sinh lại biết rằng người thầy đó ở gia đình không phải là một người con hiếu thảo, một người chồng tốt, một người cha gương mẫu thì liệu các em sẽ tiếp thu bài giảng như thế nào? Hoặc người thầy thao thao những lời kêu gọi bảo vệ môi trường nhưng lại xả rác vô ý, hút thuốc nơi có đông học sinh rồi vô tư bỏ tàn thuốc xuống sân… thì lời kêu gọi đó liệu có ý nghĩa gì? Thậm chí, người thầy trên lớp luôn tỏ ra mình cao thượng nhưng lại để cho học sinh biết bản thân từng dối gạt, lừa tiền của người khác thì lòng tin của các em sẽ ra sao? Những điều đó không chỉ tạo ra cái nhìn khác của học sinh về một vài người thầy cụ thể mà còn có thể gây nên những ấn tượng không tốt với nhiều thầy cô khác nữa.
3. Đương nhiên vẫn còn rất nhiều tấm gương người thầy tận tụy, trách nhiệm, chăm chút cho từng việc nhỏ của học sinh. Hay những người thầy không chỉ lo việc dạy trên lớp mà còn lo lắng việc ăn ngủ, sinh hoạt, biểu hiện của học sinh. Cũng như có những người thầy rất tích cực làm công tác xã hội, trở thành người “đi xin” để chăm lo cho các hoàn cảnh học sinh khó khăn… Những người thầy đó thật sự cao cả, thật sự là gương sáng để không phải chỉ học sinh mà còn các giáo viên khác và phụ huynh học tập.
Dĩ nhiên chúng ta không đòi hỏi người thầy là những cá nhân hoàn hảo, những tấm gương toàn diện, vì đó là đòi hỏi phi lý và không tưởng, nhưng chúng ta có quyền đòi hỏi người thầy khi đứng lớp hoặc xuất hiện trong trường thì phải “cho ra thầy”. Điều này đã được quy định cụ thể trong quy định về đạo đức nhà giáo, được ban hành năm 2008, với các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống – tác phong, về giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo với 23 điều cụ thể. Nếu khái quát hơn, có thể chỉ cần các đòi hỏi rất cơ bản là yêu nghề, yêu trường lớp, yêu học sinh, thậm chí nếu gói gọn trong câu “Cô giáo phải như mẹ hiền” thì cũng đã là đủ rồi. Hình ảnh “mẹ hiền” nói lên rất nhiều điều về tình thương, trách nhiệm, sự tận tụy, hy sinh và chính điều đó đã tạo ra một hình mẫu thuyết phục về tấm gương người thầy rồi.
Dẫu xã hội có nhiều thay đổi về lối sống, nhận thức… nhưng vai trò của người thầy vẫn được tôn xưng bằng những từ rất trân trọng như “kỹ sư tâm hồn”, “người đưa đò”, “người chuẩn bị lớp người thay thế”, tức là dù ở xã hội thì vai trò người thầy cũng gần như không thay đổi. Do đó, bản thân mỗi người thầy để thuyết phục được học sinh về các bài giảng, bài học, nhất là các bài học về đạo đức, thì chính người thầy phải là một tấm gương! Và tấm gương đó phải không ngừng được làm cho sáng, cho trong không chỉ trước các học sinh của mình mà còn trước mọi người, trước xã hội!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)