Hội nhậpGiáo dục phát triển

Tâm huyết của người mở đường

Tạp Chí Giáo Dục

Tiến sĩ Nguyễn Trọng phát biểu nhân ngày thành lập Trường Cao đẳng nghề iSPACE

Mặc dù đã liên hệ từ trước đó, nhưng để tranh thủ vài phút ngắn ngủi gặp gỡ và trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Trọng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề iSPACE, cũng không phải dễ dàng. Ngoài công việc tại trường, ông còn có mặt mỗi ngày tại Trung tâm Thông tin KH&CN, Sở Khoa học Công nghệ với công việc Tổng biên tập tạp chí Thông Tin Khoa Học & Công Nghệ. Ở cái tuổi mà nhiều người dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn thì thầy vẫn cống hiến sức mình cho xã hội và đau đáu về sự phát triển của ngành công nghệ thông tin (CNTT) nước nhà.

Từ hành trình đưa tri thức CNTT quốc tế vào Việt Nam
Hẳn nhiều người đã biết, tiến sĩ Nguyễn Trọng nguyên là Tổng biên tập tạp chí PC World Việt Nam, người đầu tiên đưa tạp chí CNTT có gốc từ Mỹ này đến với độc giả Việt Nam, góp phần mở đường cho thông tin công nghệ làm giàu tri thức trong nước, “khai khẩn” nguồn tài nguyên thông tin, kiến thức thế giới phục vụ cho sự phát triển kinh tế và xã hội nước nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng tâm sự: Vào đầu những năm 90, chúng ta đi những bước đầu trong việc phát triển CNTT, trong hoàn cảnh bị cấm vận ngặt nghèo. Để phát triển CNTT thì không thể thiếu nguồn thông tin quốc tế. Cũng từ trăn trở ấy đã tạo nên cơ duyên cho tôi làm việc với tập đoàn IDG Mỹ, cuối cùng đi đến quyết định ký kết hợp tác cho ra đời tạp chí PC World tại Việt Nam, tờ báo đặt dưới sự quản lý của Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM. Sự kiện truyền thông này có ý nghĩa quan trọng và góp phần đáng kể cải thiện chất lượng giáo dục nước nhà để đào tạo nguồn nhân lực CNTT, góp phần cho sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm CNTT, tích lũy lượng tri thức cho sinh viên, giới trẻ ham học hỏi trao đổi kinh nghiệm.
Có thể nói ông là một trong những người gắn bó với CNTT Việt Nam từ những ngày đầu. Một điều thú vị khi những ngày đầu đó không phải của thập niên 90 mà là ngay từ thời điểm thống nhất đất nước, ông là một trong những người đầu tiên tiếp quản thiết bị máy tính công nghệ cao của chính quyền Sài Gòn cũ. Trải qua nhiều nhiệm vụ từ Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, Tổng biên tập tạp chí PC World, Chủ tịch Hội Tin học VN và Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT… ông thấu hiểu việc đào tạo nhân lực nói chung và cho CNTT nói riêng là điều bức thiết đến dường nào.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng và ban lãnh đạo nhận quyết định thành lập trường

Ông cho rằng: Thời điểm chín muồi về công nghiệp CNTT trên thế giới tạo nhiều cơ hội cho các quốc gia đi sau, trong đó có Việt Nam. Thời kỳ chuyển giao tạo tiền đề cho lĩnh vực kinh doanh về CNTT phát triển, kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp mở ra khai thác thị trường này, đồng thời nhiều tập đoàn CNTT lớn mạnh như IBM, Intel… cũng đã vào Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lực có giá trị của Việt Nam. Các nghề liên quan đến CNTT trở nên sốt hơn bao giờ hết, đất nước cần nguồn nhân lực lớn và chất lượng cao. Tuy nhiên, mặc dù số lượng được đào tạo từ các trường đại học cao đẳng về CNTT là tương đối lớn, nhưng nguồn lực đạt tiêu chí tuyển dụng tại các doanh nghiệp thì còn khá giới hạn.
Đến con đường và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực
Những trăn trở về việc phát triển ngành CNTT của đất nước một lần nữa lại trở về khi ông cùng chung vai xây dựng Trường Cao đẳng nghề iSPACE đi lên từ một trung tâm đào tạo. Hơn ai hết, ông hiểu rằng việc ứng dụng CNTT của đất nước ngoài những sản phẩm tốt còn cần nhiều vào bàn tay của những người làm nhiệm vụ hỗ trợ. “Chuyên môn hóa là sự phát triển tất yếu của xã hội phát triển. Ở các quốc gia phát triển, học sinh tốt nghiệp trung học không nhất thiết làm mọi cách để được vào trường đại học. Họ thường có định hướng nghề nghiệp từ rất sớm, và sẵn sàng đeo đuổi học nghề để trở thành những tay “kỳ cựu”…

Tiến sĩ Nguyễn Trọng phát bằng tốt nghiệp cho học viên của iSPACE

Với suy nghĩ đó, ông và đội ngũ cộng sự đã dành nhiều tâm huyết để thiết kế nên chương trình đào tạo đạt chất lượng quốc tế, giáo trình giảng dạy luôn cập nhật và tìm tòi kiến thức mới, công nghệ mới, quá trình học tập dành cho sinh viên chú trọng chuyên sâu thực hành và đặc biệt quan trọng cho giải pháp đầu ra: sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhân tố: nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên.
Ông phân tích: CNTT đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các ngành nghề. Yếu tố công nghệ trở nên quan trọng với các doanh nghiệp ở các loại hình kinh doanh và nhiều đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, nguồn nhân lực CNTT đang ngày càng thiếu trầm trọng vì rất nhiều sinh viên sau khi ra trường chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Theo khảo sát từ các doanh nghiệp, sinh viên ra trường còn thiếu và yếu trầm trọng kỹ năng nghề nghiệp, khả năng xâm nhập thực tế còn kém, tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp, trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Trong khi đó 64% nguồn nhân lực không thể hòa nhập ngay vào môi trường làm việc tập thể, 71% chưa thích ứng với sự thay đổi công nghệ và 90% nhân sự có trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tất cả những hạn chế trên gây ra một hệ quả lớn: tốn kém chi phí và thời gian đào tạo lại, gây ra sự lãng phí cho xã hội. Tất cả những kỹ năng trong quá trình làm việc mà hiện nay sinh viên còn thiếu là những yếu tố hết sức cần thiết trong một môi trường làm việc năng động tại các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nước ngoài và cả trong nước. Họ đã, đang và chuẩn bị nhiều dự án đầu tư về CNTT tại Việt Nam. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu của họ, thì khi đó nguồn nhân lực CNTT của nước ta mới thực sự được đánh giá cao trên thị trường toàn cầu.
Từ đó, chất lượng giáo dục đào tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nó đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên; tạo nhiều cơ hội cho các em có thể du nhập môi trường thực tế, hoàn thiện kỹ năng.
Hệ thống đào tạo chính quy chưa bao giờ là đủ, cần có sự thay đổi cơ bản quy trình và chất lượng đào tạo. Khi thành lập Trường Cao đẳng nghề CNTT iSPACE, tiến sỹ – Hiệu trưởng Nguyễn Trọng và nhiều cộng sự đắc lực chú trọng chương trình đào tạo có sự tác động, hỗ trợ từ nhiều hoạt động tại các doanh nghiệp, thời gian học tập chuyên sâu thực hành trong phòng Lab. Hình thức hợp tác, liên kết với doanh nghiệp cũng là một giải pháp giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, phong cách làm việc, khả năng xử lý tình huống thực tế. Ông khẳng định: “Chương trình đào tạo tại iSPACE tạo cho sinh viên quen với công nghệ mới, quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay từ khi còn ở giảng đường. Vì như thế khi đã tốt nghiệp sinh viên sẽ cảm thấy rất tự tin và có thể tham gia vào môi trường làm việc một cách dễ dàng”.
Tiến sĩ cũng cho biết thêm, trong hướng phát triển sắp tới Trường Cao đẳng nghề iSPACE ngoài các ngành nghề hiện có sẽ đào tạo thêm một số ngành gắn với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu xã hội. Trước mắt là việc giới thiệu ngành kế toán doanh nghiệp am hiểu sâu sắc nghiệp vụ tài chính doanh nghiệp cùng với năng lực nhuần nhuyễn vận dụng CNTT trong những nghiệp vụ này và đầu chiêu sinh trong mùa tuyển sinh tháng 7-2009. Dù đào tạo ở bất kỳ ngành nghề gì thì mục tiêu của trường là nâng chất, phát triển chiều sâu, làm sao để sinh viên được đào tạo vừa có kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc vừa được trang bị kiến thức để có thể tự tìm tòi phát triển khả năng của mình.
PHAN NGỌC

Bình luận (0)